Mùa tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp năm 2022 đã đến rất gần khi kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập sắp diễn ra. Nếu chính sách ưu đãi lớn nhất cho học viên trường nghề là cấp bù học phí không thể triển khai thì làm sao thu hút học sinh?
Đại diện trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Điện Biên cho biết, thời gian qua, trường đã kết hợp với các trường THCS trên địa bàn để tư vấn hướng nghiệp trực tiếp cho học sinh, giúp các em có lựa chọn đúng đắn, phù hợp với năng lực và nguyện vọng, điều kiện của gia đình. Một trong những vấn đề được nhiều học sinh và gia đình quan tâm nhất là khi theo học tại nhà trường thì học phí là bao nhiêu?
“Các em tốt nghiệp THCS khi học tiếp trình độ trung cấp tại nhà trường được miễn hoàn toàn học phí học nghề. Học văn hóa nhà trường liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn để giảng dạy nên sau 3 năm, các em vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng trung cấp có thể làm việc luôn tại các doanh nghiệp, công ty hoặc tự khởi nghiệp vì đã nắm được các kiến thức, kỹ năng của nghề theo học. Bạn nào muốn nâng cao trình độ có thể tiếp tục liên thông lên cao đẳng, sau này là đại học, tương lai rất rộng mở” - đại diện nhà trường khẳng định.
Về thủ tục hỗ trợ học phí, với học sinh có hộ khẩu thường trú tại Điện Biên chỉ cần điền vào mẫu đơn đăng ký của nhà trường là hoàn thành. Với học sinh của tỉnh khác thì phải ứng trước học phí và sau đó được nhà trường hướng dẫn các thủ tục để nộp về phòng lao động thương binh và xã hội của địa phương mình có hộ khẩu thường trú để được xét duyệt. Tuy nhiên, tùy từng địa phương giải ngân nhanh hay chậm do vướng về thủ tục pháp lý.
Cụ thể, việc cấp bù học phí đang áp dụng theo Nghị định 81 (thay thế cho Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021), người học đã tốt nghiệp THCS và không có bằng cấp học cao hơn THCS thì khi học tiếp lên trình độ trung cấp nghề được miễn học phí.
Nhưng đến thời điểm này, Nghị định 81 vẫn chưa có hướng dẫn thực hiện khiến nhiều địa phương lúng túng trong việc thực hiện, dẫn đến việc người học không được giải ngân nguồn học phí đã ứng trước để nộp về các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Hiệu trưởng trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành Hoàng Quốc Long cho biết, chỉ riêng trong học kỳ 1 năm học vừa qua, học sinh của trường nợ học phí đến 1,5 tỷ đồng vì chưa nhận được tiền cấp bù học phí. Nhà trường đã hỗ trợ học viên hoàn thành các thủ tục để nộp về phòng lao động thương binh xã hội các tỉnh nhưng nhiều nơi chưa giải ngân do vướng hành lang pháp lý.
Cụ thể, việc tổ chức thực hiện Nghị định số 81 có liên quan đến nhiều bộ, ngành khác nhau nên nếu xây dựng thông tư hướng dẫn thì phải bằng hình thức thông tư liên tịch. Nhưng theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì không còn hình thức thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.
Như vậy, trong khi chờ hướng dẫn thì một số địa phương không dám áp dụng Nghị định 81 dẫn đến tình trạng học viên không có tiền đóng học phí hoặc phải đi vay để đóng học phí, rất khó khăn trong khi đây xác thực là quyền lợi các em được hưởng. Điều này cũng gây khó khăn lớn cho các trường vì nếu không được hỗ trợ học phí, nguy cơ nhiều em bỏ học. Nhà trường cũng không thể tuyển sinh khóa mới vì một lợi thế để hút học viên của các trường nghề hiện nay đó là chính sách ưu đãi về học phí của nhà nước áp dụng cho đối tượng này.
“Các em theo học nhưng khi đem hồ sơ hỗ trợ học phí về địa phương nhận tiền thì không được nhận, nhà trường rất mang tiếng” - ông Hoàng Quốc Long tâm tư.
Trước thực trạng các phòng lao động thương binh xã hội các quận huyện tại TP HCM không nhận hồ sơ của học viên trường nghề xin cấp bù học phí, ông Hoàng Quốc Long đề nghị UBND TP HCM sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 81, hoặc Nghị định 81 không cần hướng dẫn thì có chỉ đạo các quận huyện thực hiện, hoặc chưa áp dụng được Nghị định 81 vì thiếu tài chính thì tạm áp dụng Nghị định 86 để giải quyết khó khăn hiện tại cho các em học sinh.
Trao đổi với báo Đại Đoàn Kết, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT khẳng định chính sách cấp bù học phí cho học sinh tốt nghiệp THCS học nghề là chính sách lớn của Chính phủ nhằm phân luồng, khuyến khích học sinh đi học nghề giảm bớt tình trạng "thừa thầy thiếu thợ" hiện nay.
Người học được đào tạo trước khi tham gia thị trường lao động giúp nâng cao tay nghề, kỹ năng thay vì lao động phổ thông đơn thuần. Đồng thời, nhờ có ưu đãi này mà nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THCS chủ động tìm đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để vừa được học nghề, vừa học văn hóa, rút ngắn thời gian đào tạo so với các bậc học cao đẳng hoặc đại học mà vẫn đảm bảo các kỹ năng, năng lực để làm việc.
Đặc biệt, nhiều gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn định hướng cho con em mình theo học nghề để sớm có việc làm, giúp đỡ gia đình, khi có điều kiện lại tiếp tục học lên cao hơn.
Đây là hướng đi đúng cần được khuyến khích, giảm bớt áp lực cho bậc học phổ thông. Các địa phương chưa áp dụng Nghị định 81 cần nhanh chóng họp bàn để đi đến thống nhất và triển khai trên thực tế để tránh thiệt thòi cho người học và cả nhà trường.
Khoản 17 Điều 15 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo quy định về đối tượng được miễn học phí gồm: "Người tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp".