Chống thao túng giá sách giáo khoa

Bắc Phong 09/08/2023 10:00

Ngày tựu trường năm học mới đã đến gần thì câu chuyện sách giáo khoa (SGK) lại bùng lên. Việc phụ huynh có con học lớp 4, lớp 8 và lớp 11 phải “lùng” mua SGK do những lớp này năm nay bắt đầu học SGK mới, cho đến giá SGK... và cả chuyện đề nghị thiết kế thêm 1 bộ SGK nữa mang tính quốc gia, lại càng khiến xã hội băn khoăn.

Một chương trình - nhiều SGK là một chủ trương lớn đã được quy định trong Luật Giáo dục. Ở đây không nói đến chương trình mà chỉ xin nói đến SGK. Sau 3 năm triển khai, nhiều bất cập khiến cho câu chuyện đi tiếp hay thay đổi giữa chừng đã được đặt ra. SGK nhiều lỗi, nhiều sạn, có nội dung không phù hợp gây bức xúc cho dư luận. SGK giá quá cao so với trước đây và việc lựa chọn sách gặp khó khăn khiến nhà trường, giáo viên, phụ huynh và cả học sinh cùng bối rối. Đã có trường hợp 1 trường chọn đến 3 bộ SGK.

Ý kiến cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có 1 bộ SGK “chuẩn” quốc gia cũng xuất phát từ thực tế ấy. Tuy nhiên, nếu có bộ SGK “chuẩn” thì những bộ sách “xã hội hóa” đã có bỏ đi đâu, vì đương nhiên mọi người sẽ chọn bộ sách chuẩn. Nếu thế, thay vì "một chương trình - nhiều SGK" thì lại tái diễn cảnh độc quyền xuất bản SGK?

Cũng cần lưu ý, Nghị quyết 88 của Quốc hội năm 2014 nêu rõ chủ trương một chương trình - nhiều bộ sách, cũng như xã hội hóa biên soạn SGK, bỏ độc quyền xuất bản. Từ năm 2020, lộ trình thay SGK (mới) bắt đầu được thực hiện, ở mỗi khối lớp đều có 3 bộ SGK để các nhà trường chọn lựa.

Lộ trình thực hiện đổi mới chương trình - SGK mới theo Nghị quyết 88 của Quốc hội như sau: Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới chương trình - SGK giáo dục phổ thông. Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm chương trình tổng thể và 27 chương trình môn học đi kèm, với hai 2 đoạn chính: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Chương trình này thay thế Chương trình giáo dục phổ thông có từ năm 2006. Năm 2020, chính thức thực hiện chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 và SGK mới.

Theo lộ trình đó, năm 2020 là năm đầu tiên thực hiện SGK mới ở lớp 1. Năm 2021 áp dụng SGK mới với lớp 2, 6. Năm 2022 thực hiện ở lớp 3, 7, 10. Năm 2023 thực hiện ở lớp 4, 8, 11. Năm 2024 thực hiện ở lớp 5, 9 và lớp 12.

Như vậy, đến năm 2024 tất cả 12 lớp của bậc phổ thông đều dạy và học SGK mới.

Về giá, vì sao SGK mới đắt hơn SGK cũ? Quy mô của thị trường SGK là rất lớn. Cả nước có khoảng 18 triệu học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Khi bắt đầu năm học, cả chục triệu gia đình lại phải chi một khoản tiền không nhỏ để mua SGK cho con. Bài toán đặt ra là, làm thế nào để có thể tái sử dụng SGK cũ, để bớt tốn kém. Tuy nhiên, điều đó hiện vẫn là “phi vụ bất khả thi”.

Hiện nay đang có 3 bộ SGK (mới) là: Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo và Cánh diều. Để bán được, có khi các tác giả đi giới thiệu, quảng bá sách tới tận từng nhà trường. Từ đó phát sinh vấn đề: Vậy làm sao để minh bạch thị trường SGK? Minh bạch thẩm định, minh bạch giá sách, minh bạch lựa chọn khi mà nhiều ý kiến băn khoăn về hiện tượng lợi ích nhóm trong việc in ấn, phát hành SGK và giá quá cao.

Nói như ông Nguyễn Túc - Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Các vấn đề văn hóa và xã hội (UBTƯ MTTQ Việt Nam) thì nếu xã hội hóa không đến nơi đến chốn sẽ biến thành thương mại hóa. Từ đó hậu quả là xảy ra chuyện sự móc ngoặc giữa người có chức có quyền với người làm kinh doanh.

Cách đây chưa lâu, cơ quan chức năng đã phanh phui vụ việc một số đối tượng lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo), đẩy giá SGK lên quá cao.

Cuối tháng 12/2022, từ sai phạm của Nhà xuất bản Giáo dục, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chống thao túng giá SGK, làm tăng chi phí SGK (thời kỳ thanh tra từ đầu năm 2014 đến hết năm 2018). Theo Thanh tra Chính phủ, nhà xuất bản khi xây dựng giá trần của gói thầu in đã tính chung thuế giấy in (thuế suất 5%) vào với mức thuế suất của dịch vụ in SGK có thuế suất giá trị gia tăng là 10%, làm giá trần gói thầu tăng thêm 5%. Việc này dẫn đến gia đình học sinh phải mua SGK bằng giá nhà xuất bản đã đăng ký từ năm 2011, cao hơn giá SGK phải đăng ký đúng giá số tiền hơn 14 tỷ đồng.

Đó cũng là “bài học nhãn tiền” mà những người liên quan cần phải nắm được.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống thao túng giá sách giáo khoa