Chợ nổi Ngã Bảy (nơi 7 nhánh sông quy tụ ở thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang) một thời sầm uất trên bến dưới thuyền. Nhưng đến năm 2002, chợ nổi Ngã Bảy bất ngờ bị di dời đến vị trí mới nằm trong một con kênh cách nơi cũ khoảng 3km, từ đó người lui tới thưa dần.
Chợ nổi Ngã Bảy hình thành như thế nào?
Một buổi chiều năm 1992, kết thúc buổi quay phim chợ nổi Ngã Bảy; đạo diễn Philip, tàu Calypso - chuyên nghiên cứu môi trường các dòng sông trên thế giới; trước khi chia tay đã nói với tôi, người phụ trách ngành Văn hóa huyện: “Anh nhắc chính quyền hãy cố giữ gìn cái chợ nổi đẹp và lớn nhất thế giới này”.
10 năm sau (2002) tôi chuyển công tác, chợ nổi Ngã Bảy đã di dời. Có dịp trở lại, đứng trên cầu Phụng Hiệp, nhớ về cái chợ nổi một thời vang tiếng, náo nhiệt tàu ghe, nay chỉ còn là bến vắng, đìu hiu.
Chưa có tài liệu nào xác định thời điểm ra đời của chợ nổi Ngã Bảy, (tức chợ nổi Phụng Hiệp) vùng Cần Thơ xưa. Bởi khi đô thị tỉnh lỵ Cần Thơ - chợ nổi Cái Răng đã phát triển, vào những năm đầu thế kỷ XX, thì phía đất tổng Định Hòa (Phụng Hiệp) còn là cánh đồng sậy hoang vu, ngập mặn, lắm voi, nhiều muỗi như sách xưa ghi chép:
Rừng sậy phần tổng Định Hòa
Mười ba thôn xã xứ mà lắm voi...
Thế nhưng, chỉ sau hơn 10 năm đào mở cụm kinh xáng, quy tụ về trung tâm bảy ngã thì chợ Ngã Bảy tự phát ra đời (1915), với kiểu cách nhóm chợ trên sông. Sau đó, nhà lồng chợ trên bờ cùng phố xá được xây cất, tạo nên không gian “trên bến dưới thuyền”.
Theo học giả Vương Hồng Sển, năm 1919 ông từng đi tàu thủy Pélican từ Sóc Trăng, ghé nghỉ tại phòng ngủ chợ Ngã Bảy một đêm, rồi đi tiếp lên Cần Thơ, Mỹ Tho. Lúc bấy giờ chợ nổi Ngã Bảy rất sung túc, thành điểm trung chuyển lúa gạo, nông thủy sản, thực phẩm và hàng thủ công; thành chợ đầu mối trên phố - dưới sông lớn nhất nhì miền Tây; kết nối hầu hết vùng Lục tỉnh, mức độ quy mô ngang ngửa với chợ Cần Thơ thời đó.
Từ khi hình thành chợ Ngã Bảy giao thương đa ngành hàng, giữa thương hồ với nhà nông (trên sông), với tiểu thương (trên phố) rất sôi động. Suốt thời Pháp thuộc cho đến trước khi di dời, Ngã Bảy cùng Cái Răng là hai khu chợ nhóm trên sông lớn nhất, sớm nhất vùng Lục tỉnh, trong suốt một thế kỷ tồn tại.
Nơi khởi nguồn văn hóa “chợ nổi”
Đến chợ nổi Ngã Bảy ngay tờ mờ sáng, người ta đã thấy hàng trăm cây bẹo, như những cột ăng ten kỳ lạ, treo lủng lẳng các loại củ, quả. Trăm năm trước, giới thương hồ trên chợ nổi Ngã Bảy - Cái Răng đã “sáng chế” ra lối quảng cáo, kiểu chào mời hàng độc đáo này. Từ xa hàng trăm mét, bạn hàng có thể nhận thấy, ghe thương hồ đó bán gì. Cứ thế, việc giao thương tự do diễn ra. Đến chợ nổi còn có ghe hàng phục vụ, với tiếng rao lảnh lót: “Ai ăn chè đậu đen nước dừa đường cát hôn? Hay: ai ăn bánh bò hôn?”
