Trên một đường phố rộng đầy yên bình ở thủ đô Brussels, Bỉ. 3 người đàn ông mở cửa bước xe nhanh vào một cửa hàng thú bông chừng 5 phút bước ra. Trên tay họ là con thú bông to lớn, ngoảnh mặt nhìn người đi đường. Nhưng không ai ngờ, trong bụng các con thú là những thứ chết người....
Mua vũ khí dễ như... mua rau!
“Vũ khí ư? Bạn cần loại gì? AK, M16 cùng các biến thể của nó, tiểu liên UZI, súng trung liên RPD, M60, súng ngắn Colt, Smith Wesson, TT, Beretta, K54, K59, súng phóng lựu RPG (B40, B41), tên lửa vác vai Stinger ... Cái nào chúng tôi cũng có”. Dòng quảng cáo ấy có ở khắp nơi của Brussels. Nhiều lái súng ở Brussels cũng dễ dàng chào mới bất cứ ai có nhu cầu: Trong cửa hiệu, lén lút ở các hẻm phố; công khai ngoài đường, thậm chí giao tận nơi.
“Thật kỳ lạ, không đâu mua súng dễ như mua rau như thế này”- một chuyên gia về vũ khí châu Âu thốt lên khi tận mắt chứng kiến các giao dịch.
“Điều đó là không ai ngờ tới rằng thủ đô Brussels, với tư cách là trụ sở của Liên minh châu Âu và NATO, lại trở thành một trung tâm giao dịch và buôn lậu vũ khí” – Tờ RT dẫn lời chuyên gia này cho biết. Đồng thời, một con số làm người ta giật mình: Tại Bỉ, mỗi năm cảnh sát thu giữ được khoảng 6.000 khẩu súng buôn lậu, nhiều hơn cả ở Pháp hay bất cứ nơi nào. “Hơn 10 năm nay, Brussels trở thành trung tâm chợ đen ở châu Âu” - truyền thông châu Âu khẳng định.
Không chỉ tại Bỉ, tình trạng buôn bán vũ khí lậu tại Tây Ban Nha cũng đang làm đau đầu nhà chức trách nước này. Gần đây nhất, cảnh sát Tây Ban Nha vừa phá vỡ đường dây buôn lậu vũ khí có liên quan đến khủng bố và tịch thu đến 12.000 đơn vị vũ khí, bao gồm các loại súng ngắn, súng trường và cả súng máy hạng nặng có thể bắn hạ máy bay chở khách....
“Cảnh sát đã bắt giữ 4 người đàn ông và 1 phụ nữ sau một cuộc điều tra kéo dài nhiều năm. Các đối tượng nói trên bị cáo buộc phục chế bất hợp pháp một số lượng lớn vũ khí đã bị vô hiệu hóa rồi bán cho các tổ chức khủng bố và tội phạm có tổ chức ở châu Âu” - nhà chức trách cho biết.
Số vũ khí bị tịch thu trị giá khoảng 10 triệu euro trên thị trường chợ đen. Năm nghi phạm đã bị bắt giữ tại các khu vực Cantabria, Girona và Vizcaya. Họ được cho là đang điều hành một xưởng sửa chữa “tinh vi và được trang bị đầy đủ”.
Tại đó, giới hữu trách tìm thấy hàng ngàn bộ phận rời được sử dụng trong quá trình sửa chữa súng, cùng với tem và giấy chứng nhận dùng để làm giấy tờ giả cho “sản phẩm” phục chế. Tại hiện trường, cảnh sát còn phát hiện khoảng 80.000 euro tiền mặt. Trong một thông báo đưa ra cuối tuần trước, Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cho biết 3 trong 5 nghi phạm không được hưởng chế độ bảo lãnh sau khi bị bắt giữ, trong khi 2 người còn lại bị hạn chế đi lại cho đến khi bắt đầu các thủ tục truy tố.
Khó triệt phá
Các nhà báo Tây Ban Nha theo sát vụ việc cho biết các nghi phạm buôn lậu vũ khí đã đăng ký công ty của họ là doanh nghiệp bán thiết bị thể thao ở Getxo, một thị trấn nhỏ gần thành phố Bilbao nhưng không xin giấy phép kinh doanh súng để tránh gây chú ý. Nhóm này sau đó đấu thầu mua vũ khí đã bị vô hiệu hóa do quân đội và cảnh sát thanh lý. Chủ công ty cũng được cho là đã đặt hàng bộ phận rời của vũ khí từ nhiều website trên mạng, vốn không bị xem là hành động vi phạm pháp luật.
Theo cuộc khảo sát của New York Times và tổ chức nghiên cứu vũ khí về các vụ buôn bán vũ khí hạng nặng, phần lớn các loại vũ khí được rao bán trên mạng xã hội.
Khi tìm được quảng cáo vũ khí phù hợp với mục đích sử dụng, người mua sẽ nhắn tin hay liên lạc bằng số điện thoại cá nhân tới nhà cung cấp để trao đổi giá cả và phương thức giao hàng. Một nhóm buôn bán vũ khí trên facebook có thể thu hút đến hàng chục ngàn thành viên.
Liên minh châu Âu (EU) cho rằng, lượng vũ khí trái phép tuồn vào EU hầu hết xuất phát từ các quốc gia vùng Tây Balkan (Đông Nam châu Âu). “Các nhóm khủng bố và tội phạm chỉ cần kết nối Internet và tìm kiếm các “chợ đen” hoạt động dưới nhiều hình thức trên mạng. Sau khi giao dịch, vũ khí thường được tháo rời từng bộ phận và vận chuyển thành nhiều đợt nên rất khó triệt phá” - một chuyên gia cho biết.