Dù đã kiểm soát được cơ bản dịch Covid-19 sau khoảng 5 tháng bùng phát, nhưng dịch bệnh này lại đang có xu hướng gia tăng các ca mắc mới trong hai tuần gần đây. Điều đáng lo ngại khi nguyên nhân đến từ một phần chủ trương nới lỏng giãn cách đối với một số lĩnh vực hoạt động tụ tập đông người trên địa bàn đô thị.
Một đến hai tuần gần đây TP HCM có xu hướng gia tăng chạm ngưỡng bốn con số. Trong đó, trung bình mỗi ngày TP HCM đang ghi nhận từ 1.000 đến 1.400 ca mới. Điều đáng chú ý, nhiều trường dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện trong số các trường hợp từ địa phương khác trở lại TP HCM học tập và làm việc.
Con số đáng lo ngại khi có 86% người đã tiêm 1-2 mũi vaccine nhập viện điều trị Covid-19 (tầng 2) trong vài tuần trở lại đây. Nguyên nhân số lượng bệnh nhân nhập viên điều trị tăng nhẹ ở tầng 2 có nhiều trường hợp được phát hiện có bệnh nền.
Đồng thời, thành phố có chủ trương thu hẹp dần khu cách ly tại cộng đồng để trả lại công năng cho các cơ sở y tế hoạt động khám chữa bệnh bình thường, các bệnh nhân được chuyển dồn lên tầng 2 để điều trị. Kế đó, nhiều người dân từ các địa phương khi trở lại TP HCM chưa tiêm đủ hai liều vaccine, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao hơn.
Đại diện ngành Y tế TP HCM cũng lo ngại khi việc nới lỏng các hoạt động vui chơi ngoài trời tại công viên, nơi công cộng, nhất là hoạt động của các chợ tự phát thường không có sẵn dung dịch sát khuẩn và cảnh báo 5K thường xuyên.
Một số địa phương như TP Thủ Đức, Quận 7 được thí điểm bán hàng ăn uống tại chỗ cũng đã kích thích nhu cầu giao lưu, gặp gỡ của người dân, kèm theo các nguy cơ về lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Trên thực tế, kết quả khảo sát các trường hợp F0 ở các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP HCM trong hai tuần gần đây cũng cho ra kết quả đa phần ca nhiễm Covid-19 chưa được tiêm đủ hai mũi vaccine.
Không chỉ riêng tại TP HCM, trong số 6.580 ca mắc Covid-19 ngày 4/11, đã có đến gần 50% số trường hợp tại 3 địa phương là TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương. Từ 5/11, UBND tỉnh Bình Phước đã phải ban hành công văn khẩn bổ sung các biện pháp phòng chống dịch khi số ca mắc mới tăng nhanh. Trong đó, 3 địa phương ở Bình Phước không phục vụ ăn uống tại chỗ từ hôm nay (6/11).
Đồng thời, người đến và về Bình Phước từ TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An bắt buộc phải xuất trình giấy chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2 còn hiệu lực trong 3 ngày liên tiếp. Chính quyền địa phương giáp ranh với TP HCM cũng yêu cầu bắt buộc khi di chuyển vào tỉnh, mọi người dân phải khai báo và tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú nghiêm túc, thực hiện 5K để kìm chế đà lây lan gia tăng của dịch bệnh.
Theo đánh giá của đại diện Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, việc bùng phát gia tăng các ca nhiễm Covid-19 mới xuất phát từ nguyên nhân người dân bắt đầu chủ quan với dịch bệnh và lơ là trong thực hiện 5K theo khuyến cáo của ngành y tế thành phố và Bộ Y tế. Nhiều quận, huyện báo cáo tình trạng người dân tập trung đông người ở các công viên và nơi công cộng, trong khi một số nơi vẫn cho mở quán bán hàng ăn uống tại chỗ (ngoại trừ TP Thủ Đức và quận 7 đang cho thí điểm).
Theo ông Phạm Đức Hải, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, các nguy cơ lây nhiễm cũng xuất phát từ việc một số địa phương chưa nghiêm khắc đối với phòng chống dịch tại các chợ truyền thống và chợ tự phát, vốn là những nơi tập trung rất đông người.
Trong tuần tới, Sở Công Thương TP HCM thực hiện chỉ đạo của UBND TP trong việc lập các đoàn kiểm tra, xử lý quyết liệt theo hướng không cho hoạt động chợ tự phát và yêu cầu các chợ truyền thống đã trở lại hoạt động thực hiện các yêu cầu bắt buộc về phòng chống dịch bệnh.
Một số tỉnh thành lân cận với TP HCM như Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai cũng đang cân nhắc việc siết lại hoạt động tụ tập đông người nơi công cộng, nhất là tại các cơ sở hàng quán ăn uống phục vụ tại chỗ.