Tới thời điểm này, khi mà châu Phi đã không còn quá lo đối phó với biến thể Omicron, thì Mỹ và châu Âu cũng đã được cho là đã “đạt đỉnh”. Giới khoa học nói lý do khiến họ lạc quan là Omicron đang cho thấy khả năng lây nhiễm mạnh mẽ nên nó cũng sẽ sớm lụi tàn. “Nó sẽ lụi tàn nhanh như khi nó bùng phát”- Ali Mokdad, giáo sư khoa học đo lường sức khỏe tại Đại học Washington ở Seattle, Mỹ nhận định. Còn theo tiến sĩ Ashok Rai- Giám đốc điều hành Tập đoàn Y tế Prevea (bang Wisconsin, Mỹ) thì làn sóng Omicron ở bang này sẽ chạm đỉnh vào cuối tháng 1.
Omicron lây lan ra sao, tốc độ nhanh như thế nào, lây cho bao nhiêu người, điều đó đã được dự đoán và thể hiện ở các quốc gia khác. Một số bang của chúng tôi cũng nhận thấy nó sẽ tăng và giảm nhanh chóng”- tiến sĩ Rai nói.
Kể từ ngày 24/11/2021 khi Omicron chính thức được loan báo ở Nam Phi và 2 ngày sau được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào loại “đáng lo ngại”, biến thể này đã lây lan cực kỳ nhanh với trên 150 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhưng nó cũng cho thấy thời gian ủ bệnh ngắn (trung bình 3 ngày) và cũng chấm dứt sớm (từ 7 đến 10 ngày).
Bước ngoặt của đại dịch Covid-19
Omicron mang 50 đột biến, phần lớn trong số đó nằm trên protein gai, phần giúp virus xâm nhập tế bào vật chủ. Dữ liệu sơ bộ cho thấy các đột biến này có thể cho phép Omicron dễ dàng lây nhiễm cho những người chưa tiêm chủng và có thể tránh né một phần phản ứng kháng thể, có được nhờ vaccine hoặc hậu nhiễm.
Kevin McConway- giáo sư về thống kê ứng dụng tại Đại học Mở nước Anh cho rằng, khi Omicron càng lây lan nhanh thì càng sớm đạt đỉnh và cũng sẽ sớm bão hòa. Còn theo tiến sĩ Paul Hunter- giáo sư Y khoa Đại học East Anglia (Anh) thì thực tế cho thấy biến thể này yếu hơn rất nhiều so với biến thể Anpha, Beta và càng yếu hơn so với biến thể Delta.
“Tuy nhiên, điều chúng ta lo ngại là biến thể Omicron sau khi đã phát triển hết vòng đời sẽ tìm cách “lai” với biến thể khác, tạo ra một loại virus mới mà những vaccine hiện có bị vô hiệu hóa một phần hoặc nhiều hơn. Vì thế, cho dù lạc quan thì cũng vẫn phải đề phòng”, tiến sĩ Hunter nói.
Tương tự, tiến sĩ David Heymann - người từng phụ trách về các bệnh truyền nhiễm của WHO, nói rằng Omicron lây lan nhanh bao nhiêu thì chúng ta càng sớm đạt được miễn dịch cộng đồng và Covid-19 cũng sẽ sớm trở thành bệnh đặc hữu.
Cũng từ cách nhìn nhận này, theo tiến sĩ Shabir Mahdi - Trưởng khoa Khoa học sức khỏe Đại học Witwatersrand (Nam Phi), lệnh phong tỏa ở các quốc gia không thể giúp giảm số ca nhiễm của làn sóng Omicron, mà chỉ có thể kéo dài thời gian lây lan của chúng. Trong khi chúng không đáng phải quá lo ngại vì độc lực yếu, số ca chuyển bệnh nặng tăng ít và rất hiếm ca tử vong do chính Omicron.
