Ngày 16/7, thí sinh sẽ biết điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 và bắt đầu đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đến trước 17 giờ ngày 28/7. Việc lựa chọn ngành nghề cần được cân nhắc kỹ lưỡng, bởi đây là quyết định có thể định hình con đường học tập và sự nghiệp sau này.
Nguyên tắc chọn ngành học
Xã hội hiện đại với vô vàn công việc, ngành nghề khác nhau. Học sinh sau THPT đang đứng trước nỗi băn khoăn về việc chọn nghề gì để theo học ở bậc đại học, cao đẳng. Nhưng đây là câu hỏi không dễ trả lời bởi trong thực tế, có những người ở tuổi 40 vẫn loay hoay trong việc tìm kiếm công việc yêu thích và phù hợp với khả năng của mình. Nên bắt đầu từ đâu để xác định ngành nghề sẽ theo đuổi trong tương lai?
PGS.TS Phạm Mạnh Hà (ĐH Bách khoa Hà Nội), chuyên gia tư vấn hướng nghiệp nêu lý thuyết chọn lựa nghề nghiệp lý tưởng phải có sự đan xen giữa đam mê, nhu cầu và năng lực. Chọn cái gì mình giỏi nhất, cái gì làm ra tiền và cái gì mình thích nhất, đó là lựa chọn tốt nhất. Đó là lý thuyết, còn thực tế giữa hàng vạn ngành nghề khác nhau trong xã hội, người học nên lựa chọn lĩnh vực, công việc nào?
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, trước hết học sinh cần căn cứ vào năng lực của mình để lựa chọn lĩnh vực phù hợp. Các nhóm năng lực tương ứng với lĩnh vực nghề nghiệp cụ thể, chúng ta phải biết mình có năng lực gì. Từ đó, những nghề nghiệp nào mình làm được. Trên cơ sở xác định được nhóm nghề phù hợp với năng lực, tìm ra nghề mình thích nhất để lựa chọn học tập. Các lĩnh vực ngành nghề đang thu hút nhiều nguồn nhân lực là nhóm kỹ thuật, công nghệ; thương mại tài chính, quản trị kinh doanh; dịch vụ truyền thông, du lịch, khách sạn, chăm sóc sức khỏe, thời trang, thương mại; công việc liên quan hành chính, an ninh, quân đội, tòa án, làm việc ở các cơ quan công quyền; công việc liên quan đến nghệ thuật như ca hát, nội thất…; lĩnh vực liên quan giáo dục, y tế, nghiên cứu.
Chuyên gia lấy ví dụ nếu một người có khả năng liên quan sửa chữa, lắp ráp, vận hành thiết bị máy móc, có thể làm tốt công việc liên quan đến kỹ thuật, công nghệ, công nghệ thông tin, sản xuất trực tiếp… Với người có năng lực tư duy logic, học giỏi toán thì chọn nghiên cứu, giáo dục, y học, công nghệ, thương mại, tài chính, đầu tư, sản xuất kinh doanh…Tuy nhiên, bên cạnh việc có năng lực thi sở thích cũng rất quan trọng bởi đó là nghề nghiệp sẽ gắn bó lâu dài với mỗi người. Nếu không có sự yêu thích thì làm việc sẽ rất nhàm chán, không thoải mái, khó đạt thành tựu lớn.
Trong bối cảnh thí sinh chưa biết điểm thi, thời gian này có thể tìm hiểu kỹ về từng nhóm ngành, nhìn nhận thấu đáo xem mình thích nghề nghiệp nào, tương lai mình thích làm công việc gì, môi trường làm việc ra sao sau đó căn cứ vào điểm thi, phổ điểm Bộ GDĐT công bố để lựa chọn đăng ký nghề nghiệp yêu thích phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và đam mê của mình.
Sắp xếp nguyện vọng hợp lý
Năm nay thí sinh không cần đăng ký phương án xét tuyển mà chỉ cần nhập nguyện vọng, hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GDĐT sẽ tự động xác định phương án xét tuyển tối ưu cho từng nguyện vọng. Như vậy, vấn đề lớn nhất của thí sinh đó là sắp xếp thứ tự nguyện vọng các ngành, các trường sao nguyện vọng mình yêu thích nhất ở vị trí đầu tiên, tiếp sau nữa mới đến các ngành ít yêu thích hơn.
Theo ThS. Cù Xuân Tiến - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM), thí sinh có thể chia thành 3 nhóm để đăng ký nguyện vọng bao gồm nhóm ngành có điểm chuẩn cao hơn năm trước, nhóm ngành có điểm chuẩn tương đương năm trước và nhóm ngành có điểm chuẩn thấp hơn. Chiến thuật này giúp thí sinh đảm bảo cơ hội trúng tuyển nếu không được xét tuyển vào các nguyện vọng ưu tiên trước đó. Mỗi nhóm nên có từ một vài nguyện vọng, đồng thời tham khảo điểm chuẩn các năm trước và phổ điểm năm nay để ước lượng, phân nhóm phù hợp, tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành mong muốn.
Với việc biến động điểm chuẩn ở năm đầu tiên thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các chuyên gia tuyển sinh cảnh báo thí sinh cần chú ý theo dõi thông tin cập nhật từ các trường để có sự lựa chọn chính xác, đặc biệt chú ý đến các tiêu chí phụ (nếu có) của nhà trường đưa ra để tránh đăng ký vào những ngành không đủ điều kiện xét tuyển. Nếu đáp ứng đủ yêu cầu trường đưa ra, các em hãy mạnh dạn đăng ký và sắp xếp ngành yêu thích nhất đó ở vị trí ưu tiên cao nhất thay vì tâm lý sợ không đỗ, sợ cạnh tranh cao. Tuy nhiên, không nên đăng ký chỉ vì đó là ngành hot hay đăng ký theo bạn bè, theo mong muốn của bố mẹ mà không có sự tìm hiểu kỹ càng về ngành học, môi trường học tập để sau khi đỗ vào trường mới thấy không phù hợp, lãng phí cơ hội.