Giao thương trên chợ nổi xưa, như nét văn hóa “gốc”, giữa cái chợ lộ thiên khổng lồ đa chủng loại hàng hóa, với gần chục nhóm từ rau, củ, quả, cây cảnh đến các mặt hàng gia dụng thiết yếu, thực phẩm khô, tạp hóa. Trái cây, rau củ từ miệt vườn Phong Điền, Trà Ôn, Kế Sách đưa qua. Củi, than đước, chiếu, lá lợp nhà, muối hột từ Cà Mau, Bạc Liêu, Rạch Giá chở tới. Từ miệt trên, nhiều ghe đỏ mũi, xanh lườn ở Long An, Bình Dương cũng chở hàng gốm xuống như: kiệu, lu, hủ, khạp… Đặc biệt là mặt hàng vải sợi, thau, xoong, nồi, chảo, kể cả thuốc trị bệnh từ Chợ Lớn đưa về...
Trao đổi hàng hóa tại chợ nổi, trên tinh thần thương hồ - nhà nông cùng có lợi, thuận mua vừa bán. Giao dịch xong lô hàng, họ chào nhau và đi, không ai nợ ai. Điều quan trọng là việc ngã giá mua bán khá nhanh, bởi người làm ăn trên chợ nổi đều chuyên nghiệp. Nên, rất hiếm khi xảy ra các giao dịch gian dối, gây gổ, xung đột. Ấy là văn hóa chữ tín! Tất cả đều tuân thủ quy ước bất thành văn, thành lệ. Việc cân, đong, đo, đếm công khai, sòng phẳng, pha lẫn chất hào phóng của người miền Tây. Điển hình là lối mua bán trái cây tính bằng chục, tức10 đơn vị; Nhưng nhiều khi lại tính theo “chục có đầu”, tức 12, 14, 16 thậm chí có cả chục 18 đơn vị. Ngoài ra, còn có lối bán “mớ”, bán “mão” độc đáo. Nhóm hàng, ghe hàng này giá bao nhiêu? Hai đàng cứ mặc cả, thỏa thuận, không cần cân, đếm; Cho thấy: giới thương hồ - nhà nông, vừa giỏi nghề vừa thích nghi với kiểu mua bán nhanh, bởi nhà nông cần phải về sớm lo sản xuất, ghe thương hồ cần chuyển nhanh hàng hóa đến nơi xa. Vì vậy, họ luôn sòng phẳng, đàng hoàng, quý trọng nghề mua bán; xem đây là “mối đạo”, là niềm vui dù gian nan, vất vả qua những câu hò, vè...
Cùng với điệu hò, lối chơi Đờn ca tài tử cũng gắn liền với chợ nổi, nhất là khi tuyệt phẩm ca cổ Tình anh bán chiếu, của soạn giả Viễn Châu ra đời, từ ý tưởng hư cấu về chuyện tình đơn phương, lãng mạn của anh bán chiếu Cà Mau, tại chợ nổi Ngã Bảy, khi ông có dịp dừng chân.
Sông sâu bên lở bên bồi,
Tình anh bán chiếu trọn đời không phai
Chợ nổi Ngã Bảy còn có mặt trong phim truyện Ván bài lật ngửa, của nhà văn Trần Bạch Đằng. Ngay bối cảnh mở đầu, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đã cho nhân vật tình báo Nguyễn Thành Luân xuất hiện, đi ghe qua chợ nổi Ngã Bảy tấp nập.
Một thời gian sau, hãng phim truyền hình TP Hồ Chí Minh TPS thực hiện phim truyện “Chuyện Ngã Bảy”. Phim kể về câu chuyện đời trôi nổi, đắng cay, chìm nổi của ba chị em sống bằng nghề thương hồ tại chợ nổi Ngã Bảy.
Từ năm 1987, khi thuyền văn hóa huyện Phụng Hiệp, một thiết chế văn hóa sông nước ra đời, thì bến chợ nổi Ngã Bảy trở thành điểm diễn phục vụ quen thuộc. Khách thương hồ, tàu đò, ghe bánh trái, thường neo đậu ghe lại để xem văn nghệ.
