Việc lấy ý kiến nhân dân về Luật Đất đai sửa đổi đang bước vào giai đoạn nước rút. Theo PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Hà Nội, quá trình sửa luật lần này, phải bám sát thực tiễn. Tất cả mọi chính sách đều phải xuất phát từ quyền lợi chính đáng của dân.
PV: Thưa bà, là người từng cho ý kiến và bấm nút thông qua Luật Đất đai 2013 với vai trò là một đại biểu Quốc hội. Đến nay, tiếp tục góp ý kiến cho dự thảo Luật Đất đai sửa đổi trên cương vị nhà khoa học, bà có so sánh gì về dự thảo Luật sửa đổi lần này với Luật Đất đai 2013?
PGS.TS Bùi Thị An: Luật Đất đai 2013 trong 10 năm thực hiện đã có một bước tiến quan trọng, giúp cho việc quản lý đất đai hiệu quả hơn. Nhưng đến nay đã xuất hiện những bất cập mà trước đây chúng ta chưa lường hết được. Do đó, những bức xúc trong cộng đồng liên quan đến đất đai xuất hiện khá nhiều. Bây giờ chúng ta tiến hành sửa Luật Đất đai 2013 là cần thiết.
Tôi cho rằng, lần này chúng ta phải sửa đổi luật một cách cơ bản để giải quyết tồn tại nhằm khai thác đất đai – nguồn tài nguyên của đất nước, một cách có hiệu quả. Nghĩa là, về vật chất phải mang lại lợi ích cho nhân dân, cho Nhà nước và cho doanh nghiệp chứ không được “lệch” về bên nào.
Đây là luật khó, phức tạp, dự thảo luật mới đã có những cải thiện song còn rất nhiều vấn đề cần làm rõ và định lượng. Ví dụ tại Điều 27 quy định người dân có quyền được cấp, nhận giấy chứng nhận sử dụng đất nhưng lại thiếu yếu tố quan trọng là “cấp đúng thời điểm”. Nếu cấp 30 năm trước sẽ khác so với 30 năm sau. Nếu không cấp sớm, đúng thời điểm thì người dân không dám xây nhà, sửa nhà; không thể thế chấp ngân hàng để vay vốn làm ăn... từ đó sinh ra tiêu cực phải “chạy chọt”. Do đó đúng thời điểm là yếu tố quan trọng. Hay như việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất chúng ta cứ nói phải bằng hoặc hơn chỗ ở cũ, vậy “thế nào là bằng hoặc hơn chỗ ở cũ? Ở đây theo tôi hơn phải là hơn về chất lượng cuộc sống chứ không chỉ nói một cách trừu tượng là “hơn”.
Hiện cũng có thực tế người dân nhường đất cho các dự án thủy điện nhưng lại bố trí tái định cư ở nơi xa không có đất sản xuất, nhiều năm không có điện, bà đánh giá thế nào về vấn đề này?
- Tôi từng tham gia giám sát tại các công trình thủy điện tại Hòa Bình, Sơn La, Nghệ An, nhiều khi thấy tại khu tái định cư, người dân không có việc làm, không có đất để sản xuất. Vì thế, tôi muốn nhắc lại rằng, sửa luật, chúng ta cần đặt vấn đề phải lượng hóa “hơn” ở cái gì? Tôi cho rằng không chỉ hơn về diện tích mà phải hơn về chất lượng cuộc sống, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người dân chứ không phải “xây nhà đẹp” là hơn. Tất cả mọi chính sách chúng ta phải xuất phát từ quyền lợi chính đáng của dân.
Khi lấy ý kiến nhân dân, trong rất nhiều vấn đề thì nổi lên vẫn là vấn đề thu hồi đất và giá đất. Bà nhìn nhận ra sao?
- Trong thu hồi đất, tôi cho rằng, chỉ nên thu hồi đất đối với các dự án công trình công cộng như: bệnh viện, trường học, giao thông. Còn thu hồi đất với mục đích phát triển kinh tế - xã hội, khu đô thị, nhà ở thì phải thực hiện theo cơ chế thỏa thuận. Và giá thỏa thuận là theo giá thị trường.
Nhưng theo quan điểm của tôi, yếu tố quan trọng số một phải là quy hoạch. Khi xây dựng quy hoạch thì người dân được lấy ý kiến như thế nào? Cấp nào phê duyệt quy hoạch? Phê duyệt đến đâu? Diện tích thế nào? Rồi công bố quy hoạch phải được quy định cụ thể trong luật. Bởi thời gian qua, chính sự mập mờ trong quy hoạch đã khiến nhiều người giàu lên nhanh chóng. Mập mờ trong quy hoạch làm phát sinh tiêu cực, nhũng nhiễu.
Thưa bà, vấn đề nằm ở việc công khai bản quy hoạch?
- Đúng vậy. Sau khi có quy hoạch thì phải công bố bản quy hoạch cho người dân biết, và cần kiểm tra, giám sát việc công bố quy hoạch. Tôi cho rằng đó là việc rất quan trọng, như việc phải công bố chỗ này làm đường, chỗ kia làm cầu... Đặc biệt, cần giám sát xem việc thực hiện quy hoạch như thế nào chứ không phải điều chỉnh quy hoạch một cách tuỳ tiện. Phải quy định rõ cấp nào được quyền điều chỉnh quy hoạch? Điều chỉnh lúc nào và ai điều chỉnh? Quy hoạch là khởi nguồn, nếu làm quy hoạch không tốt, không công khai và phê duyệt quy hoạch không đúng sẽ sinh ra tiêu cực, tham nhũng. Do đó nếu quy hoạch chuẩn, công khai, minh bạch từ đầu thì sẽ không nảy sinh tiêu cực.
Đất đai liên quan đến tất cả mọi người. Vì thế, lấy ý kiến nhân dân càng nhiều càng tốt vì đây là đạo luật có ý nghĩa vô cùng lớn.
Cho nên cũng cần phải rà soát lại toàn bộ các luật, cái nào không đồng bộ với Luật Đất đai thì phải sửa đổi để cho đồng bộ. Cũng cần cân nhắc chất lượng với tiến độ. Nếu đến 15/3 lấy được nhiều ý kiến chất lượng thì có thể dừng việc lấy ý kiến. Nhưng nếu thấy chưa đảm bảo chất lượng, chưa có tính khả thi cao thì Quốc hội có thể nghiên cứu cho lùi lại để thêm thời gian lấy ý kiến. Đây là luật rất quan trọng. Nếu luật thông qua mà chất lượng đạt được sự đồng thuận của người dân sẽ củng cố, tăng cường niềm tin của dân trong giải quyết các vấn đề khó khăn của đất nước, đất nước sẽ phát triển bền vững.
Trân trọng cảm ơn bà!