Theo ông Lê Huy Hoàng - Chủ biên Chương trình GDPT 2018 môn Công nghệ, Tổng Chủ biên sách giáo khoa môn Công nghệ, Bộ sách Kết nối tri thức, học sinh muốn học đại học, cao đẳng các ngành, lĩnh vực về kỹ thuật, công nghệ thì rất cần lựa chọn học và thi môn Công nghệ.
Từ năm 2025, thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT sẽ thi 2 môn bắt buộc, gồm: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, công nghệ.
Như vậy, môn Tin học, Công nghệ, Giáo dục kinh tế và pháp luật lần đầu tiên được đưa vào môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Chờ đợi phương án tuyển sinh của các trường đại học
Để phù hợp với việc đổi mới trong số môn thi, hình thức thi, nhiều trường đại học đã có điều chỉnh về tổ hợp xét tuyển trong mùa tuyển sinh 2025.
Với môn Công nghệ, hiện đã có trường thông tin dự kiến thêm mới tổ hợp môn có môn học này.
Đơn cử như Trường Đại học Sư phạm TPHCM, một trong những thay đổi quan trọng trong dự kiến đề án tuyển sinh năm 2025 của nhà trường là điều chỉnh tổ hợp xét tuyển để phù hợp theo các môn thi tốt nghiệp THPT, đồng thời duy trì các tổ hợp xét tuyển của năm 2024.
Theo nhà trường, trường sẽ điều chỉnh các tổ hợp không còn phù hợp như loại bỏ các tổ hợp có bài thi Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội… thêm mới các tổ hợp có môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.
Tuy nhiên, ghi nhận tại thời điểm này, chỉ có một vài trường công bố phương án tuyển sinh năm 2025 với dự kiến điều chỉnh tổ hợp xét tuyển.
Việc này sẽ có tác động tới việc lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT của thí sinh. Bởi hiện tại, nhiều học sinh lớp 12 cho biết, các em đang chờ phương án tuyển sinh của các trường đại học để lựa chọn thi tốt nghiệp các môn học mới.
Tại Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), đa phần học sinh chỉ lựa chọn các môn học theo khối truyền thống như trước kia để ôn tập và không chọn môn Công nghệ để làm định hướng khối ngành cho mình.
Theo bà Nguyễn Bộ Quỳnh - Hiệu trưởng nhà trường, việc lựa chọn như vậy là dễ hiểu bởi các em cần những dữ liệu đã có từ những kỳ thi trước để định hướng cho bản thân. Có thể đến những năm học sau, khi các trường đã có phương án tuyển sinh, học sinh mới quyết định lựa chọn những môn thi mới.
Môn Công nghệ chưa được coi trọng đúng tầm
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Huy Hoàng - Chủ biên Chương trình GDPT 2018 môn Công nghệ, Tổng Chủ biên sách giáo khoa môn Công nghệ, bộ sách Kết nối tri thức đánh giá, môn Công nghệ trong Chương trình 2006 không được tổ chức thực hiện theo đúng mục đích, yêu cầu của chương trình.
Vì thế, ấn tượng về môn học mờ nhạt và ít được coi trọng. Điều này dẫn tới những nhận định tiêu cực, không đúng về vai trò, vị trí quan trọng của môn Công nghệ thuộc Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Từ đó có thể thấy, những băn khoăn, lo lắng của học sinh, giáo viên và cả phụ huynh khi chọn môn học này thi tốt nghiệp THPT cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, theo ông Lê Huy Hoàng, lo lắng trên cũng phản ánh thực tế, thầy cô, nhà trường, xã hội vẫn chưa nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí quan trọng, những điểm mới trong nội dung, định hướng nghề nghiệp của môn Công nghệ trong chương trình mới, nhất là ở cấp THPT.
Ông Hoàng phân tích, trong chương trình mới, môn Công nghệ được thiết kế dành cho các em học sinh có xu hướng lựa chọn nghề nghiệp trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ. Nghĩa là, các em học sinh muốn học đại học, cao đẳng các ngành, lĩnh vực về kỹ thuật, công nghệ thì rất cần lựa chọn học và thi môn Công nghệ.
Ông Hoàng cũng cho biết, đề thi minh họa môn Công nghệ mà Bộ GDĐT đã công bố được nhiều giáo viên, nhà khoa học đánh giá phản ánh được tư tưởng cốt lõi của môn học.
Với nội dung học tập và thi như vậy, việc học tốt môn Công nghệ ở phổ thông sẽ giúp cho học sinh có tri thức, năng lực nền tảng phù hợp và ý nghĩa nhất khi các em theo học các ngành kỹ thuật, công nghệ tại cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Đây cũng là điểm mới rất có ý nghĩa để các trường đại học đưa môn Công nghệ vào tổ hợp xét tuyển thời gian tới đây.
Với học sinh yêu thích môn Công nghệ, ông Hoàng đưa lời khuyên: “Các em nên mạnh dạn lựa chọn học và thi môn học này. Bởi theo chất lượng và nhiều ý kiến đánh giá tốt về đề thi minh họa môn Công nghệ, các cơ sở giáo dục đại học sẽ có những điều chỉnh tổ hợp môn thi, trong đó có môn Công nghệ”.