Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng vừa ký ban hành Quy định 69, về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Quy định mới thay thế Quy định số 7 năm 2018 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý tổ chức đảng vi phạm và Quy định số 102 năm 2017 của Bộ Chính trị khóa XII về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
Quy định 69 có 4 chương với 58 điều, cụ thể hóa nguyên tắc xử lý kỷ luật, hình thức xử lý kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Theo đó, kỷ luật với tổ chức đảng phải xem xét rõ trách nhiệm của tổ chức, đồng thời xem xét trách nhiệm của từng cá nhân liên quan, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Với cá nhân, trong thời gian đảng viên đang bị xem xét xử lý kỷ luật thì không điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm; không phong, tặng, công nhận các danh hiệu của Đảng, Nhà nước với đảng viên đó.
Quy định mới về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm nhấn mạnh đảng viên thực hiện đề xuất về đổi mới, sáng tạo theo Kết luận số 14 của Bộ Chính trị được cơ quan có thẩm quyền cho phép nhưng xảy ra thiệt hại thì cơ quan có thẩm quyền xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá khách quan, toàn diện, nếu đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng vì lợi ích chung thì miễn kỷ luật hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.
Đáng chú ý, một trong những điểm mới là quy định kỷ luật với đảng viên vi phạm quy định về chống chạy chức, chạy quyền. Theo đó, đảng viên vi phạm tùy từng mức độ sẽ bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức (nếu có chức vụ), khai trừ ra khỏi Đảng. Quy định cũng nêu rõ, nếu không chỉ đạo xem xét, xử lý kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội về hành vi tiêu cực trong công tác cán bộ hoặc bao che, tiếp tay cho hành vi tiêu cực, cũng sẽ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có).
Quy định mới của Đảng về kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên một lần nữa cho thấy sự nghiêm minh của Đảng, không dung túng cho bất cứ sai phạm nào của mỗi đảng viên lẫn tổ chức đảng. Quy định cũng cho thấy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các tổ chức chính trị - xã hội được phát huy trong cuộc đấu tranh làm trong sạch đội ngũ, xây dựng Đảng vững mạnh.
Với vấn nạn chạy chức, chạy quyền, lần này quy định của Đảng là rất rõ ràng khi chỉ ra từng hành vi cụ thể. Đây cũng được xem là một trong những vấn đề mấu chốt của công tác cán bộ, nhằm chặn đứng ngay từ đầu những phần tử cơ hội không thể chui vào hàng ngũ, không thể “leo cao, luồn sâu”. Quy định chính là “chốt chặn” để công tác cán bộ luôn chí công vô tư, từ đó chọn được cán bộ có tâm, có tầm, đạo đức trong sáng cho Đảng, cũng là cho dân, cho nước.
Bên cạnh các hình thức kỷ luật, Quy định 69 cũng nhấn mạnh việc bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ dám làm (theo Kết luận số 14 của Bộ Chính trị), nếu đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng vì lợi ích chung thì miễn kỷ luật hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.
Đây là vấn đề rất quan trọng khích lệ tư duy mới, đột phá, sáng tạo, đặc biệt cần thiết trong gia đoạn hiện nay; nhằm tránh tư tưởng sợ sai, sợ bị kỷ luật, sợ bị xử lý bằng pháp luật nên né tránh, trì trệ, đùn đẩy công việc, đùn đẩy trách nhiệm.
Ngày 3/2/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho đăng trên Báo Nhân Dân tác phẩm “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Người viết: “Nhân dân ta thường nói: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là một lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ ta”. Điều đó cũng có nghĩa là cán bộ, đảng viên phải nêu cao tính tiên phong gương mẫu, dám xông vào những nơi khó khăn, gian khổ; làm việc với cái tâm trong sáng thì không sợ sai, không ngại thị phi. Hay nói đơn giản hơn là không sợ “mất ghế”.
Quy định mới của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, kỷ luật đảng viên vi phạm vì thế vừa là “chốt chặn” không để cho những phần tử xấu chui vào đội ngũ, bám rễ trong đội ngũ; vừa là “lá chắn” bảo vệ những cán bộ, đảng viên, dám nghĩ dám làm, biết đặt quyền lợi của Đảng, của dân, của nước lên trên hết, trước hết.
Vì vậy, có thể nói, Quy định 69 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm của Bộ Chính trị là một bước tiến về công tác Đảng, công tác cán bộ, đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới.