Xã hội

Chính sách nhân văn giúp người lầm lỗi làm lại cuộc đời

Thanh Nga 10/07/2025 16:30

Trong hành trình phát triển toàn diện của xã hội, không thể bỏ quên những con người từng vấp ngã, từng sai lầm. Một xã hội tiến bộ không chỉ đánh giá ở tốc độ tăng trưởng kinh tế mà còn được thể hiện ở cách đối xử với những người yếu thế, những người từng lầm lỗi. Nhận thức sâu sắc được điều đó, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Đắk Lắk đang triển khai một chính sách mang tính nhân văn sâu sắc: hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho người chấp hành xong án phạt tù, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống và làm lại từ đầu.

541-202507101601211.jpg
Lãnh đạo NHSXH chi nhánh tỉnh Đắk Lắk thăm động viên hộ gia đình ông Nguyễn Thế Thuận thôn 20 xã Ea Rốk, huyện Ea Súp.

Làm lại từ đầu – Hành trình không dễ dàng

Qua tìm hiểu thực tế tại địa phương, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Đắk Lắk được biết: Cuộc sống của một người sau khi chấp hành xong án phạt tù thường đầy rẫy những khó khăn. Ngoài rào cản pháp lý, họ còn phải đối mặt với ánh nhìn dò xét, định kiến của xã hội và ngay cả sự mặc cảm trong chính bản thân. Việc tìm kiếm một công việc ổn định, tạo dựng cuộc sống bình thường đã là thách thức lớn, huống hồ gì đến việc phát triển kinh tế gia đình hay đóng góp tích cực trở lại cho cộng đồng.

Nhiều người sau khi ra tù rơi vào cảnh thất nghiệp, không có nguồn thu nhập ổn định. Không ít trường hợp vì quá bế tắc, không có ai giúp đỡ, họ lại lạc lối một lần nữa. Chính vì vậy, cần một “cánh tay nối dài” của xã hội – không chỉ cảm thông mà còn hành động cụ thể để giúp họ có cơ hội làm lại cuộc đời.

541-202507101601212.jpg
Lãnh đạo NHSXH chi nhánh tỉnh Đắk Lắk thăm mô hình phát triển kinh tế của anh Đặng Văn Thương ở thôn 4 thị trấn Ea Súp.

Chính sách vay vốn ưu đãi – Cánh tay nối dài đầy tình người

Trên tinh thần đó, NHCSXH tỉnh Đắk Lắk đã triển khai chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho người chấp hành xong án phạt tù. Đây là chính sách nằm trong chương trình tín dụng chính sách xã hội do Chính phủ giao cho NHCSXH triển khai, với mục tiêu giúp các đối tượng yếu thế có điều kiện vượt qua khó khăn, phát triển kinh tế và tái hòa nhập cộng đồng.

Cụ thể, những người sau khi hoàn thành án phạt tù, nếu có ý chí làm ăn, kế hoạch sản xuất – kinh doanh khả thi và có xác nhận của chính quyền địa phương, sẽ được NHCSXH xem xét cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, thời hạn trả nợ linh hoạt và thủ tục đơn giản. Thời hạn vay tối đa 120 tháng (10 năm). Khoản vay này có thể sử dụng để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, mở xưởng sửa chữa nhỏ, buôn bán… phù hợp với điều kiện và năng lực của từng cá nhân.

“Điểm đặc biệt của chính sách này là nó không chỉ tiếp cận ở khía cạnh kinh tế mà còn thể hiện rõ tinh thần nhân văn, bao dung và trách nhiệm xã hội. Đây là một "món quà niềm tin", là sự khích lệ để người từng lầm lỗi cảm nhận được rằng, họ vẫn có chỗ đứng trong xã hội, vẫn có cơ hội để làm lại từ đầu nếu biết cố gắng và thay đổi”, ông Đào Thái Hòa - Q.Giám đốc NHSXH chi nhánh tỉnh Đắk Lắk.

Thực hiện Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, NHCSXH tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp Công an tỉnh, các tổ chức - chính trị xã hội nhận ủy thác tập trung rà soát các đối tượng có nhu cầu, bình xét cho vay, hoàn thiện hồ sơ để giải ngân kịp thời đến người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh có nhu cầu, đủ điều kiện.

Tính từ khi triển khai đến nay, NHCSXH tỉnh đã giải ngân cho 487 khách hàng vay vốn, với tổng số tiền 37 tỷ 730 triệu đồng, trong đó, từ đầu năm 2025 đến nay, đã giải ngân cho 87 trường hợp được vay vốn với số tiền gần 8 tỷ đồng.

541-202507101601213.jpg
Lãnh đạo phòng giao dịch NHCSXH Chi nhánh huyện Cư Mgar (cũ) và Hội đoàn thể nhận ủy thác thăm động viên anh Trần Văn Bàng, ở thôn 2, xã Cư M’gar từng chấp hành án phạt tù vì tội “tàng trữ trái phép chất ma túy”.

Những câu chuyện thay đổi từ nghị lực và sự đồng hành

Trên thực tế, đã có rất nhiều câu chuyện truyền cảm hứng từ những người từng một thời lầm lỗi, nay nhờ chính sách tín dụng ưu đãi đã thay đổi tích cực, làm lại cuộc đời thành công.

Đơn cử như trường hợp của anh Trần Văn Bàng, (34 tuổi) ở thôn 2, xã Cư M’gar từng chấp hành án phạt tù vì tội “tàng trữ trái phép chất ma túy”. Sau khi ra tù, anh được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi từ NHCSXH Chi nhánh huyện Cư Mgar (cũ), vay 90 triệu đồng để đầu tư trồng và chăm sóc cà phê. Với sự cần cù chịu khó, tu chí làm ăn, quyết tâm làm lại cuộc đời; rẫy cà phê của anh đang phát triển tốt, hứa hẹn vụ mùa bội thu trong năm tới. Giờ đây, anh được mọi người nhìn nhận bằng sự cảm phục chứ không còn là ánh mắt hoài nghi như trước.

Hay trường hợp của anh Đặng Văn Thương, (39 tuổi) ở thôn 4 thị trấn Ea Súp (cũ) từng bị kết án 4 năm 6 tháng vì tội “hủy hoại rừng”. Mãn hạn tù anh quyết tâm làm lại cuộc đời. Với khoản vay (70 triệu đồng) từ NHCSXH hỗ trợ, anh đầu tư trồng xoài trên diện tích đất của cha mẹ để lại, mô hình kinh tế của anh dần có lãi, mới đây vườn xoài của anh đã thu bói được 6 tấn, bán được 25 triệu đồng; ngoài ra anh còn đầu tư trồng 2 ha mía để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Cuộc sống của gia đình anh đã dần ổn định.

Một trường hợp khác, cuối năm 2023, gia đình anh Cù Ngọc Út ở xã Yang Tao, huyện Lắk (cũ) được NHCSXH huyện cho vay 100 triệu đồng. Anh đầu tư phân, thuốc, cải tạo 2 ha đất để trồng cà phê. Hiện mỗi vụ, gia đình anh thu được lợi nhuận ước tính gần 100 triệu đồng, cộng với gia đình làm thêm nghề buôn bán tạp hoá, bình quân mỗi tháng thu nhập gần 10 triệu đồng. Với mức thu nhập trên đã giúp cuộc sống gia đình anh ổn định hơn trước rất nhiều.

541-202507101601214.jpg
Lãnh đạo phòng giao dịch NHCSXH Chi nhánh huyện Cư Mgar (cũ), thăm mô hình phát triển kinh tế của anh Trần Văn Bàng ở thôn 2, xã Cư M’gar.

Từ một chính sách đến thay đổi tư duy cộng đồng

Việc hỗ trợ người từng lầm lỗi không chỉ là câu chuyện của cá nhân, mà còn là một phép thử cho sự trưởng thành của cả cộng đồng. Chính sách vay vốn ưu đãi của NHCSXH không chỉ đơn thuần mang giá trị tài chính mà còn là một lời khẳng định rằng: mọi người đều có quyền được tha thứ và có cơ hội làm lại nếu biết hối lỗi và quyết tâm thay đổi.

Đặc biệt, việc triển khai chính sách này tại Đắk Lắk còn thể hiện sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể và NHCSXH. Chính quyền địa phương không chỉ xác minh và tạo điều kiện mà còn giám sát, hỗ trợ người vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Các tổ chức hội, đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… cũng đóng vai trò “bà đỡ” để người lầm lỗi có thể tiếp cận các lớp đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh.

Một chính sách – Nhiều giá trị lan tỏa

Ông Đào Thái Hòa - Q.Giám đốc NHSXH chi nhánh tỉnh Đắk Lắk chia sẻ: Có thể nói, chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho người chấp hành xong án phạt tù là một trong những điển hình của mô hình chính sách nhân văn – hành động vì con người. Nó không chỉ giải quyết vấn đề tái hòa nhập cho một nhóm đối tượng cụ thể mà còn góp phần ổn định an ninh trật tự tại địa phương, hạn chế tái phạm tội, giảm gánh nặng cho xã hội và tăng cường khối đoàn kết cộng đồng.

“Khi một người từng lầm lỗi được giúp đỡ, họ không chỉ tự cứu chính mình mà còn có thể trở thành điểm tựa cho người khác. Từ một "người bị gạt ra bên lề", họ trở lại làm một công dân có ích – điều đó chính là thước đo thực chất của một xã hội công bằng và nhân ái.

Trong xã hội hiện đại, nơi các giá trị đạo đức và pháp luật luôn song hành, thì những chính sách như của NHCSXH tỉnh Đắk Lắk là một minh chứng sống động cho việc đưa lý tưởng nhân văn vào hành động thực tiễn. Giúp người từng lầm lỗi làm lại cuộc đời không phải là sự dễ dãi hay tha thứ mù quáng, mà đó là sự thấu hiểu, cảm thông và hướng thiện.

Một cây non nếu được chăm sóc tốt sẽ đâm chồi, nảy lộc. Một con người nếu được trao cơ hội sẽ biết cách vươn lên. Chính sách vay vốn ưu đãi dành cho người chấp hành xong án phạt tù chính là một nhịp cầu tái sinh, giúp họ không chỉ làm lại cuộc đời mà còn viết tiếp một hành trình tử tế, ý nghĩa và đóng góp cho cộng đồng”, ông Đào Thái Hòa nhấn mạnh./.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính sách nhân văn giúp người lầm lỗi làm lại cuộc đời