Giáo dục

Chống sách giả - bài toán của ngành xuất bản

M. Phương 19/12/2023 17:06

Năm 2023, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ phát hành sách giả, sách lậu tại các tỉnh như: Thanh Hóa, Bình Dương, Cà Mau, Quảng Ngãi, Bến Tre… Làm thế nào để có thể ngăn chặn được hoạt động in lậu, phát hành sách giả là một bài toán đối với ngành xuất bản.

Thực trạng nạn sách giả

6ee0246f4da49bfac2b5.jpg
Tại một kho sách bị phát hiện có nhiều sách giáo khoa giả.

Sách giả, sách in lậu từ lâu đã được coi là vấn nạn của ngành xuất bản. Sách in lậu với nhiều chủng loại không đảm bảo chất lượng được bán tràn lan trên các vỉa hè, không gian mạng với giá rẻ làm thiệt hại kinh tế cho các đơn vị làm sách chân chính cũng như gây thiệt hại cho người tiêu dùng, làm thất thu ngân sách, ảnh hưởng đến uy tín của đất nước trên trường quốc tế… Trong lĩnh vực giáo dục, nhiều năm qua, sách giáo khoa, sách tham khảo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) luôn là một trong những loại sách bị làm giả với số lượng lớn.

Theo thống kê sơ bộ của NXBGDVN, từ năm 2010 đến nay, gần 37 triệu bản sách giáo dục và hơn 18 tấn bán thành phẩm sách giáo dục in lậu dở dang đã bị phát hiện và xử lí tại hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Nhiều đợt kiểm tra và phát hiện hành vi in lậu, phát hành sách giáo khoa giả nổi cộm trong cả nước.

Ngày 22/5/2019, tại Hoài Đức (Hà Nội), 47.000 sách giáo khoa và sách bổ trợ các cấp tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, 87.000 đĩa tiếng Anh các loại… làm giả sản phẩm của NXBGDVN được lực lượng chức năng phát hiện. Ngày 12/6/2019, tại Hoài Nhơn, Bình Định, đội liên ngành phòng chống in lậu tỉnh Bình Định đã tạm giữ 72.602 cuốn sách có dấu hiệu in lậu, không có hoá đơn chứng từ hợp lệ bao gồm sách tiếng Anh, tin học, các loại vở bài tập, sách bổ trợ Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông. Tháng 6 năm 2021, Bộ Công an tiến hành kiểm tra phát hiện và bắt giữ hơn 3,2 triệu cuốn sách giáo khoa giả tại Công ty Cổ phần In, Văn hóa truyền thông Hà Nội và Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Phú Hưng Phát. Năm 2022 và 2023 qua kiểm tra đã phát hiện nhiều cửa hàng phát hành sách giáo khoa giả tại Bình Dương, Bến Tre, Quảng Ngãi, Cà Mau, Đồng Nai, Đắc Lắc, Thanh Hóa, Nghệ An…

Điều đó cho thấy tình trạng sách giáo dục của NXBGDVN bị làm giả, in lậu vẫn còn diễn biến phức tạp.

Cần giải pháp đồng bộ

cuc-qltt-hai-duong.jpg
Trưng bày nhận diện sách thật - sách giả tại Hải Dương.

Để khắc phục được tình trạng này, không chỉ đòi hỏi nỗ lực của riêng của ngành Xuất bản mà cần có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và độc giả. Nhận thức được vấn đề này, từ nhiều năm qua, NXBGDVN kết hợp nhiều biện pháp để đấu tranh chống in lậu, phát hành sách giả. Đơn vị cũng đã phối hợp với Bộ Công an và Công an các tỉnh/thành, Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường các tỉnh/thành phố; Thanh tra ngành Thông tin-Truyền thông trong việc cung cấp và xác minh thông tin, cung cấp sách mẫu và hồ sơ pháp lý liên quan đến các sản phẩm trong vụ việc mà tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh xuất bản phẩm lậu để xử lý theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó NXBGDVN cũng chú trọng tuyên truyền nâng cao ý thức bạn đọc về tác hại của sách giả, sách lậu thông qua tổ chức trưng bày nhận diện sách thật, sách giả do Tổng Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lí thị trường Hải Dương, Cục Quản lí thị trường Hà Giang,... tổ chức. Đồng thời, thường xuyên cử cán bộ tham gia hội nghị tập huấn nghiệp vụ phòng chống in lậu, các cuộc hội thảo về chống sách lậu, sách giả.

Các kĩ thuật chống sách giả, sách lậu mới nhất luôn được NXBGDVN áp dụng. Loại tem chống giả Hologram được sử dụng nhiều năm nay đã dần được thay thế bằng tem điện tử và tem công nghệ. Tem công nghệ của NXBGDVN có 5 thông tin và 4 lớp bảo mật giúp xác định được đâu là sách thật, đâu là sách giả.

tem.jpg

Các sách giả chỉ có thể làm tem công nghệ giống về hình thức nhưng thường là dưới lớp nhũ không có mã số hoặc nếu có thì mã số sẽ không thể kích hoạt.

Trong số các sách giáo khoa, sách tham khảo bị in lậu thì sách Tiếng Anh bị làm giả với số lượng nhiều nhất. Sách Tiếng Anh theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở lớp 6, 7, 8, 10, 11 cũng đã bị làm giả. Sách giả thường có nhiều sai sót về nội dung, kiến thức. Chất lượng in, mẫu mã đều không bằng sách thật.

Đối với các sách Tiếng Anh, các tiện ích đi kèm thường có trên kho dữ liệu online. Nếu mua sách giả thì mã số trên tem cào sẽ không thể kích hoạt được kho dữ liệu online, điều này sẽ gây thiệt thòi cho người sử dụng.

sach-gia.jpg
Mã kích hoạt trên sách giả sẽ không sử dụng được.
kichj-hoat-thanh-cong.jpg
Mã kích hoạt của sách thật sẽ kích hoạt thành công.

Thực tế cho thấy, nếu hành vi in lậu, tiêu thụ sách chỉ bị xử phạt tiền đơn thuần thì các đối tượng sẵn sàng chịu phạt để tiếp tục hành vi làm sách giả, sách lậu bởi lợi nhuận thu về lớn hơn rất nhiều so với số tiền bị phạt. Do đó cần tăng cường các hình thức xử phạt để đảm bảo tính răn đe.

Hiện tại, các cơ quan chức năng cũng đã tăng cường phối hợp các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng làm sách lậu, sách giả nói chung cũng như sách giáo dục nói riêng thông qua việc kiểm tra, xử phạt nặng đối với hành vi sản xuất và tiêu thụ sách giả, sử dụng các biện pháp kĩ thuật hiện đại, tăng cường các kênh trao đổi thông tin... và đặc biệt, một yếu tố rất quan trọng là nâng cao ý thức cho người đọc “nói không với sách giả, sách lậu”.

Người tiêu dùng khi phát hiện tình trạng sản xuất và tiêu thụ sách giáo khoa, sách tham khảo giả sản phẩm của NXBGDVN có thể liên hệ Tổng cục Quản lý thị trường qua số điện thoại 1900.888.655 (hoạt động 24/7) hoặc đường dây nóng của NXBGDVN: 0344181018.

Hi vọng với nhiều biện pháp đồng bộ được triển khai tích cực, nạn sách giả sách lậu sẽ được ngăn chặn triệt để.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống sách giả - bài toán của ngành xuất bản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO