Tư duy và cách tiếp cận giáo dục của nhiều nước phát triển trên thế giới khác xa với phương pháp giáo dục của Việt Nam. Với họ, không có học sinh dốt, chỉ là các em chưa lựa chọn đúng năng khiếu, sở trường của bản thân mà thôi.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, việc đề cao trường chuyên, lớp chọn là đi ngược với xu thế giáo dục của thế giới.
Điều đó có nghĩa, chúng ta đang đánh đồng rồi “nhốt” tất cả học sinh trong một cái “lồng” kiến thức chung, chưa biết cách động viên, khơi dậy và khuyến kích các em phát huy đúng năng lực, thế mạnh riêng của bản thân.
Lâu nay, cả xã hội đều có chung quan niệm: Tiếp thu kiến thức yếu có nghĩa là học sinh dốt, đạt được nhiều điểm cao có nghĩa là học sinh giỏi. Chính vì thế, cách tiếp cận giáo dục của Việt Nam nhiều năm qua cũng theo lối mòn đó.
Từ nhà trường cho đến các bậc phụ huynh đều muốn áp đặt ý chí chủ quan là phải làm sao đó để có thể “nhồi” hết khung chương trình đã định sẵn vào đầu học sinh, không cần biết các em thu được cái gì.
Và đương nhiên, khi có một số học sinh nào đó trong quá trình bị “nhồi” mà kiến thức văng ra ngoài quá nhiều thì sẽ bị khu biệt thành học sinh yếu, kém. Khi đã có sự phân biệt học sinh giỏi, học sinh dốt, tất nhiên sẽ hình thành tư duy thành lập trường chuyên, lớp chọn.
Trên danh nghĩa thành lập trường chuyên, lớp chọn là để “nâng cao” hơn nữa “sức học” của học sinh, nhưng thực chất chỉ là căn bệnh thành tích mà thôi.
Trong thế giới này, kiến thức là vô cùng vô tận, không ai có thể vỗ ngực rằng bản thân đã biết tất cả. Vì thế, mỗi người phải thường xuyên trau dồi, bổ sung kiến thức trong cả cuộc đời.
Có những kiến thức vào thời điểm này người ta chưa lĩnh hội được, nhưng ai dám chắc cả đời người đó sẽ không thể tiếp thu? Có thể đơn cử ngay ví dụ, có người học vật lý rất “dốt”, nhưng sau đó anh ta lại trở thành một thợ điện rất giỏi.
Chẳng phải trong lịch sử nhân loại, có một số nhà bác học nổi tiếng bởi những phát minh khoa học tạo ra sự đột phá trong đời sống xã hội, nhưng tiền sử học hành lại chẳng đâu vào đâu đó sao? Thời còn đi học, Thomas Edison luôn bị đội sổ trong lớp và bị thày cô đánh giá là điên khùng.
Họ cho rằng cậu học trò này không nên ngồi học lâu hơn. Ấy thế mà sau đó Edison lại phát minh ra đèn điện, rọi ánh sáng văn minh khắp thế giới.
Hay như thiên tài Albert Einstein chẳng hạn. Thủa thiếu thời, Einstein không hề có biểu hiện gì nổi trội, thậm chí bị cho là phát triển trí tuệ rất chậm. Khi còn cắp sách tới trường, sức học của Einstein rất kém, đuối hơn nhiều so với các bạn bè khác.
Thầy Hiệu trưởng ngôi trường Einstein theo học đã quả quyết rằng, lớn lên cậu sẽ chẳng làm được gì cho đời. Thực tế lại ngược lại, Einstein đã trở thành vĩ nhân nổi tiếng thế giới.
Nhắc tới Thomas Edison, Albert Einstein, hay Issac Newton... một số người sẽ không phục, cho rằng các thiên tài ở thời cách chúng ta quá xa, lấy gì minh chứng hồi nhỏ họ học dốt. Vậy thì lấy ngay ví dụ về một nhân vật ở thế kỷ 20, đó là thiên tài Steven Jobs - cựu CEO của Hãng Apple, mới mất cách đây vài năm. Khi còn đi học, Steven Jobs thường xuyên bị trường trả về nhà hết lần này đến lần khác. Nếu ở ta, ông chính là “học sinh hư”.
Từ các học sinh hư, học sinh dốt, Thomas Edison, Albert Einstein, hay Steven Jobs... bỗng trở thành những bộ óc vĩ đại của nhân loại. Điều đó cho thấy tư duy phân biệt học sinh giỏi, học sinh kém, thành lập trường chuyên, lớp chọn là hoàn toàn sai lầm.
Cũng có thể một số học sinh tiếp thu văn hóa không tốt, nhưng chúng lại có những năng khiếu bẩm sinh khác vượt trội mà nhiều em cùng trang lứa không có được như thể thao, âm nhạc, hội họa...
Tôi có một đứa cháu trai gọi bằng cậu. Khi học phổ thông, cháu luôn bị thầy cô coi là “dốt đặc cán mai”, may mắn lắm mới có thể học hết cấp 2 (THCS). Ấy vậy nhưng cháu lại rất có năng khiếu về thể thao, nhất là võ thuật.
Chỉ trong một thời gian không lâu, cháu nhanh chóng đạt đến trình độ huyền đai nhị đẳng Karatedo, trong khi các bạn cùng trang lứa để đạt được đẳng cấp này phải mất đến hàng chục năm, thậm chí còn hơn.
Kể dông dài một chút để độc giả thấy rằng, mọi học sinh đều như nhau, không có cái sự giỏi – dốt, chỉ là vấn đề cha mẹ, nhà trường và xã hội đã biết đánh thức tiềm năng của chúng hay chưa mà thôi. Khi mà giáo dục còn theo lối “dàn hàng ngang” cùng tiến, chúng ta sẽ còn thực trạng thừa “thày” (tốt nghiệp đại học, cao học), thiếu thợ (lành nghề).
Mà ngay cả những người được coi là “thày”, thậm chí không phải ai cũng có “một bụng chữ”, đôi khi chỉ là tự thoa son trát phấn bằng những thứ bằng cấp đó mà thôi.