Tôi yêu hoa từ nhỏ. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, tôi đã cặm cụi trồng rất nhiều loại hoa truyền thống của miền Bắc trong khu vườn nhà mình như violet, thược dược, cúc susi, cúc bướm, cúc magic, hoa quỳnh, thậm chí có cả hoa mào gà, hướng dương… Lớn lên, tôi quyết định theo học nghề làm hoa lụa, hoa giấy thủ công, thiết kế hoa tươi và trở thành cô giáo dạy môn hoa nghệ thuật để có thể cả đời được làm công việc gắn bó với những đóa hoa xinh đẹp ấy.
Chợ hoa Quảng An nhộn nhịp trong đêm. Ảnh: TL.
Những người yêu hoa, làm công việc liên quan đến hoa ở Hà Nội và những vùng lân cận như tôi, có lẽ không ai là không biết đến một địa danh mà chỉ cần nhắc tên thôi cũng đã cảm thấy rất đẹp và ngát hương thơm rồi: Chợ hoa Quảng An.
Không mấy ai còn nhớ rõ, chợ hoa Quảng An - Quảng Bá xuất hiện từ khi nào. Chỉ biết rằng thuở ban sơ, đây chỉ là một khu chợ nhỏ nằm bên hông con đê Nghi Tàm, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Chợ được lập ra để bà con nông dân khu vực quanh đấy mua bán, trao đổi hoa và cây cảnh mình trồng được, vì Nhật Tân, Quảng An, Quảng Bá… vốn là những làng hoa, đào, quất… lâu đời nổi tiếng đất kinh kỳ.
Sau này, để đáp ứng nhu cầu về hoa tươi ngày càng nhiều của những người yêu hoa, chợ hoa được mở rộng, xây dựng quy mô lớn hơn, nhập thêm nhiều loại hoa mới lạ hơn từ Sóc Sơn, Mê Linh, Vĩnh Phúc, Đà Lạt, Trung Quốc, Thái Lan, Hà Lan, Nam Phi… về. Nơi đây trở thành chợ hoa tươi đầu mối lớn nhất của miền Bắc. Mùa nào hoa nấy, có hoa nở quanh năm, chợ hoa Quảng An cứ rực rỡ tỏa hương suốt bốn mùa Hà Nội.
Có thể nói không ngoa rằng đây là một khu chợ đặc biệt, hấp dẫn và thơm tho nhất Thủ đô, thu hút được nhiều đối tượng khách đến tham quan, mua bán nhất: người bán buôn, khách mua buôn, người bán lẻ, khách mua lẻ, du khách đến ngắm hoa, vãng cảnh, khách nước ngoài đến trải nghiệm, tìm hiểu về chợ hoa đêm, học sinh, sinh viên, phóng viên, nhiếp ảnh gia… phiên chợ nào cũng tấp nập.
Chợ được họp vào thời điểm cũng đặc biệt không kém. Khi Hà Nội chìm vào giấc ngủ say thì chợ hoa mới bắt đầu “tỉnh thức”. Thông thường, chợ họp từ 11 giờ đêm đến khoảng 6 giờ sáng là vãn khách. Những ngày lễ Tết, chợ được họp sớm hơn: từ 9 giờ đến 10 giờ đã đông vui. Ca sớm chủ yếu dành cho hoạt động bán buôn nên giá hoa có rẻ hơn. Từ sau 4 giờ thì khách đã phải mua lại hoa từ “đại lý cấp hai” nên giá cao hơn rồi.
Những bó hoa còn ướt đẫm sương đêm được ùn ùn chở về bày bán la liệt trong các quầy hàng, sạp hàng, bày luôn trên giá buộc của xe đạp, xe máy và cả dưới đất nữa. Hoa được cắt mang bán ở giai đoạn sinh trưởng nào là tùy thuộc vào từng loại hoa. Ví dụ như hoa ly, loa kèn, cẩm chướng… sẽ được cắt từ khi còn đương nụ bộp. Người mua mang về sơ chế, cắt bỏ lá vàng úa, dập nát, cắt vát chân cành hoa rồi cắm dưỡng trong nước vài ngày hoa mới nở ra.
