Ổi là loại quả thường thấy, ở đâu cũng có. Vì thế, đôi khi người ta lại coi thường chúng. Nhưng thực ra, giá trị kinh tế do ổi mang lại là khá lớn, nhất là khi chúng được trồng theo kỹ thuật mới. Tới nay, ở nhiều địa phương người dân đã trồng ổi với diện tích lớn, tạo ra “thị trường mới” cho loại trái cây quen thuộc này.
Ổi trồng trong chậu.
Tại huyện Tân Hiệp (tỉnh Kiên Giang), nhờ triển khai mô hình trồng ổi trên diện tích đất lúa kém hiệu quả nên nhiều hộ dân đã dần ổn định kinh tế gia đình với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Theo cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hiệp, huyện vốn có thế mạnh lớn về sản xuất nông nghiệp với chủ lực là cây lúa. Tuy nhiên, thời gian qua, trong bối cảnh lúa bấp bênh, ngành nông nghiệp địa phương đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái. Trong số đó, cây ổi chiếm phần lớn diện tích với 53 ha trên tổng diện tích 173 ha cây ăn trái toàn huyện.
Tới nay, có 50 hộ dân trong huyện đã trồng ổi. Cây ổi dễ sống, tiết kiệm được nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh, lợi nhuận lại cao. Một hộ ở tổ 3, ấp Kênh 10B, thị trấn Tân Hiệp cho biết, gia đình có 4.000 m2 trồng lúa nhưng nhiều năm lúa thất thu, giá cả bấp bênh, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Từ khi chuyển đổi canh tác, gia đình học hỏi mô hình trồng ổi. Giữa những luống ổi lại làm đìa để trồng bông súng, trồng sả, rau má nên thu nhập lại tăng thêm.
Cây ổi 2 - 3 tháng mới phải bón phân một lần, chỉ cần cắt cành già để ổi ra trái đều đặn và bao trái lại bằng bọc xốp để tránh sâu bệnh. Trong vòng 8 tháng kể từ khi trồng là đã có thể thu hoạch với giá bán trên dưới 15.000 đồng/1kg.
Không chỉ trồng ổi ở diện tích đất khó trồng lúa, nhiều nơi bà con còn trồng ổi trong chậu. Ổi cho nhiều trái, ít tốn công chăm sóc. Theo kinh nghiệm thì muốn trồng ổi trong chậu hiệu quả, trước hết phải chuẩn bị dụng cụ trồng, đất trồng và giống. Dụng cụ trồng thì chỉ cần tận dụng bao xi măng, chậu, khay, thùng xốp có sẵn trong nhà hoặc mảnh đất trống trong vườn để trồng. Tất nhiên dưới đáy khay phải đục lỗ để thoát nước. Ổi không quá kén đất, tuy nhiên cây sẽ phát triển tốt nhất khi trồng ở đất tơi xốp và dễ thoát nước. Với ổi giống, nên chọn giống ổi Nữ hoàng hoặc ổi Lê để trồng trong chậu do các giống này có sức sinh trưởng khá mạnh và dễ chăm sóc bón phân. Khi trồng, cho đất trồng cây vào 2/3 chậu, sau đó tháo bỏ lớp nilon bao rễ, trồng cây ổi giống vào, dùng tay chèn nén chặt quanh cổ cây không cho cây lung lay khi tưới. Tưới nước bằng vòi phun nhẹ, mỗi ngày tưới 2 lần vào sáng sớm và chiều tối. Khoảng 15 - 20 ngày là cây ổi vừa trồng trong chậu sẽ ra rễ và đâm lá mới. Khi thấy lá non đã già thì bắt đầu bón lót bằng phân hữu cơ, phân bò, phân dê, phân gà… Cứ khoảng 20 ngày bón phân 1 đợt.
Cây ổi trồng chậu được một năm thì bắt đầu tỉa cành tạo tán cho cây khỏe. Để cây ổi ra nhiều quả thì phải tỉa cành tạo tán cho cây khỏe có nhiều nhánh nhất, lúc đó cây ổi đủ sức mang nhiều trái. Khi thấy cây bắt đầu ra trái nhỏ thành từng cặp thì tỉa bỏ bớt trái để dưỡng cho trái ổi còn lại mau lớn, mỗi cành chỉ để 1 - 2 trái phía trong gần thân chính, ngắt bỏ trái phía ngoài ngọn. Đồng thời cắt bỏ những cành khô, cành yếu nằm phía trong để làm thông thoáng tán cây và đảm bảo các cành lá đều có đầy đủ nắng quang hợp.
Sau mỗi đợt thu hoach trái thì tiến hành bón phân gốc và tỉa cành thu gọn tán cây ổi, không cắt vào phân cành cấp 2, chỉ bấm phân cành cấp 3.
Trồng ổi trong chậu chỉ cần từ 4 đến 6 tháng là ổi thu hoạch lứa đầu tiên.