Chọn ngành trước khi chọn trường

Thu Hương 17/06/2023 07:20

Thực tế, qua các mùa tuyển sinh cho thấy có những thí sinh đăng ký rất nhiều nguyện vọng, mỗi nguyện vọng lại thuộc các lĩnh vực khác nhau như sư phạm, kỹ thuật, kinh tế... Điều này cho thấy thí sinh vẫn chưa xác định được mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai, thể hiện sự lúng túng trong việc chọn ngành học phù hợp.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Sai lầm khi chọn ngành

Đâu là ngành nghề phù hợp với bản thân là câu hỏi được nhiều sĩ tử đặt ra trước ngưỡng cửa vào đời. Dẫu biết rằng, không phải chọn ngành nào cũng có nghĩa sẽ theo đuổi, gắn bó với công việc đó suốt đời, nhưng nhìn chung để không lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc của bản thân và gia đình, việc chọn ngành, chọn trường vẫn nên được cân nhắc kỹ ở tất cả các khía cạnh đam mê, năng lực, sự phù hợp và hoàn cảnh gia đình để đưa ra quyết định chính xác nhất ở thời điểm này.

Chọn ngành học tức là chọn tương lai gắn với nghề nghiệp đó, nghề sẽ nuôi sống bản thân sau này. Còn chọn trường học đào tạo ngành nghề đó thì phải phù hợp với năng lực của người học, tức là có khả năng thi đỗ hay không? Trường đó có phù hợp với điều kiện của người học hay không, chẳng hạn về điều kiện học phí… Thí sinh cần đặt ra và trả lời tất cả những câu trả lời này một cách rõ ràng để xác định chính xác nguyện vọng của mình.

Kinh nghiệm mở rộng ngành học

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh chỉ ra, một trong những sai lầm khi chọn ngành, chọn nghề của học sinh là quan niệm muốn làm một ngành thì bắt buộc phải học đại học (ĐH) có tên ngành ấy, chẳng hạn làm ngân hàng thì phải học “ngành ngân hàng”? Trong khi đó, một ngân hàng thường sẽ cần rất nhiều bộ phận khác nhau từ tài chính, kế toán, quản trị, công nghệ thông tin... Khi chọn các ngành học không có tên “ngân hàng”, bạn cũng có thể làm cho ngân hàng. Tương tự, dù học ngành kế toán nhưng vẫn có thể làm việc trong trường học, bệnh viện,… Vì vậy, chọn ngành học tức là chọn công việc thí sinh dự định sẽ gắn bó suốt đời còn môi trường làm việc cụ thể sẽ phụ thuộc vào quá trình tìm kiếm việc làm cũng như khả năng thích ứng của người học với môi trường đó.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, có những thí sinh đặc biệt yêu thích một ngôi trường nào đó nhưng ngành học đó ở trường này lại lấy điểm rất cao, thậm chí là cao nhất nên cơ hội đỗ sẽ khó khăn hơn. Khi đó, các em có thể tìm hiểu thêm những nhóm ngành nghề tương đối gần nhau để có thêm các lựa chọn.

Một kinh nghiệm khác, đó là các thí sinh cần tìm hiểu kỹ về chương trình đào tạo của các trường, cùng một tên gọi nhưng mỗi trường có chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra khác nhau. Chẳng hạn, ngành công nghệ ô tô hiện nay có rất nhiều trường đào tạo, từ hệ trung cấp, cao đẳng đến ĐH. Sự khác nhau giữa các trường này ra sao? Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp của các trường là gì? Thí sinh có thể tìm hiểu từ đề án tuyển sinh các trường đã công bố, thông tin từ website, phòng tuyển sinh và những sinh viên đã và đang theo học tại các trường này để có lựa chọn sáng suốt nhất.

Trên thực tế, nhiều nhà tuyển dụng cho biết, bằng cấp chỉ mang tính tham khảo trong quá trình lựa chọn ứng cử viên. Giữa hàng trăm hồ sơ cùng ứng tuyển vào một vị trí, bằng cấp thể hiện người học tốt nghiệp chuyên ngành nào, trường nào, kết quả ra sao có thể giúp ứng viên qua vòng sơ loại, nhưng không mang ý quyết định người đó có được nhận vào làm việc hay không mà do kỹ năng, kiến thức, thái độ quyết định việc được tuyển dụng. Vì vậy, việc chọn ngành, chọn trường cần được ưu tiên đồng thời người học cũng cần có mục tiêu, nỗ lực học tập từ ngắn hạn đến dài hạn để phát triển bản thân thích ứng với công việc và môi trường làm việc cụ thể.

Với các thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng trước mắt, các chuyên gia đưa ra lời khuyên, cần chuẩn bị tâm thế thật tốt cho kỳ thi dù thí sinh có xác định xét tuyển vào ĐH, cao đẳng bằng phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT hay không. Kể cả thí sinh đã trúng tuyển vào trường theo phương thức xét tuyển sớm cũng không được chủ quan trong kỳ thi này vì cần điều kiện đủ là tốt nghiệp THPT mới đỗ vào ĐH. Ngoài ra, với lợi thế xét tuyển ĐH không bị giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký, thậm chí được thay đổi nguyện vọng nhiều lần nên thí sinh có thể cân nhắc thêm các cơ hội nguyện vọng khác ở các ngành, các trường có điểm chuẩn cao hơn so với dự đoán ban đầu.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định, thí sinh cần phải chọn ngành trước khi quan tâm tới việc chọn trường nào. Bởi, khi đã xác định được ngành nghề sẽ theo đuổi, cống hiến, tâm huyết với nó thì sẽ tạo ra được động lực để thực hiện ước muốn. Tiếp theo sau đó mới lựa chọn trường phù hợp trong các trường đào tạo ngành nghề đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chọn ngành trước khi chọn trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO