“Vua Lear” là một kịch bản kinh điển của nhà viết kịch vĩ đại U. Shakespear đã từng được NSND Nguyễn Đình Nghi dàn dựng thành công cho Nhà hát kịch Việt Nam những năm 80 của thế kỷ trước. Nay lại được Sân khấu Lệ Ngọc dàn dựng lại trong sự mong mỏi, kỳ vọng của người yêu sân khấu.
Vở diễn được dàn dựng bởi đạo diễn người Nhật Tsuyoshi Sigiyama - người từng dàn dựng các vở “Hedda Gabler” và “Cậu Vanya” cho Nhà hát Tuổi trẻ rất được người xem và giới sân khấu yêu thích.
“Vua Lear” là một trong những kịch bản giàu kịch tính, đúng chất bi kịch và có nhiều tầng ngữ nghĩa nhất của nhà viết kịch lừng danh người Anh. Bi kịch giữa những người thân trong gia đình luôn là bi kịch đau lòng nhất với bao mâu thuẫn chồng chéo, đi ngược lại đạo đức khi dính tới lợi ích cá nhân, tới đất đai, tài sản thừa kế… và qua đó, mô tả một xã hội chuyên chế với câu chuyện về quyền lực, ảo tưởng, sự thật và những dối lừa…
Theo nghệ sĩ Văn Hải - Giám đốc Sản xuất và Chỉ đạo nghệ thuật của Sân khấu Lệ Ngọc: Với một tác phẩm kinh điển của thế giới, đồ sộ nên lãnh đạo của đơn vị rất áp lực bởi những ý nghĩa đa tầng, bởi câu chuyện của hàng mấy trăm năm trước, làm sao để có thể thu hút khán giả trong bối cảnh sân khấu đang rất khó khăn khi tìm kiếm người xem. Lựa chọn vị đạo diễn tài năng người Nhật, hy vọng sẽ có cách dàn dựng hợp lý, được đông đảo khán giả chấp nhận.
Đạo diễn Tsuyoshi Sugiyama chia sẻ: “Vua Lear” là câu chuyện của 400 năm trước nhưng vẫn còn nguyên giá trị thời sự đối với hiện tại. Ê-kíp sáng tạo mong muốn có thể thổi hơi thở của cuộc sống đương đại vào câu chuyện này để phù hợp, gần gũi với công chúng hôm nay. Ông nhận định, kịch bản là câu chuyện mà con người phải đối diện với những giá trị quan bị đảo lộn. Đó cũng là lúc con người bộc lộ rõ nhất bản chất.
Qua vở diễn, ông mong muốn truyền đạt thông điệp: Không chỉ những người bị lừa dối, bị chà đạp mới đau khổ mà ngay cả những người đi lừa lọc, gieo tội ác cũng phải trải qua hành trình đau khổ, tổn thương và đó cũng chính là điều mà Shakespeare muốn khơi lên sự thức tỉnh trong mỗi người. Thông điệp này cũng trùng hợp với xu hướng nhân văn mà Sân khấu Lệ Ngọc vươn tới: Thức tỉnh mỗi con người trong xã hội khi phải lựa chọn giữa cái thiện và điều ác, giữa lương tri và sự bội bạc.
Nhiều người làm sân khấu Việt Nam bày tỏ sự mong đợi một tác phẩm sân khấu xứng tầm với kịch bản vĩ đại này vì sự hấp dẫn không cần bàn cãi của kịch bản cũng như của một đạo diễn nổi tiếng kỹ tính, nhiều ý tưởng sáng tạo và dàn diễn viên được chiêu mộ từ nhiều nguồn để phù hợp nhất với hình tượng nhân vật.
Thử thách và khó khăn vẫn còn nhiều, nhưng nội lực, sự dũng cảm, dám dấn thân của hai vợ chồng nghệ sĩ Lệ Ngọc, Văn Hải và những thành viên cộng tác, hi vọng sẽ được nhiều khán giả đón nhận. Đây là vở diễn thứ tư được sân khấu Lệ Ngọc dàn dựng trong năm 2022 sau các vở diễn “Vang bóng một thời”, “Lá đơn thứ 72”, “Huyền tích Chùa Một Cột” từng lập kỷ lục đáng mơ ước hơn 200 đêm diễn ở thời điểm hiện tại.