Cơ chế "room" tín dụng đã phát huy tác dụng trong giai đoạn trước, giúp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, việc chuyển từ công cụ hành chính sang điều hành theo thị trường là xu hướng tất yếu.
Sau một thời gian dài đóng góp quan trọng vào hoạt động điều hành của NHNN, cơ chế phân bổ room tín dụng đã bộc lộ nhiều hạn chế; nhất là khi nhu cầu vốn phục vụ tăng trưởng nền kinh tế ngày càng tăng và phần lớn các ngân hàng đã hoàn tất việc tuân thủ các tiêu chuẩn theo Basel II và Basel III theo chuẩn mực quốc tế, tạo điều kiện để ngành ngân hàng vận hành theo hướng linh hoạt hơn.
Ông Phạm Chí Quang – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, cơ chế "room" tín dụng đã được áp dụng nhiều từ năm 2012 nhằm kiểm soát tình trạng tăng trưởng tín dụng quá nóng.
Theo ông Quang, trong giai đoạn chính sách tiền tệ nới lỏng trước đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng từng có năm vượt 54%. Điều này dẫn đến nhiều tổ chức tín dụng đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh khoản, buộc NHNN phải áp dụng các biện pháp hành chính mạnh nhằm xử lý tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về lãi suất, từ đó ngăn ngừa rủi ro nợ xấu và bảo đảm an toàn hệ thống.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cũng nhận định, không có một công cụ điều hành nào là vĩnh viễn. Vì vậy, trong những năm gần đây, NHNN đã bắt đầu điều chỉnh cơ chế cấp tín dụng theo hướng phù hợp hơn với diễn biến thị trường và thông lệ quốc tế.
Từ đầu năm 2024, NHNN đã chuyển sang giao chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) có kiểm soát, thay vì áp dụng đồng loạt như trước. Bước sang năm 2025, chỉ tiêu tín dụng đã được gỡ bỏ hoàn toàn đối với ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tài chính phi ngân hàng. Hiện chỉ còn áp dụng với các ngân hàng thương mại trong nước. Đây được xem là bước đệm quan trọng trong lộ trình tiến tới bãi bỏ hoàn toàn công cụ "room" tín dụng.
"NHNN cần có chính sách điều hành tổng thể, phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam, vừa bảo đảm tính tự chủ trong hoạt động của hệ thống ngân hàng, vừa kiểm soát hiệu quả lạm phát và duy trì an ninh kinh tế" - ông Quang khẳng định.
Theo các chuyên gia, về lý thuyết, việc loại bỏ trần tín dụng có thể khiến dư nợ toàn hệ thống tăng nhanh hơn, khi đó, lãi suất có thể sẽ có lúc chịu áp lực tăng. Do đó, NHNN cần chủ động cao hơn điều hành chính sách lãi suất một cách linh hoạt, đảm bảo hài hòa giữa cung tiền, lãi suất và tỷ giá.
"Trong thời gian tới, NHNN sẽ báo cáo Chính phủ về lộ trình bãi bỏ hoàn toàn công cụ này, trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng tác động đối với ổn định kinh tế vĩ mô và mục tiêu kiểm soát lạm phát" - ông Quang cho biết.
Việc tiến tới bỏ room tín dụng cũng đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong thời gian gần đây. Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 3/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát đi thông điệp cải cách rất đáng chú ý. Đó là, yêu cầu NHNN khẩn trương gỡ bỏ công cụ hành chính trong điều hành tín dụng – cụ thể là chấm dứt việc giao chỉ tiêu tín dụng cho từng ngân hàng thương mại. Trước đó, hồi đầu năm Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng đã nhấn mạnh: NHNN sẽ đổi mới biện pháp điều hành và có lộ trình giảm dần và tiến tới xóa bỏ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng.
Trong năm nay, NHNN tiếp tục có sự đổi mới về cấp hạn mức tín dụng. Ông Tú cho biết trước mắt, room tín dụng sẽ được điều chỉnh tăng thêm cho các ngân hàng trên cơ sở thực tế, thay vì cần văn bản đề nghị từ các tổ chức tín dụng. "Việc này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế" - ông Tú nói, đồng thời khẳng định cơ quan quản lý chỉ kiểm soát chung mức tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế, tạo chủ động cho các ngân hàng thương mại. Song, điều kiện là các ngân hàng phải cho vay đúng đối tượng, đảm bảo an toàn hệ thống.
Dưới góc độ ngân hàng thương mại, ông Lê Thanh Tùng – Ủy viên Hội đồng quản trị VietinBank chia sẻ, cơ chế "room" tín dụng đã phát huy tác dụng trong giai đoạn trước, giúp NHNN ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, theo ông Tùng, việc chuyển từ công cụ hành chính sang điều hành theo thị trường là xu hướng tất yếu.
Hiện NHNN đã có trong tay nhiều quy định này giúp giám sát hiệu quả thanh khoản và rủi ro. "Với chỉ đạo của Chính phủ cũng như việc NHNN đang tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh để tiệm cận chuẩn mực quốc tế là bước tiến lớn. Các ngân hàng thương mại hoàn toàn sẵn sàng tuân thủ quy định mới" - ông Lê Thanh Tùng khẳng định.