Nhiều mùa tuyển sinh trở lại đây, các nhóm ngành khoa học công nghệ nhận được nhiều quan tâm. Trong đó các nhóm ngành đào tạo nổi bật là Công nghệ thông tin (CNTT), Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử,…
Tự động hóa nhiều người lựa chọn
Mùa tuyển sinh năm nay, nhiều thí sinh quan tâm đến một số ngành liên quan đến tự động hoá.
Theo TS Ngô Trí Dương, Trưởng Bộ môn Tự động hóa (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), trong số các ngành học thuộc khối kỹ thuật, thì Điều khiển và Tự động hóa được đánh giá ngành học nâng tầm cuộc sống. Đây là ngành có nhu cầu tuyển dụng cao, vì các hệ thống điều khiển và tự động hóa có mặt trong mọi dây chuyền sản xuất, ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế như: công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải… Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa là ngành học ứng dụng các kỹ thuật về Cơ - điện tử, kỹ thuật điều khiển và kỹ thuật máy tính vào việc vận hành và điều khiển quá trình sản xuất. Người học được đào tạo chuyên sâu về các phương pháp và kỹ thuật được sử dụng trong các hệ thống điều khiển tự động, nghiên cứu các thuật toán điều khiển hiện đại, sử dụng các bộ điều khiển, cơ cấu chấp hành kết nối lại tạo thành một hệ thống nhằm mục đích tự động hóa các quy trình công nghệ sản xuất.
TS Dương chia sẻ, xã hội đang đứng trước nguy cơ thừa nguồn nhân lực thuộc khối ngành kinh tế- xã hội, thì ngành Điều khiển và Tự động hóa là một trong những lựa chọn hàng đầu dành cho các bạn trẻ đam mê khoa học công nghệ. Quan trọng hơn, là tìm cho mình một công việc phù hợp và không ngừng phát triển.
Vẫn thiếu hụt nhân lực ngành “hot”
Theo dự báo và phân tích về 3 nhóm ngành công nghệ đang dẫn đầu xu hướng tại Việt Nam cũng như các quốc gia đang phát triển thì CNTT là top 3 ngành học có mức lương cao nhất tại Việt Nam hiện nay. Tiếp đó là ngành Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử – bắt kịp xu hướng tuyển dụng của các doanh nghiệp FDI. Kế đến là ngành Công nghệ sinh học - ngành mũi nhọn của Việt Nam trong thế kỷ 21.
Nhằm tăng cường nguồn nhân lực cho các ngành mũi nhọn như CNTT và du lịch, Chính phủ đã cho phép các trường ĐH đủ năng lực được đào tạo hệ ĐH chính quy theo cơ chế đặc thù. Đây được xem là hướng đi đúng đắn trong việc hướng đến định hình nguồn nhân lực đáp ứng cuộc cách mạng 4.0.
Thực tế cho thấy, ngành CNTT tại Việt Nam đang thiếu hụt trầm trọng số lượng lao động đặc biệt là nguồn lao động chất lượng cao. Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, mỗi năm ngành CNTT cần khoảng 80.000 - 100.000 nhân lực. Trong khi đó, số sinh viên CNTT tốt nghiệp chỉ ở mức 30.000 người/năm.
TS Đàm Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Phú Xuân (Thừa Thiên - Huế) cho biết: Nhà trường vừa ký kết chiến lược trong đào tạo nguồn nhân lực CNTT với UBND tỉnh, các doanh nghiệp CNTT địa phương. Theo tính toán của nhà trường, để đảm bảo nguồn nhân lực 10.000 người trong lĩnh vực CNTT như mục tiêu của tỉnh đề ra vào năm 2025, đầu vào ngành CNTT và các ngành phụ trợ phải đạt quy mô 2.000 - 3.000 sinh viên/năm, trong đó sinh viên chuyên ngành CNTT cần khoảng 1.500 sinh viên/năm. Tuy nhiên, con số này hiện mới đạt 350 sinh viên, chưa đáp ứng được nhu cầu lớn nhân lực nhóm ngành CNTT cho tỉnh. Vì vậy, trong thời gian tới, trường sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thu hút người học, cũng như đẩy mạnh chương trình chuyển đổi đào tạo nghề lập trình viên cho sinh viên có nhu cầu.
Nguyên nhân chính của sự thiếu hụt lao động trong ngành này là do sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0 khiến nhu cầu tuyển dụng của các tổ chức và doanh nghiệp cho các vị trí CNTT ngày càng cao. Báo cáo từ VietnamWorks, trang tuyển dụng hàng đầu Việt Nam cho thấy, trong 10 năm trở lại đây nhu cầu tuyển dụng của ngành này đã tăng gấp 4 lần…
Nhiều cơ hội việc làm
Theo thống kê về nhu cầu nhân lực nhóm ngành CNTT và du lịch của TP HCM giai đoạn 2020 - 2025 (Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM - FALMI), mỗi năm thành phố cần khoảng 280.000 - 320.000 việc làm (trong đó, lao động có trình độ ĐH chiếm 13%, CĐ chiếm 15%, trung cấp chiếm 35%, sơ cấp nghề 20%).
Ông Đỗ Thanh Vân, Phó Giám đốc phụ trách FALMI cho rằng, ngay cả khi dịch Covid-19 qua đi, thị trường lao động thành phố được dự báo rất khó để trở về như cũ, số người thất nghiệp, bị mất việc sẽ phải tìm việc làm mới. Tuy vậy, chắc chắn nhu cầu tuyển dụng nhân lực khối ngành CNTT sẽ tăng trưởng mạnh trong bối cảnh nền kinh tế số và sự bùng nổ của các sàn thương mại điện tử.
Với mức thu nhập và nhu cầu tuyển dụng đang ngày càng tăng cao, CNTT hứa hẹn sẽ là một trong những ngành học thu hút nhiều sinh viên trong những năm tiếp theo.
Mặc dù đây là ngành học hot, nhưng các bạn sinh viên lưu ý việc mình có phù hợp với ngành hay không. Với các bạn muốn theo đuổi ngành CNTT cần có tư duy nhạy bén, logic, làm việc độc lập sáng tạo và khả năng tiếp cận công nghệ mới. Đặc biệt, với ngành CNTT, việc sở hữu ngoại ngữ tốt sẽ là lợi thế lớn giúp các bạn nhanh chóng nắm bắt được công nghệ mới cũng như dễ dàng xử lý nghiệp vụ trong quá trình làm việc.