Ngày 15/5/1992, con tàu Calyso - nghiên cứu môi trường các dòng sông trên thế giới, tổ chức quay phim chợ nổi Ngã Bảy và thuyền văn hóa Phụng Hiệp. Do chợ nổi có quy mô lớn, tọa lạc theo bảy ngã kinh, nên kíp quay phải dùng đến thủy phi cơ bay trên độ cao 100 mét, cùng 4 cano chuyên dùng tác nghiệp gần một ngày. Sau đó, phim công chiếu trên 100 kênh truyền hình trên thế giới.
Vắng bóng tàu, ghe
Thời mở cửa, khoảng đầu thập niên 90, thế kỷ XX, du lịch dần phát triển cũng là lúc chợ nổi Ngã Bảy chào đón những du khách đầu tiên, từ Công ty Du lịch Cần Thơ. Mỗi ngày có vài trăm du khách, một nửa là khách Tây. Khách đi chợ nổi trên các ghe đò chèo nhỏ, len lỏi vào không gian sông nước bềnh bồng. Họ thỏa thích vừa ngắm nhìn quang cảnh bảy ngã, vừa ăn, vừa mua trái cây giá rẻ mang về, thậm chí thương hồ qúy mến khách còn tặng du khách mang về làm quà. Ngắm chợ nổi xong mọi người lên tham quan chợ phố trên bờ, cạnh dốc cầu Phụng Hiệp. Thấy đây là ngành làm ăn mới, phát đạt; nhiều người bỏ vốn đóng các du thuyền máy vừa, nhỏ phục vụ từ 6-20 du khách.
Thời điểm du lịch chợ nổi Ngã Bảy phát triển mạnh, các chợ nổi Cái Răng, Phong Điền, Ngã Năm chưa thấy bóng dáng du khách; các chợ nổi Cái Bè, Trà Ôn… chỉ mới nhen nhóm. Đến những năm đầu thế kỷ XXI, chợ nổi Ngã Bảy bước vào đỉnh điểm của thời hoàng kim; nhưng theo đó tình trạng ách tắc giao thông thủy, nhất là ở giao điểm bảy ngả cũng thường diễn ra.
Để giải quyết tình trạng này, năm 2002 chính quyền huyện Phụng Hiệp quyết định di dời chợ nổi Ngã Bảy ra xa 3 cây số theo hướng kinh Cái Côn, vàm kinh Ba Ngàn, thuộc xã Đại Thành. Kèm theo việc di dời là biện pháp chế tài, phạt nặng các ghe vi phạm. Chỉ trong thời gian ngắn, chợ nổi Ngã Bảy vắng bóng tàu, ghe neo đậu mua bán. Tâm điểm ngã bảy thông thoáng nhưng lặng lẽ, đìu hiu. Từ đó, theo quy luật đất lành chim đậu, giới thương hồ tứ xứ lui ghe, đến mua bán tại các chợ nổi khác, đông nhất là chợ nổi Cái Răng...
Chợ nổi Ngã Bảy ra đời dựa trên nguyên lý tạo lập, với các đặc tính: tự phát (tự nhiên), trao đổi (giao thương), tự do (neo đậu); đặc biệt là tính tự quản (tự giác)… Việc di dời chợ nổi Ngã Bảy bằng mệnh lệnh hành chính là trái quy luật tự nhiên, không chỉ là một cách bức tử lối giao thương độc đáo, mà còn làm mất đi các giá trị văn hóa chợ nổi Ngã Bảy một thời và có bề dày trăm năm. Giả sử rằng: Nếu năm 2002, địa phương không di dời chợ và có giải pháp quản lý một cách hữu hiệu, hướng đến lộ trình chuyển đổi từ chợ nổi tự nhiên sang chợ nổi tự tạo, biết đâu chợ nổi Ngã Bảy hôm nay vẫn là một trong các chợ nổi du lịch lớn trên thế giới, không thua gì các chợ nổi Thái Lan?
(Còn nữa)