Cũng có nhiều loại phải đợi hoa bắt đầu nở mới cắt được như hoa lan, cúc, đồng tiền… Hoa hồng hàm tiếu hé miệng cười duyên. Hồng sa mạc to như cái bắp cải trông là lạ. Hoa phi yến cánh mềm, mỏng, nhìn có lúc tưởng heo héo thế mà về chăm sóc cánh lại tươi hớn hở. Hoa ngàn sao có thể để thành hoa khô chơi bền vài tháng…
Ngoài các loại hoa ra thì lá và các loại phụ kiện kèm theo cũng rất phong phú. Nếu như ví những bông hoa là các cô gái xinh đẹp thì hoa phụ và phụ kiện cắm hoa là những đồ trang sức làm nên phong cách thời trang độc đáo cho mỗi cô. Có những loài hoa cỏ đồng nội mọc hoang dã nơi ruộng đồng thôn quê, bình thường chẳng để làm gì, thậm chí còn bị các bác nông dân nhổ bỏ đi cho đỡ xâm lấn cây nông nghiệp. Ấy vậy mà khi được đưa đến chợ hoa Quảng An, chúng bỗng nhiên lại trở thành những hoa lá phụ độc - lạ, góp phần làm nên những tác phẩm hoa nghệ thuật theo phong cách cổ điển thuần Việt rất ấn tượng. Hoa cỏ dại nhập ngoại thì rất đắt. Chỉ một bó con con bằng cổ tay người con gái thôi cũng đã cả trăm nghìn rồi. Nhưng lại rất bền, chơi được rất lâu…
Những quầy hàng bán phụ kiện ngành hoa được bố trí thành một dãy riêng ở một góc chợ để thuận tiện cho những người có nhu cầu mua sắm. Đủ các loại từ bình hoa bằng gốm, sứ; giỏ cắm hoa làm bằng mây, tre, sắt; ruy-băng, nơ, giấy gói hoa, xốp cắm… chẳng thiếu thứ gì. Khách hàng chỉ cần đi một vòng quanh chợ là đã có thể mua đủ những thứ cần thiết để mang về mở cả một cửa hàng hoa.
Đi chợ hoa đêm và sáng sớm thật thích, nhưng để chọn được hoa tươi và đẹp cũng không phải dễ dàng. Hoa cũng giống như mọi hàng hóa khác, có lúc đắt hàng, có lúc ế ẩm. Hoa lá bán chậm sẽ không còn tươi như ngày đầu mới cắt. Và không phải người bán hàng nào cũng thật thà và có tâm. Họ sẽ trà trộn những bó hoa cũ vào đống hoa mới để tranh thủ trời nhập nhoạng, bán cho những người không có kinh nghiệm mua hoa.
Tôi cũng đã từng mua phải những bó hoa xấu xí, héo úa như thế trong những lần đầu tiên đến với chợ hoa Quảng An đầy bỡ ngỡ. Người ta bọc hoa cũ kín trong giấy bọc, tôi chỉ nhìn được mặt hoa. Về nhà gỡ giấy ra mới hay hoa tàn, lá rụng. Vừa bực mình, vừa tự trách mình sao không cẩn thận, lựa chọn kỹ hơn. Sau này mới rút ra kinh nghiệm là mỗi lần đi chợ hoa phải mang theo đèn pin để soi mặt hoa cho thật kỹ. Muốn kiểm tra xem hoa lá còn tươi mới không, chúng ta nhìn xem đài hoa có còn ôm lấy bông hoa không, kín đáo lấy tay bứt thử một chiếc lá xem lá còn bám chắc vào cành hoa không. Nếu mua hoa sao, babi… thì dốc bó hoa xuống đất, rũ rũ xem các bông hoa nhỏ li ti có bị rụng không… Nếu câu trả lời là “không” thì tức là hoa lá còn tươi và ngược lại.
