Trong bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, thành phố Hà Nội nên sớm có phương án cho các trường mầm non được mở cửa đón trẻ để gỡ khó cho cả nhà trường, giáo viên và phụ huynh.
Trẻ em là đối tượng thiệt thòi nhất
Nếu như giáo viên phổ thông vẫn có thể dạy học trực tuyến, vẫn có thu nhập từ nghề khi trường học tạm thời đóng cửa thì đã gần 1 năm qua, giáo viên mầm non, nhất là giáo viên ở các trường tư thục rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là tròn 12 tháng, chị Phạm Phương Dung - giáo viên Trường Mầm non Ánh Mai Sáng (quận Ba Đình, Hà Nội) tạm thời mất việc làm do trường học phải đóng cửa vì dịch bệnh. Mệt mỏi vì phải xoay xở đủ việc để có thu nhập trang trải sinh hoạt hàng tháng, chị Dung đặt câu hỏi: “Không biết đến bao giờ, chúng tôi mới được trở lại công việc”.
Theo chị Dung, đồng nghiệp của chị có không ít người rơi vào tình cảnh khốn khổ vì không tìm được việc làm thêm trong giai đoạn nghỉ dịch. Không thể cầm cự được lâu, nhiều cô giáo đã có quyết định chuyển nghề. Chị Dung tâm tư: “Không thể ngồi yên chờ đợi ngày trường mầm non được cửa trở lại, chúng tôi phải làm thêm, thậm chí là đổi nghề”.
Đóng cửa kéo dài khiến nhiều trường mầm non tư thục phải giải thể, rao bán hoàn toàn hoặc bán một phần đồ đạc, cơ sở vật chất. Trước dịch, các cơ sở của Hệ thống Trường mầm non song ngữ An preschool hoạt động tốt nhưng đến thời điểm này quy mô của trường co lại một nửa. Ban giám hiệu hệ thống trường lo lắng, nếu tình trạng này kéo dài thì không biết tới đây hệ thống trường sẽ tiếp tục co lại thế nào?
Đại diện Ban Giám hiệu Hệ thống Trường mầm non song ngữ An preschool cho biết, thời gian tạm thời đóng cửa, trường có gửi học liệu đến từng gia đình và hỗ trợ dạy học trực tuyến cho học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình dạy học trực tuyến, trường nhận thấy nhiều bất cập, nhất là ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, thị lực của học sinh. Trong khi đó, ở lứa tuổi này, các con cần được giao tiếp xã hội để phát triển ngôn ngữ, các kỹ năng sống cần thiết khác. “Chúng tôi cũng như nhiều trường mầm non khác mong mỏi ngày trường học được hoạt động trở lại, không chỉ là “phao cứu sinh” cho các trường khi đang đứng trên bờ vực phá sản mà xa hơn là vì các con” - đại diện hệ thống trường trăn trở.
Mong mỏi của các trường cũng là mong muốn của hầu hết các phụ huynh có con ở độ tuổi mầm non thời điểm này. Cả năm qua, họ đã quá mệt mỏi khi vừa phải đi làm vừa chạy đôn chạy đáo tìm cách gửi con. “Hiện nay, trẻ theo bố mẹ đi chơi khắp nơi nhưng chỉ có trường học là chưa được đến. Tôi cho rằng đã đến lúc trường mầm non mở cửa trở lại” - chị Cung Kim Chi (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.
Thời điểm thích hợp cho trẻ tới trường
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kế hoạch dạy học trực tiếp tính đến ngày 1/4 cho thấy, ở bậc mầm non, có 61/63 tỉnh, thành phố tổ chức học trực tiếp. Cả nước chỉ còn 2 tỉnh, thành phố chưa tổ chức hoặc tạm ngừng học trực tiếp là thành phố Hà Nội và Hà .
Trong khi Hà Nội chưa có lộ trình cụ thể cho việc cho trẻ mầm non đến trường thì hiện nay, theo ghi nhận của phóng viên nhiều nhóm trẻ, cơ sở mầm non hoạt động “chui” dựa trên nhu cầu của phần lớn phụ huynh.
Việc các trường mầm non tạm dừng đóng cửa trong suốt thời gian dài khiến cả phụ huynh và giáo viên tự “cứu cánh” mình bằng cách hoạt động “chui” tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Về vấn đề này, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, Sở đang phối hợp với Sở Y tế chuẩn bị các phương án tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi. Theo chỉ đạo của UBND thành phố, sau khi triển khai tiêm vaccine cho lứa tuổi này đơn vị sẽ lên kế hoạch mở cửa trường trở lại, đảm bảo an toàn cho học sinh.
Tuy nhiên, bác sĩ Trần Đình Huy - Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, không nên đợi tiêm xong vaccine toàn bộ trẻ 5-11 tuổi mới được đến trường. Hà Nội đã qua những ngày đỉnh dịch, đây là thời điểm thích hợp cho trẻ mầm non và tiểu học quay lại trường học.
