Chớp thời cơ từ EVFTA

Minh Phương 28/12/2022 07:32

Sau hơn 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), từ ngày 1/8/2020 đến nay, tăng trưởng xuất nhập khẩu 2 chiều Việt Nam, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Những con số tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường EU thực sự ấn tượng.

Thủy sản là một trong những ngành tận dụng được các cơ hội đến từ EVFTA. Ảnh: Quang Vinh.

Đó là nhận định được đưa ra tại Hội nghị “Tổng kết 2 năm thực thi Hiệp định EVFTA: Những thành quả đạt được, những vấn đề còn tồn tại và giải pháp tận dụng hiệu quả” do Bộ Công thương tổ chức sáng 27/12.

Nhiều mặt hàng tăng trưởng tích cực

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết: Trong năm đầu thực thi EVFTA, trao đổi thương mại song phương đạt 54,9 tỷ USD, tăng 12,1% so với giai đoạn cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 11,3%. Sang năm thứ hai đạt 61,4 tỷ USD, tăng gần 11,9%, trong đó xuất khẩu đạt 45 tỷ USD, tăng 17%. Riêng trong 11 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 57 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu đạt 43,5 tỷ USD, tăng 21%. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực như dệt may (tăng 24%), giày dép (tăng 19%), thủy sản (tăng 41%)…

Một điểm sáng nữa trong hoạt động xuất khẩu sang EU chính là tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ EVFTA với những con số hết sức ấn tượng. Cụ thể, năm 2021, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sử dụng mẫu C/O Euro.1 đạt khoảng 8,1 tỷ USD, chiếm khoảng 20,2% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang EU, tăng 244% so với cùng kỳ năm trước. Trong 10 tháng năm 2022, tỷ lệ tận dụng ưu đãi là 25,1%, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021.

“Những kết quả tích cực nói trên cho thấy, các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã tận dụng tương đối hiệu quả các cơ hội từ EVFTA” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh và cho rằng, những nỗ lực này cần tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới để tận dụng hiệu quả hơn nữa các cơ hội từ EVFTA. Bởi lẽ cần thẳng thắn nhìn nhận rằng dù chúng ta đã đạt được những thành công kể trên nhưng mới chỉ là bước đầu.

Chia sẻ kinh nghiệm xuất khẩu sang EU, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết, DN xuất khẩu bưởi, dừa và thanh long vào EU theo Hiệp định EVFTA. Thị trường EU đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe, trong đó họ đòi hỏi phải có chứng nhận Global GAP (Global Good Agricultural Practice - Thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn quốc tế), đòi hỏi nhà máy chế biến, đóng gói trái cây phải áp dụng tiêu chuẩn ISO, phải có chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP) và chứng nhận Tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội (SMETA). Theo ông Tùng, Vina T&T đều đáp ứng đủ các tiêu chuẩn nói trên nên việc đàm phán bán hàng với EU diễn ra thuận lợi và đã được hưởng mức thuế 0%.

Dư địa khai thác lớn

Có thể thấy, nếu đáp ứng được đầy đủ các tiêu chuẩn, yêu cầu từ phía thị trường EU, các DN xuất khẩu sẽ có nhiều cơ hội để đưa hàng hóa sang thị trường này. Đáng chú ý, đây là thị trường khó tính, có nhiều quy định khắt khe, nên khi các DN đáp ứng được những tiêu chuẩn đó thì việc mở rộng, tìm kiếm các thị trường khác chỉ còn là vấn đề thời gian.

Điều này cũng được các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh tại Hội nghị. Theo các chuyên gia, dư địa và cơ hội từ thị trường EU còn rất rộng lớn, nên DN Việt có rất nhiều tiềm năng để khai thác thị trường này.

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng có thể đáp ứng đủ các yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe của đối tác. Trên thực tế, không ít DN Việt vẫn đang gặp phải nhiều rào cản khi tiếp cận thị trường EU, cả về lý do chủ quan và khách quan.

Ông Ngô Chung Khanh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU có tốc độ tăng trưởng cao, nhưng số lượng các DN tham gia xuất khẩu sang EU chưa tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh đó, dư địa của thị trường EU còn rất lớn với giá trị nhập khẩu lên tới 2.500 tỷ USD hàng hóa mỗi năm. Dù DN Việt không ngừng tăng tốc nhưng hàng hóa Việt Nam cũng mới chỉ chiếm chưa đầy 2% thị phần của thị trường EU. Những mặt hàng thế mạnh chiến lược của Việt Nam có thị phần rất ít tại thị trường này.

“DN của Việt Nam hiện nay chủ yếu vẫn làm gia công, số ít DN xây dựng được thương hiệu xuất khẩu sang EU. Nhiều DN vẫn còn sợ không đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của EU” - ông Khanh nói và cho biết, thời gian tới để hỗ trợ DN tận dụng hiệu quả thị trường EU thông qua EVFTA, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành tập trung triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng xử lý vấn đề kết nối cho DN thông qua cập nhật và nâng cấp cổng thông tin FTA (FTAP), để kết nối với toàn bộ trang thông tin điện tử của các bộ, ngành, hiệp hội; Song song đó, Bộ sẽ thúc đẩy các giải pháp cụ thể như triển khai tiếp cận tín dụng cho DN tận dụng FTA, thúc đẩy kết nối, tạo thuận lợi cho DN tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chớp thời cơ từ EVFTA

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO