Hiện tại, hệ thống hóa đơn điện tử (HĐĐT) của cơ quan thuế đã có hơn 4,3 tỷ hóa đơn. Nếu không quản lý chặt sẽ tạo ra nhiều rủi ro về HĐĐT, nhất là hiện tượng mua bán hóa đơn.
Cảnh báo nạn mua bán hóa đơn
Mới đây, Tổng cục Thuế có công văn gửi cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện rà soát, xử lý thuế đối với các hành vi mua, bán hóa đơn trái pháp luật. Theo đó, có 524 doanh nghiệp (DN) lọt vào tầm ngắm bị giám sát rủi ro trong sử dụng hóa đơn.
Tổng cục Thuế cho biết, đã nhận được công văn của Công an tỉnh Phú Thọ về đề nghị chỉ đạo phối hợp phòng ngừa tội phạm mua, bán trái phép HĐĐT. Cụ thể, trong quá trình điều tra, cơ quan Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện Nguyễn Minh Tú và các cá nhân khác đã thực hiện hành vi mua DN để phát hành hóa đơn, bán cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu, gây thiệt hại ngân sách nhà nước.
Trên thực tế, do mức thu lợi lớn nên hiện tượng chào bán hóa đơn VAT của nhiều ngành nghề, lĩnh vực, DN đăng công khai trên mạng xã hội như: Zalo, Facebook… thậm chí, khi mua hóa đơn còn hỗ trợ đầy đủ các giấy tờ khác có liên quan như: hợp đồng, phiếu thu, phiếu xuất kho, với chi phí mua hóa đơn khống phụ thuộc vào tổng giá trị ghi trong hóa đơn với mức giá khá rẻ. Cụ thể, giá mua hóa đơn dưới 5 triệu chỉ khoảng 60.000- 150.000 đồng/tờ. Với giá trị cao hơn, chi phí được tính theo tỷ lệ phần trăm. Theo đó, hóa đơn trị giá từ 5-15 triệu đồng, chi phí là 4%, giá trị càng cao thì phí xuất khống càng rẻ. Việc định giá chi phí cho một tờ hóa đơn còn phụ thuộc vào thời gian hoạt động của DN xuất hóa đơn, phí xuất hóa đơn của DN lâu năm sẽ cao hơn các DN mới thành lập.
Không chỉ vậy, các đối tượng còn ngang nhiên “ban hành chính sách cộng tác viên” như trích phần trăm giới thiệu với các hóa đơn giá trị cao để tạo cơ hội vươn xa “vòi bạch tuộc” ra khắp cả nước. Cũng trong thời gian gần đây, cơ quan điều tra liên tiếp khởi tố các vụ án mua, bán trái phép hóa đơn với số tiền hàng nghìn tỷ đồng.
Đơn cử như cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Hưng Yên mới khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can trong đường dây điều hành hơn 20 DN “ma” xuất hơn 5.500 hóa đơn, với tổng giá trị lên tới 2.200 tỷ đồng. Các bị can đã mua hơn 20 DN “ma” từ các chủ DN đang muốn giải thể để đăng ký hồ sơ khống nhằm phát hành hóa đơn VAT khống. Từ cuối năm 2020 đến nay, nhóm DN này đã xuất hơn 5.500 hóa đơn với tổng số tiền bao gồm thuế VAT khoảng 2.200 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các DN khác mua, sử dụng hóa đơn trái phép, gây thất thu thuế cho nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Chuyển cơ quan điều tra
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Vũ Chí Hùng cho biết, tình trạng mua, bán hóa đơn không hợp pháp không phải là việc mới phát sinh gần đây. Nhưng từ khi triển khai sử dụng HĐĐT, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế xây dựng và triển khai hệ thống Ứng dụng HĐĐT phát triển công cụ tự động rà soát những DN có hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp. Qua đó, cơ quan thuế sẽ nhận diện chính xác những đối tượng có hành vi mua bán hóa đơn không hợp pháp.
Ông Hùng khẳng định: Với cơ sở dữ liệu lớn về HĐĐT, ngành thuế đã triển khai phân tích nhằm phát hiện, xử lý rủi ro, sử dụng các công cụ rà soát để phát hiện nhanh chóng, kịp thời chuyển sang cơ quan điều tra nếu phát hiện việc mua, bán hóa đơn không hợp pháp.
Thực hiện rà soát các thông tin có nội dung rao bán HĐĐT không hợp pháp tại các nền tảng không gian mạng (facebook, website, zalo,...). Trên cơ sở đó, thu thập thông tin của các tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi bán trái phép HĐĐT tại địa bàn quản lý để truy xuất nguồn gốc của HĐĐT rao bán (tên, mã số thuế, địa chỉ, điện thoại...). Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế, về hóa đơn thì kịp thời xử lý hoặc củng cố hồ sơ, chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định.
Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan chức năng, trường hợp qua thanh tra, kiểm tra hóa đơn xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì thực hiện thu thập tài liệu, củng cố đầy đủ hồ sơ pháp lý, xác minh các dấu hiệu rủi ro và đối chiếu với các quy định của pháp luật để xác định rõ hành vi vi phạm pháp luật để chuyển đến cơ quan công an theo quy định. Trong hồ sơ kiến nghị chuyển cơ quan công an phải nêu rõ hành vi vi phạm, hậu quả thiệt hại, thời gian, địa điểm xảy ra hành vi vi phạm.
Để ngăn chặn tình trạng buôn bán, sử dụng HĐĐT trái pháp luật, ngành thuế sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với Cơ quan điều tra, Bộ Công an để xử lý theo quy định đối với DN bán hóa đơn; truy vết xử lý DN mua hóa đơn và xử lý triệt để tình trạng bao che cho những hành vi vi phạm pháp luật trong sử dụng hóa đơn.
Đồng thời tuyên truyền, phổ biến đến người dân, DN trong việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hợp thức kê khai thuế sẽ bị phạt về hành vi trốn thuế và truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với hành vi bán hóa đơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế kiến nghị, sửa đổi Nghị định về đăng ký kinh doanh, Luật DN phải có quy định theo hướng người đại diện pháp luật phải được xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an.
Tại Chỉ thị số 01/CT-TCT về việc tăng cường các biện pháp rà soát, kiểm tra hóa đơn nhằm ngăn chặn gian lận trong việc sử dụng hóa đơn, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành yêu cầu thủ trưởng cơ quan thuế các cấp trong quá trình giám sát trọng điểm, thanh tra, kiểm tra, nếu xác định người nộp thuế không phát sinh vi phạm thì đưa ra khỏi danh sách giám sát trọng điểm. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thuế, về hóa đơn thì kịp thời xử lý hoặc củng cố hồ sơ, chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định, đồng thời thông báo đến cơ quan Thuế liên quan và tiến hành nhập toàn bộ thông tin lên Ứng dụng xác minh hóa đơn theo quy định.