Việc Mỹ áp mức thuế suất mới đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng không quá lo ngại nếu chúng ta có sự chủ động ứng phó bằng nhiều giải pháp cụ thể. Đó là nhận định được đưa ra tại hội thảo khoa học Tăng trưởng kinh tế thành phố trước tác động chính sách thuế quan mới của Mỹ diễn ra ngày 9/4 do UBND TPHCM tổ chức.
Nhiều kịch bản tăng trưởng được đặt ra
Tại hội thảo, Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM chỉ rõ những tác động của chính sách thuế quan mới của Mỹ đến Việt Nam. Theo Viện Nghiên cứu Phát triển, nếu áp thuế cao nhất 46% chắc chắn hàng hóa sẽ giảm xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ. Thậm chí, hàng sang các thị trường khác cũng giảm khi kinh tế toàn cầu suy giảm. Ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đang dịch chuyển vào Việt Nam. Bên cạnh đó, giảm cầu nội địa (cả du lịch) khi thu nhập và việc làm gắn với sản xuất công nghiệp xuất khẩu giảm. Tỷ giá sẽ chịu thêm sức ép do Việt Nam cần phải tăng cường nhập khẩu từ Mỹ. Ông Trương Minh Huy Vũ – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển đưa ra 3 kịch bản mà thành phố cần phải xem xét. Kịch bản tăng trưởng thấp nhất khi việc áp thuế 46% giữ nguyên, kịch bản thứ 2 là tăng trưởng trung bình nếu giảm 25%, kịch bản thứ 3 là tăng trưởng tốt nếu việc áp thuế giảm về 0%. Theo Vũ, với kịch bản thứ nhất thì GDP giảm từ 2 – 2,5 điểm phần trăm; kịch bản thứ 2 giảm khoảng 1,6 – 1,9 điểm phần trăm; kịch bản thứ 3 có thể giảm 1 – 1,3 điểm phần trăm.
Trái ngược với dự báo của Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố, trước thông tin có thể Mỹ áp thuế quan mới, nhiều chuyên gia khẳng định, không nên quá lo lắng về điều này. Bởi vì nếu Mỹ có áp thuế quan 46%, tăng trưởng kinh tế của thành phố không bị ảnh hưởng nhiều. GS.TS Nguyễn Trọng Hoài – Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, nếu Mỹ áp thuế mới GDP của cả nước chỉ giảm 1,3%, trong đó thành phố giảm khoảng 0,3% chứ không giảm sâu như các nhận định khác. Trường hợp Việt Nam đàm phán được với mức thuế giảm 1 nửa, chỉ số GDP sẽ giảm thấp hơn. Đặc biệt, thuế về 0% thì người tiêu dùng được lợi mặc dù nhà nước không thu được thuế. “Không nên quá nặng nề với mức thuế suất mới của Mỹ mà cần xem đây là cơ hội để tái cấu trúc về mặt công nghệ” – ông Hoài nhấn mạnh.
Tương tự, PGS.TS Phạm Tiến Đạt – Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính - Marketing khẳng định, nếu Mỹ áp thuế đối ứng lên 46% tăng trưởng của thành phố cũng chỉ giảm 0,2%. Không phải việc tăng thuế suất mới này là ngành nào cũng bị ảnh hưởng. Thành phố nên phân loại và hỗ trợ những doanh nghiệp xuất khẩu nhiều vào Mỹ và có đóng góp lớn cho ngân sách.
Cần ứng phó sớm
Nêu quan điểm, GS.TS Vũ Minh Khương – Giảng viên Đại học NUS Singapore cho hay: “Đây là cơ hội lớn của Việt Nam để thay đổi mô hình tăng trưởng. Nhân dịp này sẽ cải cách mạnh mẽ, vững vàng hơn. Vấn đề hiện nay là không để nhà đầu tư nước ngoài hoang mang và không xem Việt Nam là thị trường hấp dẫn như trước đây”. Theo ông Khương, nguyên nhân của việc áp thuế mới là do Việt Nam xuất khẩu số lượng lớn hàng hóa sang Mỹ mà không mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước. “Chỉ trong 5 năm (từ năm 2019 đến nay) xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ từ 66 tỷ USD lên 139 tỷ USD là quá lớn. Doanh nghiệp (DN) Việt đã thừa thắng xông lên nhưng quên mở rộng thị trường xuất khẩu” - ông Khương nói.
Các chuyên gia cho rằng, dù Mỹ áp mức thuế suất bao nhiêu thì các doanh nghiệp cũng cần phải chủ động để ứng phó một cách hiệu quả. Ông Trương Minh Huy Vũ đưa ra 7 nhóm giải pháp cụ thể: Đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng, cải thiện môi trường đầu tư...
Ông Nguyễn Trọng Hoài thì cho rằng, về ngắn hạn vẫn phải lắng nghe và giải quyết khó khăn cho DN, đồng thời phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng đầu tư công của thành phố. “Cơ sở hạ tầng rất tốt – tập trung đầu tư công thì chi phí logistics giảm, giảm chi phí từ đó mới tăng tính cạnh tranh đối với xuất khẩu hàng hóa” - ông Hoài nhấn mạnh và cho biết thêm, DN Việt Nam cần tăng tỷ lệ nội địa hóa. Hiện tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam bình quân 60%, nhưng điện tử, vi tính thì tỷ lệ nội địa hóa thấp. Tăng nội địa hóa gắn với FDI và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Nguyễn Văn Được - Chủ tịch UBND TPHCM, trong tuần qua, thế giới và Việt Nam hết sức bất ngờ trước việc Mỹ áp mức thuế cao đối với 60 nước, trong đó Việt Nam là một trong những nước chịu thuế cao nhất với 46%. Khi đó hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là Mỹ giảm sức cạnh tranh, giá tăng cao. TPHCM là đầu tàu kinh tế cả nước, việc áp thuế này sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh tế và những kế hoạch của thành phố trong năm 2025 do đó cần có những kịch bản cụ thể để vượt qua thách thức.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt gần 119,6 tỷ USD, tăng 23,1% so với năm trước. Trong đó, kim ngạch các ngành xuất khẩu chủ lực như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 23,2 tỷ USD, tăng 36,3% so với năm trước, chiếm 19,4% tỷ trọng xuất khẩu; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 22,05 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm trước, chiếm 18,4%. Xuất khẩu dệt may đạt 16,1 tỷ USD, chiếm 13,5% tỷ trọng xuất khẩu…