Theo phân tích của bác sĩ Huy, việc trẻ ở nhà hay tới trường đều chịu những nguy cơ dịch bệnh như nhau vì bố mẹ vẫn phải đi làm và có nguy cơ lây nhiễm cho con. Ngoài ra, không phải phụ huynh nào cũng đồng ý cho con tiêm, vậy nếu không tiêm cho con thì bố mẹ không cho con đi học hay sao? “Vaccine chỉ làm giảm các triệu chứng khi mắc Covid-19 chứ không hoàn toàn ngăn chặn lây nhiễm 100%. Việc mở cửa trường học ở khối mầm non là một hướng đi cần xem xét và áp dụng sớm. Khi nguy cơ lây nhiễm là tương đương nhau thì việc trẻ được học tập, chăm sóc tại trường mầm non sẽ làm giảm các hệ lụy về kiến thức, tâm sinh lý” - bác sĩ Huy nói.
Chỉ Hà Nội chưa cho phép khối mầm non trở lại trường
Chiều 4/4, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, trả lời về phương án, lộ trình cho học sinh, nhất là học sinh mầm non trở lại trường học, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sớm chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương trong việc đưa học sinh sớm trở lại trường. Thời gian qua dịch Covid-19 biến động phức tạp, nhưng đến nay tình hình đã chuyển biến tích cực. “Hiện đã có 92,17% học sinh trở lại trường học. Chiều 4/4, Hà Nội cũng đã công bố cho học sinh trở lại trường học từ ngày 6/4. Như vậy sẽ có 97% học sinh đi học trực tiếp. Đối với khối mầm non, hiện có 62/63 địa phương cho các cháu đến trường, trong đó có 7 tỉnh dừng đi học trực tiếp tại 1 số huyện do tình hình dịch Covid-19 tăng cao. Chỉ trừ Hà Nội chưa cho phép học sinh khối mầm non trở lại trường. Nhìn tổng thể thì đến nay các địa phương đã có biện pháp, thực hiện tốt việc cho các cháu đến trường dù mỗi nơi tình hình dịch bệnh có sự khác nhau. Hiện chỉ còn Hà Nội chưa có kế hoạch cụ thể cho trẻ mầm non đến trường. Cho nên lãnh đạo Hà Nội phải quyết định việc này”- ông Sơn cho hay.
V. Thắng
PGS. TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế:
Thời điểm lý tưởng cho học sinh trở lại trường
Số ca mắc Covid-19 đang giảm mỗi ngày, Hà Nội đã qua đỉnh dịch, là thời điểm lý tưởng cho học sinh mầm non, tiểu học được trở lại trường. Trẻ ở độ tuổi từ 2-5 tuổi là giai đoạn phát triển trí tuệ. Trẻ cần phải được tiếp xúc xã hội, tiếp xúc bạn bè, được chạy nhảy, hát ca. Nếu cứ mãi nhốt trẻ trong nhà, đặc biệt nhiều gia đình, người lớn đi làm, trẻ chỉ ở nhà một mình trong 4 bức tường thì hậu quả sẽ khôn lường. Về mặt tâm lý, trẻ sẽ dễ mắc bệnh tự kỷ hoặc rơi vào thế giới ảo vì tiếp xúc quá nhiều với máy vi tính, điện tử khiến não bộ hình thành một giới lệch lạc, không giống như đời thực, dễ dẫn đến những hành động sai lầm. Về mặt thể chất, ở tuổi này, trẻ không được đi lại, vận động sẽ ảnh hưởng lớn tới phát triển thể chất. Các em cũng không được học những kỹ năng cơ bản cần phải có.
Nhiều người vẫn đang lấy lý do con chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19 nên chưa muốn cho trẻ đến trường. Nhưng không có gì đảm bảo là con ở nhà là không bị mắc bệnh vì hiện nay, người lớn đi làm, đi chơi, tiếp xúc với nhiều người lạ là nguồn lây chính cho các con. Hơn nữa, trẻ con mắc Covid-19 thường có triệu chứng nhẹ, cha mẹ không nên quá lo lắng.
Việc đến thời điểm này, TP Hà Nội vẫn chưa có lộ trình cụ thể mở cửa trường học ở bậc mầm non và tiểu học, tôi cho rằng, thành phố đang thụ động trong việc tìm ra các phương án bảo đảm an toàn phòng, chống dịch khi trẻ đến trường sau thời gian dài. Đây là trách nhiệm với xã hội, với thế hệ tương lai nên thành phố cần nhanh chóng có phương án cho trẻ mầm non và tiểu học được đến trường càng sớm càng tốt.
Bên cạnh đó, cần xây dựng các biện pháp phòng, chống dịch. Với các cơ sở mầm non, khi trẻ trở lại trường, lớp học luôn luôn phải được vệ sinh sạch sẽ, tẩy trùng hàng ngày, mở cửa sổ thông thoáng, cho các em ăn uống đủ chất, tiếp xúc ánh nắng mặt trời, tăng cường vận động ngoài trời, dạy các em múa hát. Khi phát hiện lớp học có trường hợp ho, sốt không rõ nguyên nhân, nhà trường liên hệ gia đình để cho các em nghỉ học ở nhà để theo dõi sức khỏe.
N. HOÀI(ghi)