Chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật

H.Vũ 29/08/2023 07:17

Ngày 28/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, cho ý kiến về một số dự án luật.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh:Quochoi.vn

Đặc biệt quan tâm đến điều khoản chuyển tiếp

Tham dự phiên khai mạc hội nghị có: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí; Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặc biệt quan tâm đến những quy định về điều khoản áp dụng pháp luật, và điều khoản chuyển tiếp. Nếu điều khoản chuyển tiếp không đầy đủ, không rõ ràng thì luật ban hành xong vẫn còn những ách tắc, bất cập. Đặc biệt, điều khoản áp dụng nếu không khéo cũng dễ bị sai lệch trong quá trình thực hiện luật.

Theo Chủ tịch Quốc hội, không được để cho những quy phạm pháp luật sơ hở, có thể tạo ra những tham nhũng, tiêu cực gây ra những thất thoát, ách tắc, hoặc là chỉ tìm cách kéo thuận lợi về cho cơ quan quản lý nhà nước mà đẩy khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Phải thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đảng là nghiêm cấm, và phải chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng pháp luật.

Có nên cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi?

Tại hội nghị, các ĐB cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Báo cáo tóm tắt, ông Lê Tấn Tới - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cho biết, về người được cấp thẻ căn cước (Điều 20 dự thảo Luật Chính phủ trình), một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi vì chưa ổn định nhân dạng và sinh trắc học; việc tham gia các hoạt động giao dịch dân sự đều cần có cha, mẹ hoặc người giám hộ; sẽ phát sinh chi phí và thủ tục hành chính không cần thiết vì không thay thế giấy khai sinh.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cho biết: Theo báo cáo của Chính phủ, công nghệ hiện nay có thể thu nhận vân tay của người từ đủ 5 tuổi trở lên, bảo đảm yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học. Tuy thẻ căn cước không thay thế giấy khai sinh nhưng có thể tích hợp thêm nhiều thông tin khác theo nhu cầu của người dân, tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước và người dân trong việc cấp và sử dụng các loại giấy tờ này; đem lại nhiều thuận lợi, tiện ích cho người dân trong việc đi lại cũng như học tập, khám chữa bệnh và các giao dịch dân sự khác.

Liên quan đến vấn đề trên, ĐB Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đề nghị, nên có quy định là từ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi, chứ không thể mới sinh ra đã cấp thẻ căn cước. “Chúng ta quy định dưới 14 tuổi mà không nói rõ dưới 14 tuổi là bao nhiêu? Mới sinh ra đã làm thẻ căn cước hay như thế nào? Tuổi này làm sao đã có dấu vân tay, hình dạng thì thay đổi hằng ngày. Bởi vậy, nên áp dụng từ 6 tuổi trở lên, nếu người dân muốn thì chúng ta cấp thẻ căn cước cho những công dân này. Còn từ 6 tuổi trở xuống dù có muốn cũng không cấp thẻ căn cước do độ tuổi này quá nhỏ không cần thiết phải có căn cước” - ông Hoà bày tỏ.

Theo ĐB Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế), trong dự luật có nêu với người dưới 6 tuổi thì không thu nhân dạng và thông tin sinh trắc học. Trong khi báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trong báo cáo của Chính phủ thì khẳng định công nghệ hiện nay có thể thu nhận vân tay của người từ đủ 5 tuổi trở lên bảo đảm yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học.

Bà Sửu đề nghị, xem xét lại quy định này, đồng thời nghiên cứu, đánh giá thêm về độ tuổi bắt buộc phải cấp thẻ căn cước đối với công dân dưới 16 tuổi ngay trong thời gian này, trình thông qua tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội để phù hợp với yêu cầu thực tiễn và bảo đảm tính khả thi, phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước, phát huy giá trị tiện ích của thẻ căn cước trong đẩy mạnh Chính phủ số, xã hội số. “Theo phân tích có thể nhận dạng được và sinh trắc học từ đủ 5 tuổi trở lên vậy chúng ta có thể áp dụng ngay từ lứa tuổi đó” - bà Sửu nói.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, về cấp thẻ cho người dưới 14 tuổi cần đánh giá tác động kỹ về việc quyết định cấp thẻ bắt buộc hay là tự nguyện và còn nhiều nội dung khác như các đại biểu đã nêu.

Cần thiết ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Cùng ngày, các ĐB cho ý kiến về dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Theo ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), việc ban hành Luật này là cần thiết. Bởi trong bối cảnh hiện nay, trước những ảnh hưởng do hệ quả của sự phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu về công tác đảm bảo an ninh, trật tự ngày càng tăng lên, đặc biệt là ở cấp cơ sở bởi địa bàn cơ sở có an ninh, trật tự tốt thì mới có thể tạo nên một địa phương phát triển ổn định, an toàn. Các địa phương có ổn định, an toàn thì quốc gia mới ổn định, an toàn để tiếp tục phát triển.

ĐB Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho rằng, tại Điều 10 về nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở có ghi là hỗ trợ cùng công an cấp xã nắm thông tin nhân khẩu, kiểm tra nhân khẩu, giấy tờ tùy thân. Tức là cùng công an cấp xã làm những việc này.

Theo ông Lâm, khi có công an cấp xã thì lực lượng này được phép làm, tuy nhiên quy định như vậy dễ bị lạm dụng và cũng không rõ trách nhiệm nếu sai phạm xảy ra, lúc có sai phạm xảy ra thì trách nhiệm hoàn toàn của công an xã hay lực lượng này cùng phải chịu như thế nào?

Từ đó, ông Lâm cho rằng, nên sửa đổi để làm rõ hơn trách nhiệm của việc tham gia hỗ trợ, khi đã tham gia hỗ trợ thì trách nhiệm chính trong giải quyết công việc là của lực lượng công an. Vì vậy nên sửa là hỗ trợ để công an thực hiện các nội dung công việc như kiểm tra, rà soát giấy tờ, hỗ trợ chứ không phải cùng làm. Nếu không sau này xảy ra các sai phạm thì rất khó quy trách nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO