Không những gây lãng phí ngân sách, đất đai, những khu chợ được đầu tư tiền tỷ bỏ hoang nhiều năm khiến người dân bất bình. Thậm chí, làm khó cho địa phương khi thực hiện chuyển đổi mục đích, đó là thực trạng chợ nông thôn của tỉnh Nghệ An.
Chợ tiền tỷ không bằng mặt đường
Xây dựng thiếu hợp lý, giá kiốt cao, thiếu các hạng mục phụ trợ… là những nguyên nhân cơ bản, khiến những khu chợ này bị bỏ hoang. Đơn cử, tại xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, vào năm 2021 khu chợ này được xây dựng trên diện tích 4.857m2 với số tiền trên 3 tỷ đồng.
Tuy nhiên đến nay, toàn bộ khu chợ đã xuống cấp, hoang tàn. Trong khi đó, các tiểu thương không ngồi trong các kiốt mà kéo nhau ra mặt đường để ngồi buôn bán.
Nguyên nhân ngôi chợ này bị bỏ hoang bởi theo bà con tiểu thương, khi xây chợ đã bố trí không hợp lý nên bà con không vào. Chưa kể đến việc các hộ tiểu thương cũng phải tự kéo điện để dùng. Vì thế có một số hộ dân dù vẫn đăng ký chỗ ngồi phía trong chợ, nhưng do không bán được hàng nên lại kéo nhau ra ngoài đường ngồi.
“Chúng tôi không thể vào chợ được, họ xây rất bất hợp lý. Giá thuê lại quá cao nên tiểu thương ở đây không vào” - tiểu thương Nguyễn Thị Nga cho biết.
Bất cập hơn, chợ Nam Thái, tại xã Nam Thái, huyện Nam Đàn được triển khai xây dựng từ năm 2013, đây là công trình chợ hạng 3 trên diện tích khoảng 3.000m2. Với giá chỉ định thầu là hơn 3,6 tỷ đồng, công trình dự kiến hoàn thành trong vòng 360 ngày kể từ ngày hợp đồng được ký kết. Tuy nhiên, sau một thời gian thi công, công trình này đã phải dừng lại vì thiếu vốn.
Tiếp đó, chợ Tân Long, thuộc xã Tân Long, huyện Tân Kỳ cũng được xây dựng từ năm 2009. Nguồn vốn được huy động từ ngân sách nhà nước và nhân dân đóng góp trị giá 1,1 tỷ đồng. Vậy nhưng, từ khi hoàn thành đến nay, chợ Tân Long cũng rơi vào tình cảnh “cửa đóng, then cài”, cả khu chợ trở thành sân chơi bóng chuyền và bãi thả trâu, bò của người dân trong vùng.
Thực trạng buồn
Quá trình tìm hiểu, ngoài các chợ nói trên thì tình trạng này còn diễn ra ở nhiều địa phương như Quỳ Châu, Anh Sơn, Thanh Chương, TP Vinh… Việc thẩm định ban đầu thiếu chặt chẽ đã dẫn đến việc chợ xây xong người dân không chịu vào. Đối với chợ Tiền Phong (Quế Phong) là một điển hình.
Ông Võ Khánh Toàn - Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cũng thừa nhận, có việc người dân không ngồi trong chợ bán mà kéo nhau ra trước đường lớn ngồi. Hiện tại do khu vực chợ thấp hơn mặt đường nên mỗi khi trời mưa, nước lại chảy từ trên đường xuống làm ngập cả khu chợ.
“Theo Đề án phát triển hạ tầng thương mại tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022-2025, chợ Tiền Phong sẽ được nâng cấp. Thế nhưng, việc nâng cấp chưa biết khi nào mới thực hiện nên bà con tiểu thương vẫn cứ tràn ra đường để buôn bán” - ông Toàn cho biết thêm.
Đối với chợ Tân Long, huyện Tân Kỳ, đây là dự án được xây dựng với mục đích đón đầu cho Dự án Nhà máy xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ và phục vụ nhu cầu cho người dân. Tuy nhiên, Dự án Nhà máy xi măng Sài Gòn - Tân Kỳ không về nên chợ sau khi xây dựng lên không có tiểu thương nào hoạt động.
Theo ông Trần Văn Toàn - Chủ tịch UBND xã Tân Long, huyện Tân Kỳ: Hiện UBND xã Tân Long đang trình với UBND huyện Tân Kỳ để tìm ra giải pháp phát huy hiệu quả chợ. Hiện nay Nhà máy may Minh Anh đang xây dựng và sắp đi vào hoạt động, hy vọng sẽ thu hút được các tiểu thương vào chợ để phục vụ cho nhân dân và nhà máy.
Trong khi đó, nói về chợ Nam Thái, ông Lê Văn Sỹ, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Nam Đàn cho biết, hạng mục chợ nông thôn Nam Thái tồn tại lâu rồi, nằm trong quy hoạch đất kinh doanh thương mại. Do thiếu vốn nên không thể triển khai. Hiện, nếu muốn chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác thì cần phải được các cấp có thẩm quyền cho phép, nhưng cũng chưa biết đến khi nào.
Chợ vẫn bỏ hoang, và nguyên nhân cũng đã được các cấp chính quyền thừa nhận. Thế nhưng giải pháp để giải quyết vấn đề này thì chưa biết đến bao giờ mới có.