Đã hơn 10 năm từ khi Việt Nam có Luật Sở hữu trí tuệ nhưng vấn nạn sách lậu không hề giảm, thậm chí nhức nhối hơn do sự phát triển của công nghệ. Trong bối cảnh này, các nhà xuất bản (NXB), công ty phát hành sách vẫn phải loay hoay tự bảo vệ mình. Trong khi đó, các cơ quan quản lý dù đã liên tục đưa ra giải pháp song chưa thực sự tìm được “liều thuốc” hữu hiệu.
Nhiều cuốn sách của Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt bị in lậu khiến đơn vị này phải chủ động tìm nhiều cách tự cứu mình. (Ảnh: Khánh Hà).
Báo động đỏ
Theo báo cáo sơ kết của Cục Xuất bản, In và Phát hành, trong 6 tháng đầu năm 2017, Cục đã xử lý 94 xuất bản phẩm vi phạm (trong đó: 51 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung, 20 xuất bản phẩm vi phạm khác; 23 xuất bản phẩm do các NXB chủ động xử lý và báo cáo kết quả xử lý với Cục).
Tiếp nhận báo cáo, giải trình của các NXB: Trẻ, Thông tin và Truyền thông, Lao động, Văn học, Dân trí, Tri thức, Văn hóa văn nghệ, Hội Nhà văn, Phụ nữ, Tổng hợp TPHCM, Khoa học xã hội, Hồng Đức, Thanh Hóa, Tôn giáo, Hà Nội, Mỹ thuật, Hải Phòng…
Có thể thấy, với những con số trên và những báo cáo trong những năm trước đó thì nhiều đơn vị làm sách vẫn đang “ngậm trái đắng” khi nạn vi phạm bản quyền tiếp tục hoành hành.
Không chỉ sách in, các NXB, nhà sách còn phải đối mặt với tình trạng vi phạm bản quyền tràn lan của những cuốn sách điện tử trên Internet.
Chỉ cần vài cái click chuột qua một số trang web, diễn đàn đã có thể tìm được ngay những cuốn sách “hot” trên thị trường sách hiện nay. Người yêu sách cứ vô tư đọc, vô tư tải về, mà không cần quan tâm đến công sức của nhà văn hay sự lỗ lãi của các NXB.
Mới đây, Câu lạc bộ sách Sài Gòn đã phát hiện Công ty Yeah1 Network công khai tuyển dụng trên mạng xã hội số lượng lớn cộng tác viên thu âm sách nói với mức lương 3 triệu đồng/tháng.
Nội dung công việc là nhận sách và đọc thu âm tại nhà, hướng dẫn thu âm và chỉnh file tạo ra thành phẩm. Nội dung tuyển dụng này đã thu hút hơn 60.000 lượt xem, hơn 3.000 lượt share và trên 3.000 lượt comment.
Điều đáng nói là, tuy đã nhận lỗi, nhưng Yeah1 Network vẫn tiếp tục thực hiện việc vi phạm bản quyền sách một cách ngang nhiên.
Hơn 1.000 đầu sách được Yeah1 Network thực hiện dưới dạng sách nói mà không xin phép, thậm chí có cả những đầu sách mà các nhà xuất bản vẫn chưa kịp tung ra thị trường.
Ngay sau đó, NXB Trẻ, NXB Phụ nữ, Công ty sách Nhã Nam, Phương Nam, Chibooks, First News, Alphabooks... đã cung cấp nhiều hình ảnh, bằng chứng về việc các tác phẩm của họ bị vi phạm bản quyền nghiêm trọng dưới nhiều hình thức như: sách điện tử (ebook), sách nói (audio book), app điện thoại...
Đặc biệt, còn có nhiều trang mạng xã hội nhận in sách giấy lậu với bất kỳ đầu sách đặt hàng nào, không cần giấy phép xuất bản.
Và đây cũng là những ví dụ mới nhất cho tình trạng vi phạm bản quyền sách trên môi trường số. Việc tự dịch sách đã mua bản quyền, tự viết lại sách đã được mua bản quyền và dịch để đăng tại lên mạng dường như không có dấu hiệu dừng lại.
Tự bảo vệ
Trước thực trạng trên, các NXB, công ty phát hành sách hiện nay đang phải tự tìm cách bảo vệ mình. Một số đơn vị thành lập tổ kiểm tra thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình thị trường; phối hợp với cơ quan chức năng phát hiện các vụ in lậu, làm sách giả; áp dụng biện pháp nhằm ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền sách từ trong “trứng nước”, như trong hợp đồng xuất bản, phát hành đều đề cập đến chống vi phạm bản quyền; đầu tư gia công ấn phẩm; đặt ra các điều khoản về quá trình phân phối sách…
Thậm chí, cực chẳng đã, đích thân ông Nguyễn Văn Phước- Giám đốc Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt cùng cộng sự đã tự đi điều tra các “đầu lậu” và vẫn đang theo đuổi vụ kiện một cơ sở in lậu suốt 6 năm qua.
Để một công ty làm sách khá nghiêm túc như Trí Việt phải bỏ thời gian và tiền bạc để tự bảo vệ mình trước nạn in lậu thì các cơ quan chức năng nên xem lại đã hoàn thành vai trò, trách nhiệm chưa?
Nếu như sách truyền thống đang dần có “thuốc đặc trị” thì sự tăng trưởng của sách điện tử (ebook) và phát triển đặc biệt lớn số lượng thiết bị đọc mà thực trạng vi phạm bản quyền lại gia tăng một cách đáng lo ngại.
Giám đốc Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam Nguyễn Nhật Anh băn khoăn, hiện tại, hầu như toàn bộ xuất bản phẩm bán chạy của các đơn vị xuất bản như Nhã Nam đều bị sao chép, phát tán, thu lợi bất chính trên internet, mà không đơn vị làm sách nào có thể đơn độc ngăn chặn nổi.
Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Sách Thái Hà, TS Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, trên thực tế số vụ sách lậu, sách giả bị xử lý đến nơi đến chốn rất ít, các biện pháp xử lý còn rất nhẹ.
Có đoàn kiểm tra thị trường sách nhưng nhiều vụ ra quân không hiệu quả, bởi những nơi sản xuất, bán sách lậu đều biết để tẩu tán.
“Do vậy, trước hết nên tập trung xử lý, phạt nặng những điểm làm sách lậu, sách giả. Tăng cường kiểm tra bí mật để phát hiện sách lậu, sách giả. Đồng thời, các cơ quan nhà nước như Cục Xuất bản, In và Phát hành cần phát huy vai trò “bà đỡ”, giúp các NXB cho ra mắt nhiều sách hay, giá trị, từ đó nuôi dưỡng sách thật…”, ông Hùng cho hay.
Và như ông Nguyễn Kiểm - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Xuất bản Việt Nam đánh giá, việc bảo vệ quyền tác giả ở Việt Nam chưa đi vào nề nếp.
“Ở Việt Nam, người ta không ăn cắp những cuốn sách cụ thể trong các hiệu sách, mà ăn cắp quyền tác giả, quyền đứng ra sản xuất các ấn phẩm. Điều này dường như đã trở thành một phog trào. Sự xuất hiện tràn lan của những nhà in lậu là một cách ăn cắp quyền tác giả rõ nhất. Nguyên nhân của tình trạng này là do chúng ta nhận thức chưa đúng đắn về tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền tác giả, dẫn đến những hành động nửa vời, không triệt để. Nói cách khác, chúng ta không quy được trách nhiệm cụ thể khi có các vụ việc liên quan xảy ra”- ông Kiểm nhấn mạnh.