Theo chuyên gia, điểm chuẩn, danh tiếng, vị trí xếp hạng, số lượng học sinh đỗ đại học... là tiêu chí định lượng để học sinh cân nhắc chọn trường cho con nhưng những tiêu chí này chỉ là một phần.
Chiều 11/5, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm "Chọn trường cho con: Một khởi đầu đúng, cả hành trình an tâm".
Sự kiện do Trường THPT Trí Đức tổ chức với sự tham gia của 2 diễn giả: PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý, giáo dục Việt Nam khóa VII; ThS Chu Thị Hiên, Hiệu trưởng Trường THPT Trí Đức.
Tại toạ đàm, các diễn giả đã giải đáp các thắc mắc của phụ huynh, học sinh, hỗ trợ đưa ra lựa chọn phù hợp trong bối cảnh học sinh lớp 9 đang nỗ lực chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với nhiều thay đổi về cách ra đề thi, kiến thức cũng như quy chế thi.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, bậc THPT là một trong những giai đoạn quan trọng để các em hình thành nhân cách, phát triển năng lực. Vì vậy, một môi trường học tập phù hợp là rất quan trọng để giúp học sinh khai phá khả năng bản thân.
Khẳng định tầm quan trọng của việc hướng nghiệp với học sinh THPT, PGS.TS Trần Thành Nam nhận định, hướng nghiệp không phải là chọn 1 nghề mà là cả sự nghiệp tương lai nên ngoài hướng nghề còn hướng học. Vì thế khi chọn trường, phụ huynh, học sinh cần xem xét triết lý giáo dục của trường. Tiếp đó là xem xét đến triển khai triết lý đó trong chương trình của trường như thế nào. Bởi ngoài các yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo với các trường, đây là yếu tố thặng dư của từng ngôi trường.
Văn hóa trong trường cũng là yếu tố quan trọng được thể hiện trong mối quan hệ giữa thầy với trò. Ngoài ra, các trường có thêm các câu lạc bộ, chương trình đào tạo kỹ năng mềm cho học sinh cũng là điểm cộng để phụ huynh, học sinh có thể cân nhắc khi chọn trường.
Hiểu được những lo lắng của phụ huynh trong việc chọn trường cho con, bà Chu Thị Hiên, Hiệu trưởng Trường THPT Trí Đức chia sẻ, chọn trường THPT cho con là băn khoăn của rất nhiều phụ huynh. Đặc biệt môi trường giáo dục của các nhà trường khi môi trường không chỉ bó hẹp trong quan hệ thầy trò mà cả những mối quan hệ khác, nhất là học sinh THPT đang ở độ tuổi muốn chứng minh khả năng mà chưa có suy nghĩ chín chắn, dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài.
Thông tin về Trường THPT Trí Đức, ThS.Chu Thị Hiên cho biết, Trường được TP Hà Nội chỉ đạo kiểm định chất lượng giáo dục toàn diện đợt đầu tiên, đã xếp loại cấp độ III (cấp độ cao nhất, đạt 43/46 tiêu chí); được công nhận trường chuẩn Quốc gia đợt sớm nhất của Thủ Đô; trong top 30 trên hơn 300 trường THPT có chất lượng giáo dục mạnh nhất Hà Nội và là 1 trong 6 trường THPT nội trú tốt nhất Việt Nam.
Bà Chu Thị Hiên cho rằng, để học sinh sẵn sàng cho một môi trường giáo dục, nhà trường tổ chức cho cả học sinh và phụ huynh được trực tiếp trải nghiệm môi trường giáo dục tại trường.
Cùng với những câu chuyện thực tế, trường có phân tích để phụ huynh, học sinh hiểu là khi vào học, trẻ cần có những mục tiêu gì cho tương lai, cả mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, cần ưu tiên mục tiêu nào trước, cần làm gì, làm như thế nào để thực hiện mục tiêu...