Chính thức ký kết Hiệp định TPP: Thách thức mới

Hà Lan 05/02/2016 09:35

Ngày 4/2 , tại New Zealand, Hiệp định Thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết chính thức, bắt đầu mở ra những cơ hội lớn cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, cơ hội lớn này cũng đồng thời đặt ra hàng loạt các thách thức mới cho Việt Nam.

Chính thức ký kết Hiệp định TPP: Thách thức mới

Nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đang mở ra
cho các doanh nghiệp. (Ảnh: T.L).

Dự báo xuất khẩu Việt Nam tăng 31,7%

Xuất khẩu thủy sản tăng tốc
từ Hiệp định TPP

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường Mỹ, Nhật Bản và các thành viên khác trong khối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tăng tốc sau khi hiệp định này chính thức được ký kết. Hiện Mỹ và Nhật Bản là 2 nước nhập khẩu tôm, cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong năm 2015, với tổng giá trị gần 1 tỷ USD. Dự báo, năm nay sẽ tăng khoảng 15% giá trị xuất khẩu vào hai thị trường này.

Đại diện của 12 quốc gia sáng 4/2 đã chính thức ký kết thỏa thuận Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại New Zealand. Sự kiện này đánh dấu kết thúc quá trình đàm phán hơn 5 năm và mở đầu cho giai đoạn phê chuẩn tại quốc hội từng nước.

TPP được đàm phán từ tháng 3 - 2010, gồm 12 quốc gia: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ, Việt Nam. TPP bao phủ khoảng 40% nền kinh tế toàn cầu, và sẽ tạo ra một khối kinh tế Thái Bình Dương mới, với các rào cản thương mại được hạ thấp đối với hầu hết các mặt hàng, từ thịt bò, các sản phẩm từ sữa, tới hàng may mặc, cũng như các tiêu chuẩn và quy tắc mới về đầu tư, môi trường và việc làm. Như vậy, đây là hiệp định thương mại tự do khu vực lớn nhất trong lịch sử chính thức được ký kết.

Việt Nam được đánh giá là nước hưởng lợi nhiều nhất trong khu vực, tiếp đó là đến Malaysia. Viện kinh tế toàn cầu Peterson (PIIE) cho rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi hàng dệt may, da giày được miễn thuế quan khi vào thị trường Mỹ, từ mức thuế 17-32% hiện tại.

Điều này sẽ giúp tăng kim ngạch xuất khẩu vào Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và làm tăng đáng kể dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. PIIE dự đoán, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 31,7%, tăng mạnh nhất so với các nước khác tham gia TPP…

Ngay sau lễ ký, Đại sứ Việt Nam tại New Zealand Nguyễn Việt Dũng nhận định: Việc chính thức ký kết của các Bộ trưởng cho thấy nỗ lực của các nước thành viên trong việc hướng đến mục tiêu mang lại sự thịnh vượng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững tại các quốc gia TPP. Các quốc gia thành viên TPP đang tạo ra 1 khu vực phát triển nhanh và năng động trên thế giới, chiếm 30% thương mại quốc tế và thị trường hơn 800 triệu người.

“Việc ký kết TPP lần này đánh dấu một dấu mốc quan trọng, mở đầu cho một giai đoạn mới sau TPP. Đó là các quốc gia thành viên cần phải tập trung để hoàn tất các thủ tục pháp lý ở trong nước để đưa hiệp định này có hiệu lực” – ông Dũng nhấn mạnh.

Chính thức ký kết Hiệp định TPP: Thách thức mới - 1

Xuất khẩu thủy sản là thế mạnh của Việt Nam.

Tìm giải pháp ứng phó với khó khăn

Dẫu vậy, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhìn nhận: Giữa lý thuyết và thực tế còn phụ thuộc rất nhiều vào việc Việt Nam sẽ tranh thủ khai thác các lợi thế trong TPP và ứng phó với các thách thức khó khăn như thế nào. Chỉ khi Việt Nam có được các giải pháp phù hợp thì lợi thế tiềm năng mới trở thành hiện thực và các khó khăn mới có thể giải quyết được.

Theo ông Vũ Huy Hoàng, những mặt hàng xuất khẩu mà Việt Nam có lợi ích cốt lõi như dệt may, da giày, nông sản, thủy sản sẽ có cơ hội tăng trưởng rất lớn khi TPP có hiệu lực. Tính toán thì cho nhiều kết quả khác nhau và còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thực thi Hiệp định nhưng bước đầu cho thấy Dệt may, da giày có thể tăng trưởng ít nhất 20%.

Với nông sản, thủy sản thì có thể tăng trưởng thấp hơn một chút vì xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường TPP, trong đó có Hoa Kỳ, Nhật Bản cũng đã khá lớn nên nếu muốn tăng trưởng với tốc độ cao hơn thì doanh nghiệp thủy sản phải đáp ứng được các yếu tố như mở rộng diện tích nuôi trồng, quan tâm tới chất lượng của sản phẩm, nhất là các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, về kiểm dịch.

Ở thế mạnh thủy sản, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) lạc quan nhận định, từ trước đến nay, khi Việt Nam chưa tham gia các Hiệp định thương mại tự do, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đã đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của các nước nhập khẩu. Chẳng hạn, xuất tôm vào thị trường Mỹ, các doanh nghiệp xuất khẩu phải làm theo tiêu chuẩn BAP (tiêu chuẩn thực hành thủy sản tốt nhất), ASC (tiêu chuẩn của Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản) , MSC CoC (tiêu chuẩn của Hội đồng quản lý biển) …

Nhưng với một số lĩnh vực thì doanh nghiệp trong nước đang phải đương đầu với nhiều thách thức. Ví dụ như trong lĩnh vực ôtô, cơ khí, bán buôn, bán lẻ, một số lĩnh vực dịch vụ. Còn một số lĩnh vực, trong đó có chăn nuôi có thể gặp khó khăn lớn do năng suất lao động của Việt Nam còn thấp, phương thức sản xuất còn nhỏ lẻ phân tán, chi phí sản xuất còn khá cao và khả năng tham gia vào chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu còn hạn chế. Vì vậy, đây là một trong những lĩnh vực rất khó khăn với Việt Nam.

Vì thế, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong đàm phán TPP, Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan đã thỏa thuận với các nước trong TPP một lộ trình phù hợp để khi kết thúc lộ trình đó, Việt Nam mới phải thực hiện hoàn toàn các cam kết.

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng: Ở khía cạnh vĩ mô, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ ngành liên quan cần nghiên cứu để đưa ra được các bộ tiêu chuẩn, các tiêu chí để vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm được phép lưu thông tại Việt Nam và ngăn chặn các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào Việt Nam, qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam vươn lên.

“Cuối cùng, một biện pháp rất quan trọng chính là làm tốt công tác tuyên truyền để cộng động doanh nghiệp nắm bắt thật kỹ càng các nội dung của TPP, qua đó nhận biết được các cơ hội lợi thế cần khai thác triệt để cũng như các thách thức để có biện pháp ứng phó phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam” – ông Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chính thức ký kết Hiệp định TPP: Thách thức mới