Những ngày thường, chợ hoa chỉ họp gọn gàng trong khuôn viên chợ đã được quy hoạch. Riêng dịp Tết Nguyên đán thì chợ hoa tràn lên cả trên mặt đê Nghi Tàm, kéo dài sang hai bên đầu đường cả cây số. Ngoài những loại hoa vẫn bán hàng ngày thì dịp Tết, chợ hoa Quảng An có thêm rất nhiều loại hoa đặc biệt như đào Nhật Tân, đào rừng, cam Canh, quất cảnh, hoa mai, thủy tiên… Suốt từ rằm tháng Chạp đến tận chiều 30 Tết, chợ hoa Quảng An lúc nào cũng đông nghịt cả đêm lẫn ngày.
Người buôn hoa về bán thì vội vàng, hối hả tìm chọn mua hoa nhanh cho kịp về bán sớm. Chỉ có những du khách vãng cảnh, khám phá, trải nghiệm chợ hoa Quảng An là thư thái, thả bước thong dong. Còn gì thú vị hơn khi được trực tiếp ngắm cả thế giới hoa lá rực rỡ muôn hồng ngàn tía, được mua hoa giá gốc rẻ ơi là rẻ, đẹp ơi là đẹp, tươi ơi là tươi. Nếu các bạn ở Hà Nội hoặc gần Hà Nội, và nếu các bạn yêu hoa, nhất định trong đời nên ít nhất một lần ghé thăm chợ hoa Quảng An các bạn nhé!
Nghề làm hoa là một nghề làm đẹp cho đời nhưng cũng rất vất vả. Phải thực sự yêu hoa, yêu nghề thì mới có thể bám trụ với nghề, đêm hôm, sớm tối lăn lộn cùng hoa. Những hôm trời nắng ấm thì không sao chứ những ngày mưa gió, giá rét, phải đi chợ hoa từ lúc nửa đêm gà gáy thật khiến cho con người ta cảm thấy ái ngại. Nhưng niềm đam mê công việc sáng tạo hoa nghệ thuật đã lấn át đi tất cả.
Tôi cứ lặn lội vượt quãng đường dài đến gần 20km từ cuối thành phố lên với chợ hoa Quảng An ở đầu kia thành phố Hà Nội với một tâm trạng háo hức, hớn hở vì sắp được hòa mình vào trong muôn ngàn màu hoa, sắc lá, được tắm mình trong hàng vạn hương thơm vô hình mà hữu ý, quấn quýt vương trên môi mắt đắm say, trên những mái tóc cũng ướt sương đêm như những giọt sương lấp lánh trên những bó hoa tươi roi rói. Đôi bàn tay của những người nông dân trồng hoa, những người buôn hoa và cả những người làm nghề trang trí hoa tươi đầy những vết sần chai, nứt nẻ. Nhưng thật lạ kỳ, những nốt chai sần gồ ghề, những đường nứt nẻ đen đúa vì nhựa hoa lá ấy, dường như cũng đang tỏa ra một thứ hương thơm ngai ngái, hăng hắc đầy quyến rũ của lá và hoa…
Ra khỏi chợ hoa Quảng An thì trời cũng vừa kịp tang tảng sáng. Hoa tươi, lá đẹp lại theo các chuyến xe hối hả đi về các tỉnh, thành. Để khi mặt trời bừng tỉnh giấc, chiếu những tia nắng ban mai tinh khôi xuống trái đất thì cũng là lúc các đóa hoa đã được các bà, các cô, các chị, các mẹ và cả các anh, các chú… bày đẹp đẽ trên các cửa hàng hoa to, nhỏ, sẵn sàng về với những tâm hồn yêu thương hoa lá. Và tôi, một cô gái dành cả cuộc đời mình để yêu văn chương, hoa lá, lại ngẩn ngơ thả hồn theo những gánh hàng hoa, xe hoa dạo, lãng du trôi về những con phố cổ, những ngõ nhỏ, phố nhỏ trầm mặc, rêu phong của Hà Nội tôi yêu…
Hà Nội 22/1/2019