Quốc hội

Cho phép các khu vực bãi nổi được phép xây dựng công trình không gian công cộng

Việt Thắng 11/06/2024 18:43

Chiều 11/6, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh tham dự phiên họp

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, về việc quản lý, sử dụng đất tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê (các điều 17, 18, 21, 32) có ý kiến đề nghị mở rộng phạm vi cho phép xây dựng các công trình tại bãi sông, bãi nổi nếu phù hợp với quy hoạch. Đồng thời, đề nghị trước khi UBND thành phố Hà Nội phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng công trình tại bãi sông, bãi nổi thì cần xin ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

202406110934531353_dsc_3022.jpg
Ông Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp

Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng: Các đồ án Quy hoạch Thủ đô, Quy hoạch chung Thủ đô đều đưa nội dung phát triển sông Hồng là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô, trục di sản, du lịch văn hóa kết nối vùng Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng là một trong những quan điểm mang tính chiến lược, cốt lõi cho phát triển Thủ đô, yêu cầu sử dụng quỹ đất sẵn có tại bãi sông, bãi nổi ở các tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội một cách hiệu quả, vừa phát huy giá trị cảnh quan, văn hóa, kinh tế, du lịch, vừa bảo đảm yêu cầu về phòng chống thiên tai, lũ lụt là hết sức cần thiết.

Thực tế cho thấy, Thành phố đã xây dựng một số phương án quy hoạch, phát triển sông Hồng đoạn qua Thành phố nhưng gặp không ít vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, trong đó, một trong những nguyên nhân là do quy hoạch hiện hữu về phòng, chống lũ, quy hoạch về đê điều chậm được nghiên cứu, điều chỉnh và một số rào cản về pháp luật liên quan đến bảo vệ đê điều.

Ông Tùng nhắc đến rằng, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý theo hướng cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều. Trên bãi sông được phép tồn tại khu dân cư hiện hữu, xây dựng mới công trình, nhà ở với tỷ lệ thích hợp bảo đảm phù hợp với các quy hoạch đã được phê duyệt. Các khu vực bãi sông, bãi nổi còn lại được phép xây dựng công trình dành cho không gian công cộng, công trình phục vụ mục đích công cộng nhưng không tôn cao bãi sông, bãi nổi để bảo đảm không làm cản trở dòng chảy và xây dựng công trình được phép xây dựng theo pháp luật về đê điều (khoản 2 Điều 17).

Bên cạnh đó, giao UBND Thành phố thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tại khu vực này theo trình tự, thủ tục do HĐND Thành phố quy định (khoản 7 Điều 18). Trong quá trình thực hiện, nếu thấy cần tham vấn ý kiến các Bộ chuyên môn thì Thành phố sẽ chủ động thực hiện mà không quy định thành thủ tục bắt buộc trong Luật, các cơ quan nhà nước cấp trên thực hiện quyền thanh tra, kiểm tra và xử lý nếu phát hiện vi phạm.

Phát biểu tại phiên họp, nói về đề xuất cắt điện nước các công trình vi phạm, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội bày tỏ, đây là vấn đề “cực kỳ bức xúc”. “Ví dụ trong một khu chung cư, có một vài hộ cố tình vi phạm, không cọi trọng mạng sống của người khác và chính mình. Vì mạng sống của những người còn lại thì có xử lý cắt điện nước được không?”-ông Thanh nói, và ví dụ các trường hợp như đốt vàng mã, đốt than tổ ong dù đã nhắc nhở nhiều nhưng người dân vẫn cố tình vi phạm thì Nhà nước phải có một số quyền để xử lý.

Ông Thanh cũng nêu, với các công trình nhà xây vượt tầng, không có phòng cháy chữa cháy, cách tốt nhất để dừng lại vi phạm là cắt điện nước, không thi công khi dân chưa vào ở. Ông Thanh cũng lấy ví dụ về sai phạm tại chung cư mini ở Thạch Thất xây vượt tầng vừa qua, giải pháp là phải xử lý khi dân chưa vào ở, bởi nếu dân đã vào ở thì khó di dân ra được. Do đó, với các vi phạm này phải cắt điện nước để dân không vào ở.

Từ đó, ông Thanh đề nghị, Luật nên giao cho Hà Nội quyền cắt điện nước công trình vi phạm. Quyền này không phải giao tùy tiện mà chỉ để Chủ tịch xã, Chủ tịch huyện quyết định. Quyền này là hướng tới mục tiêu để bảo vệ sự sống của người dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương dẫn các vụ cháy trong ngõ nhỏ vừa qua, các phương tiện chữa cháy không thể tiếp cận được. Vì vậy theo ông Phương trong một số trường hợp bất khả kháng, nên giao cho thành phố quyết định một số biện pháp hành chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cho phép các khu vực bãi nổi được phép xây dựng công trình không gian công cộng