Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại các tỉnh phía Nam. Để phòng, chống Covid-19, nhiều địa phương đã thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ giãn cách xã hội, hạn chế lây lan trong cộng đồng.
Cùng với việc “siết chặt bên trong” thì những tỉnh biên giới Tây Nam cũng thiết lập “lá chắn” ngăn chặn việc người qua lại biên giới, nhằm kiểm soát chặt chẽ không để nguồn lây từ bên ngoài xâm nhập vào sâu nội địa. Quân với dân một ý chí, đoàn kết, phối hợp cùng chống Covid-19.
Thời tiết khắc nghiệt, điều kiện ăn nghỉ, sinh hoạt, công tác của cán bộ, chiến sĩ trên các tổ, chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19 tuyến biên giới Tây Nam còn nhiều khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, với tinh thần, trách nhiệm với Tổ quốc, vì cuộc sống hạnh phúc, bình yên của nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ trên các tuyến biên giới vẫn kiên cường bám trụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia.
Đại tá Lê Hồng Vương, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Tây Ninh cho biết, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Công an, Quân sự, Dân quân... thường xuyên tuần tra, kiểm soát, không để dịch bệnh lây lan qua biên giới, đảm bảo an ninh trật tự địa bàn. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Bộ đội Biên phòng Tây Ninh luôn nhận được sự hỗ trợ về vật chất, động viên về tinh thần của chính quyền địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm. Những nghĩa cử cao đẹp đó là động lực để cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên khu vực biên giới vững niềm tin, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19.
Trong chuyến khảo sát tỉnh Kiên Giang, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định, các tỉnh Tây Nam Bộ có nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 cao, trong đó có vùng biên giới. Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang, tỉnh có 12 huyện và 3 thành phố có đường biên giới. Tại thời điểm 20/2/2021 được đánh dấu là sự kiện lây nhiễm cộng đồng, thì vẫn có nhiều trường hợp công dân Việt Nam từ Campuchia nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Tất cả các trường hợp nhập cảnh đều được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm.
Còn tại tỉnh An Giang, 5 huyện, thị xã, thành phố có đường biên giới. Đặc biệt huyện An Phú chỉ ngăn cách với Campuchia bởi con sông Bình Di. Một số đối tượng lợi dụng đêm tối dùng xuồng nhỏ bơi sang sông, thậm chí lội qua. Chính vì thế công việc của các chiến sĩ Biên phòng rất nặng nề. Để hoàn thành nhiệm vụ thì phải dựa vào dân, phát động phong trào toàn dân chung sức kiểm soát các nguồn lây dịch Covid-19. Ngay từ khi phát hiện có ca dương tính với SARS-CoV-2 xâm nhập từ bên ngoài vào, chính quyền địa phương cùng các lực lượng hữu quan đã tăng cường các biện pháp bảo vệ.
Nhờ các biện pháp tuyên truyền sâu rộng, liên tục và cụ thể, người dân vùng biên giới tỉnh An Giang rất ý thức được nếu dịch bệnh xảy ra nơi họ ở, họ sẽ bị cách ly nhiều ngày, đời sống sẽ bị xáo trộn nên nghiêm túc thực hiện các biện pháp, yêu cầu địa phương đưa ra. Bên cạnh đó, để có được những thành công trong việc kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19, cùng với việc tăng cường tuần tra kiểm soát ngăn chặn nhập cảnh trái phép thì các lực lượng, chính quyền địa phương phải nhờ vào tai mắt trong dân. Mỗi người dân là một chiến sĩ, khi phát hiện người từ vùng dịch, người lạ xuất hiện tại địa phương, nhân dân báo ngay cho cơ quan chức năng, người có trách nhiệm xử lý.
Thời gian qua, Bộ đội Biên phòng tỉnh Ðồng Tháp đã phối hợp các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát khép kín biên giới, duy trì 100% quân số trực tại các tổ chốt, các đường mòn, lối mở, đóng 17 chốt cố định. Ðồng Tháp thường xuyên tổ chức các đợt giám sát tại khu vực biên giới, xử lý các trường hợp nhập cảnh trái phép... Trong tất cả những cuộc giám sát đều có vai trò của người dân, đặc biệt là những người có uy tín trong cộng đồng.
Tới thời điểm này, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại các tỉnh Tây Nam bộ, trong đó có các tỉnh biên giới. Bài học vô cùng quan trọng được rút ra trong cuộc chiến chống Covid-19 kể từ đầu năm 2020 tới nay chính là bài học dựa vào dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân để cùng chống dịch. Trong cuộc chiến gian nan ấy, mỗi người dân phải là một chiến sĩ, bảo vệ bản thân mình và bảo vệ cộng đồng.
Diễn biến dịch Covid-19 vẫn rất phức tạp, ý thức dựa vào dân, phát huy sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân càng cần phải được phát huy hơn nữa. Cùng đó, việc nhanh chóng tiêm vắc xin trên diện rộng cần phải được đẩy mạnh. Vì trong cuộc chiến đấu với dịch bệnh thì vắc xin là vũ khí vô cùng quan trọng để dập dịch, bảo vệ sức khỏe người dân, để cuộc sống sớm trở lại bình thường.
Tới thời điểm này, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại các tỉnh Tây Nam bộ, trong đó có các tỉnh biên giới. Bài học vô cùng quan trọng được rút ra trong cuộc chiến chống Covid-19 kể từ đầu năm 2020 tới nay chính là bài học dựa vào dân, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân để cùng chống dịch. Trong cuộc chiến gian nan ấy, mỗi người dân phải là một chiến sĩ, bảo vệ bản thân mình và bảo vệ cộng đồng.