Kinh tế

Chờ diễn biến mới của giá gạo

Thanh Xuân 11/03/2024 10:05

Sau khi giữ đà tăng liên tục, giá lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua phần lớn có sự đi ngang. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục giảm.

anhtren(1).jpg
Các thị trường Indonesia, Philippines được dự báo đều tăng lượng nhập khẩu nên khả năng giá gạo giảm sâu là khó xảy ra. Ảnh: Quang Vinh.

Nông dân được mùa nhưng kém vui

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh An Giang cho biết, hầu hết các loại lúa tuần qua duy trì mức giá đi ngang, một số loại thì tăng nhẹ từ 100 – 200 đồng/kg. Điển hình như: Đài thơm 8 từ 7.800 – 8.000 đồng/kg; OM 18 từ 7.500 – 7.800 đồng/kg; Nàng Hoa 9 có giá từ 7.500 – 7.700 đồng/kg; IR 50404 từ 7.400 – 7.500 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg, OM 5451 từ 7.400 – 7.500 đồng/kg; tăng 100 đồng/kg; riêng lúa Nhật ổn định từ 7.800 - 8.000 đồng/kg.

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 14.000 – 15.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 19.000 - 20.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 17.000 – 18.500 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.000 đồng/kg; gạo Nàng Hoa 19.500 đồng/kg…

Theo các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, hiện nay giá lúa gạo trong nước và xuất khẩu có thể đã hình thành mặt bằng giá mới. Vụ Đông Xuân là vụ lúa có nguồn cung lớn và chất lượng tốt nhất. Do đó, các DN xuất khẩu đang tăng cường thu mua gạo dự trữ cho các hợp đồng.

Hiện nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân. Tuy nhiên, nông dân nhiều địa phương cũng kém vui do mức giá hiện nay đã giảm khá sâu so với mức đỉnh vào trước Tết Nguyên đán.

Nông dân ở Vĩnh Long cho biết, cách đây hơn một tháng, khi các trà lúa Đông Xuân 2023 - 2024 vừa mới bước vào giai đoạn trổ, nhiều thương lái đã đến xem và đặt cọc tiền mua lúa tươi với giá lên đến 9.500 - 10.000 đồng/kg. Với mức giá này, người trồng lúa có lợi nhuận khá lớn và nuôi hy vọng sẽ có một vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đán, giá lúa giảm từng ngày xuống còn khoảng 8.000 đồng/kg và đà giảm giá chỉ tạm chững lại trong tuần qua.

Còn tại tỉnh Bạc Liêu, theo chia sẻ của bà Huỳnh Thị Thu Hường (xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu), vụ lúa này nông dân được mùa những vẫn kém vui vì lợi nhuận giảm so với kỳ vọng. Bà Hường cho hay, tháng trước, thương lái vào trả giá và đã cọc ở mức 9.500 đồng/kg nhưng mấy ngày nay, giá lúa giảm nên thương lái đòi giảm chỉ còn 7.800 đồng/kg. “Mức giá này đã làm người nông dân giảm lợi nhuận rất nhiều, do đó bà con ở huyện Hồng Dân cũng như nhiều huyện khác ở tỉnh Bạc Liêu không thấy vui ở vụ mùa lúa này” – bà Hường nói.

Giá gạo sẽ diễn biến thế nào?

Theo Bộ NNPTNT, hiện đang cao điểm của nắng nóng và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng toàn bộ diện tích lúa trong vùng được khuyến cáo có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn đã được thu hoạch xong, không bị thiệt hại.

Tuy nhiên, còn khoảng 29.260ha lúa có nguy cơ ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, bởi nông dân sản xuất ngoài kế hoạch, thuộc vùng khuyến cáo không xuống giống sau ngày 15/1/2024 và ở một số địa phương như: Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau. Về xuất khẩu, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào ở mức 580 USD/tấn, giảm so với mức 600 USD/tấn của tuần trước đó, nhưng tăng so với mức 575 USD/tấn hồi đầu tuần.

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tuần qua, trong bối cảnh các nhà giao dịch đang chờ thêm thông tin về cách tính thuế xuất khẩu. Giá gạo đồ 5% tấm của nước xuất khẩu hàng đầu là Ấn Độ đã đứng ở mức cao kỷ lục từ 552 - 560 USD/tấn trong tuần qua, so với mức từ 546 - 554 USD/tấn của tuần trước đó.

Tương tự, giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng tăng từ 615 USD/tấn ở tuần trước đó lên đạt từ 620 - 622 USD/tấn. Một nhà giao dịch tại Bangkok cho rằng, giá tăng là do nhu cầu ổn định và cho biết nguồn cung mới sẽ được đưa ra thị trường trong tuần tới.

Theo thông tin từ thị trường xuất nhập khẩu gạo thế giới, DN trong nước có cơ hội để xuất khẩu gạo đến các thị trường Indonesia, Philippines vì các nước này đều tăng lượng nhập khẩu. Cho nên, khả năng giá gạo giảm sâu là khó xảy ra, DN cũng không ngồi chờ lâu hơn để "câu" giá thấp.

Điều mà các DN phải làm là cạnh tranh được với DN các nước có thế mạnh xuất khẩu gạo. Trong tháng 1/2024, Indonesia nhập khẩu 441.930 tấn, trong đó lượng gạo nhập từ Thái Lan là 237.640 tấn, từ Pakistan là 129.780 tấn, Myanmar 41.610 tấn, Việt Nam là 32.340 tấn; Campuchia 2.500 tấn. So sánh cho thấy, Việt Nam cách quá xa so với Thái Lan và Pakistan.

Giới chuyên gia trong ngành nhận định, thực tế giá lúa gạo giảm liên tục thời điểm gần đây rõ ràng có những tác động bất lợi lên thị trường. Tuy nhiên, chuyện tăng giảm giá lúa gạo là bình thường, chúng ta phải bình tĩnh đón nhận thông tin thị trường. Nếu chúng ta làm chủ và bám sát thông tin thì sẽ làm chủ được thị trường, nắm bắt các cơ hội xuất khẩu. Nói như Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, các DN xuất khẩu gạo Việt Nam cần theo dõi sát thông tin thị trường, tận dụng tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo trong những tháng đầu năm sang thị trường quốc tế, trong đó có thị trường Indonesia. Tất nhiên, để có được thông tin chính xác thì cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan của ngành Công thương.

Nhận định giá gạo xuất khẩu sẽ như thế nào trong thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, giá gạo xuất khẩu sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt bởi các hạn chế xuất khẩu đang diễn ra của Ấn Độ. Tác động của El Nino đối với các khu vực trồng lúa chính đã làm tăng thêm mối lo ngại về nguồn cung...

Về ngắn hạn, chuyên gia ngành nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, giá gạo xuất khẩu sẽ tăng nhẹ trở lại trong thời gian tới. Và nếu dự báo này là đúng thì những DN thu mua lúa thời điểm này sẽ có lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chờ diễn biến mới của giá gạo