“Tôi hy vọng tới Lễ Phục sinh (17/4) chúng ta sẽ thoát khỏi Omicron”, tiến sĩ Hunter đưa ra nhận định nhưng cũng không quên khuyến cáo rằng làn sóng dịch gia tăng hay suy giảm ở các nơi không xảy ra cùng lúc và với cùng tốc độ, vì thế hệ thống chăm sóc y tế có thể sẽ đối mặt với nhiều tuần căng thẳng phía trước, “cho dù chúng ta sớm đi tới sườn dốc phía bên kia”.
Trong một diễn biến khác, dù Mỹ là quốc gia có số người nhiễm Omicron nhiều nhất thế giới, nhưng nhìn chung giới khoa học nước này không quá lo lắng. Nói như Janet Woodcock- Ủy viên Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thì chính phủ nên chuyển trọng tâm sang các dịch vụ quan trọng để mọi thứ không bị gián đoạn, chứ không nên dồn quá nhiều lực đối phó với biến thể Omicron.
“Những gì chúng ta cần là đảm bảo bệnh viện vẫn có thể hoạt động, trong khi giao thông vận tải và các dịch vụ thiết yếu khác không bị gián đoạn”, bà Janet nói và dẫn ý kiến của các chuyên gia vi trùng học thì rất có thể Omicron chính là bước ngoặt của đại dịch Covid-19.
“Omicron rất có thể là điểm khởi đầu để chúng ta biến Covid-19 từ mối đe dọa toàn cầu thảm khốc thành một căn bệnh dễ kiểm soát hơn nhiều”- bà Janet nói, và thêm rằng chúng ta không nên “mong” xuất hiện một biến chủng mới tồi tệ hơn.
Trong khi đó, theo Ajay Seithi - chuyên gia về Khoa học Y tế Dân số (Đại học Y khoa và Sức khỏe Cộng đồng U.W) thì “mỗi biến thể mới sẽ cần có những lợi thế chọn lọc nếu muốn trở thành chủng trội và thay thế chủng cũ. Khả năng lây nhiễm là một trong số đó. Một yếu tố khác có thể giúp biến chủng có lợi thế là nó có sự kết hợp của nhiều đột biến cho phép thoát khỏi kháng thể của con người”,
Seithi thêm rằng điều khiến ông lo lắng nhất về làn sóng hiện tại là “một biến thể khác có xác suất xuất hiện cao hơn rất nhiều chúng ta từng thấy trong các đợt bùng phát trước”.
“Căn bệnh bình thường” như cúm?
Sau Mỹ, châu Âu là nơi biến thể Omicron lan tràn mạnh mẽ nhất. Cuối tháng 11, đầu tháng 12/2021, hầu hết các quốc gia châu Âu đều đã phải áp dụng các biện pháp cứng rắn với hy vọng ngăn chặn đà lây lan của nó. Nhưng rồi, các biện pháp ấy đã trở nên vô hiệu, kể cả phong tỏa cứng, khi mà Omicron vẫn tấn công châu Âu.
Tuy nhiên, sự hốt hoảng ban đầu cũng đang dần qua đi. Tới nay, nhiều chính phủ châu Âu đã bình tĩnh trở lại, mặc dù số người nhiễm Omicron vẫn ở mức cao.
Sở dĩ có được tinh thần đó là do thực tế cho thấy Omicron có thể lây rất nhanh nhưng ít có bệnh nhân nặng và việc điều trị cũng không mấy khó khăn. Việc bao phủ vaccine ngừa Covid-19 giúp người dân châu Âu chống trả biến thể Omicron một cách hiệu quả hơn rất nhiều. Dù các quan chức y tế cảnh báo rằng đại dịch vẫn đáng ngại, nhưng ở châu Âu ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng, nên coi Covid-19 là một căn bệnh đặc hữu như bệnh cúm.
Một trong số những người ủng hộ là Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez, khi kêu gọi châu Âu đánh giá lại virus SARS-CoV-2 và khả năng điều trị Covid-19 như một căn bệnh đặc hữu. Quan điểm của Thủ tướng Tây Ban Nha là một điểm nhấn khác biệt trong bối cảnh nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đang nỗ lực đối phó với đợt dịch mới và sự lây lan của biến thể Omicron. Tuy nhiên, theo góc nhìn của những người ủng hộ “Covid-19 đặc hữu” thì Omicron có khả năng lây nhiễm cao và gây bệnh ít nghiêm trọng hơn - gần giống với cảm cúm hơn là các biến thể trước.
Tương tự, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng tỏ ra lạc quan về diễn biến dịch bệnh. Ông còn tuyên bố trước công chúng rằng Anh sẽ “học cách sống chung với virus”. Chính vì vậy, chính phủ Anh không hề đưa ra thêm bất kỳ hạn chế chống dịch nào trước làn sóng Covid-19 gần đây, nhất là trước biến thể Omicron.
Mạnh mẽ hơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Anh Nadhim Zahawi còn tuyên bố quốc gia này đang trên đường “từ dịch bệnh tiến tới bệnh đặc hữu”, chỉ cần tự cách ly 5 ngày với người nhiễm bệnh đã là đủ. Còn theo giáo sư David Heymann (Trường Y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London) thì chính cách con người học được cách sống chung với virus sẽ giúp nhân loại đi qua được đại dịch.
Nhưng, với WHO thì lại khác khi vẫn tiếp tục đưa ra cảnh báo rằng vẫn còn quá sớm để coi Covid-19 là một bệnh đặc hữu, nhất là khi khả năng lây lan của biến thể Omicron vẫn cao đến mức đáng lo ngại. Chúng ta còn cả một chặng đường để dịch bệnh đạt được tính đặc hữu”, tiến sĩ Catherine Smallwood, quan chức cấp cao của WHO nói.
Bà Smallwood phân tích lý do chưa thể đạt được mục tiêu trên là do virus gây bệnh đặc hữu phải lưu hành ổn định ở mức có thể dự đoán được, đồng thời, các chuyên gia phải biết trước và dự đoán được diễn biến của các đợt dịch sắp tới: “Covid-19 có thể sẽ trở thành bệnh đặc hữu, nhưng khó mà đạt được điều này vào năm 2022”.
Chuyên gia WHO lưu ý rằng việc tiêm phòng rộng rãi cho người dân toàn thế giới chính là “chìa khóa” để đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, nói như Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus thì các nước không được “đầu hàng” và vẫn phải ngăn chặn sự lây lan của virus để hạn chế số người nhập viện và tử vong.
Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron thúc đẩy các ca nhiễm tăng vọt trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, giới chuyên gia y tế đưa ra nhiều khuyến cáo. Đầu tiên là không được coi Covid-19 là một “trận cảm lạnh”, vì rằng ngay cả khi nhiễm biến thể Omicron ở tình trạng nhẹ, bạn vẫn có thể sẽ gặp phải các triệu chứng như sốt, đau nhức cơ thể, sưng hạch bạch huyết, đau họng và nghẹt mũi nặng, khiến bạn ‘’lê lết’’ do sức khỏe giảm sút trong nhiều ngày. Cùng đó, người bị Omicron tấn công có thể bị di chứng lâu dài, trong đó có thể bị tổn thương phổi, tim và thận, cũng như sức khỏe tâm thần.
Theo các chuyên gia y tế, nếu nghĩ rằng cố tình để mắc bệnh sẽ có được sự miễn dịch “hoàn hảo” thì đó là một sai lầm. Cố ý để bản thân mắc bệnh không phải là một ý hay, bởi bạn sẽ không biết chắc bệnh có thể tiến triển theo xu hướng nào. Đùa với tự nhiên đồng nghĩa với bạn đang mạo hiểm mạng sống của mình.