Nhiều cây cầu đang được xây dựng nhưng phải tạm ngưng vì các nguyên nhân khác nhau, trong đó có công trình ngừng thi công hàng chục năm khiến nhiều người bức xúc. Tuy nhiên, mấy ngày qua hàng loạt các cây cầu này đều đồng loạt được “hồi sinh”.
Được khởi công từ năm 2026 và kỳ vọng hoàn thành sau 2 năm, dự án xây dựng cầu Nam Lý (TP Thủ Đức, TPHCM) có nhiều ý nghĩa với người dân trong vùng do cầu nằm trên trục đường chính Đỗ Xuân Hợp. Tuy nhiên, dự án có nguồn vốn ban đầu gần 860 tỷ đồng này mắc kẹt sau khi hoàn thành khoảng 40% khối lượng công việc.
Nguyên nhân chủ yếu của việc dự án phải tạm ngưng nhiều năm qua là người dân chưa đồng ý mức tiền đền bù giải phóng mặt bằng của dự án. Dù nhiều lần được gỡ vướng nhưng phải tới năm nay, dự án xây dựng cầu Nam Lý mới được tái khởi động. Tuy nhiên, với cơ chế đặc thù được áp dụng nên nhiều người dân chấp nhận phương án đền bù mới, nhường mặt bằng cho dự án thi công.
Thời gian qua, khi dự án cầu Nam Lý bị ngưng thi công, người dân ở khu vực TP Thủ Đức rất vất vả khi di chuyển qua khu vực công trường vì đường bị co hẹp, thường xuyên ùn tắc kẹt xe. Ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho biết việc tái khởi động lại dự án cầu Nam Lý có ý nghĩa rất lớn với hạ tầng khu vực TP Thủ Đức. Do cầu có kết nối trực tiếp vào một đường dẫn lên trục cao tốc TPHCM-Long Thành-Dầu Giây nên dự án sẽ giúp giảm áp lực cho cao tốc, cùng với giao thông người dân trong vùng. Theo kế hoạch, khoảng 14-15 tháng nữa từ thời điểm 6/2023, dự án quan trọng này sẽ hoàn thành.
Trao đổi với phóng viên, ông Phúc cho biết thời gian qua lãnh đạo thành phố đã nỗ lực để khởi động lại nhiều dự án cầu khác. Sau dự án xây dựng cầu Nam Lý ở TP Thủ Đức thì dự án xây dựng cầu Phước Long và Rạch Đỉa (nằm ở Nhà Bè và quận 7) sẽ được thi công trở lại trong tháng 7/2023 tới.
Tiếp đó, theo kế hoạch tới tháng 9/2023, hai cây cầu quan trọng khác là cầu Tăng Long và cầu Ông Nhiêu (TP Thủ Đức) cũng sẽ được thi công trở lại sau thời gian dài “đắp chiếu”. Các dự án cầu nói trên đều đã thi công nhưng phải tạm ngưng vì vướng công tác giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, đây cũng là những dự án hạ tầng có vai trò rất quan trọng ở trong vùng. Như cầu Phước Long và Rạch Đỉa có tổng nguồn vốn khoảng hơn 900 tỷ đồng nối quận 7 và huyện Nhà Bè đều nằm trong khu đô thị đông đúc nhưng chưa thể hoàn thành khiến người dân gặp nhiều khó khăn trong di chuyển.
Theo ông Phúc, đặc thù của các dự án xây dựng cầu trên là việc thi công không khó khăn, chỉ cần hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng thì các công việc còn lại là hoàn toàn khả thi. Dự kiến vào dịp lễ 2/9, TPHCM sẽ khánh thành 2 công trình xây dựng cầu rất quan trọng là cầu Vàm Sát 2 (huyện Cần Giờ) và cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè). Đây cũng là hai dự án từng phải tạm ngưng sau khi khởi công vì vướng mặt bằng nhưng đã được giải quyết thời gian qua, và sẽ hoàn thành trong ít tháng tới. Trong đó, dự án cầu Long Kiểng (huyện Nhà Bè) là cây cầu có “số phận” lận đận nhất trên địa bàn thành phố. Dự án được tiến hành từ 23 năm trước nhưng đã nhiều lần tạm ngưng. Vì thế, việc hoàn thành dự án này chắc chắn sẽ mang đến nhiều niềm vui, kỳ vọng của người dân trong vùng.