Thời gian qua, UBND tỉnh Hải Dương đã xử phạt nhiều doanh nghiệp tự ý san lấp mặt bằng trái phép với mức độ vi phạm và số tiền phạt “khủng”. Vấn đề là để xảy ra vi phạm quy mô lớn và kéo dài như vậy thì trách nhiệm của chính quyền cơ sở như thế nào?
Điểm mặt sai phạm
Tháng 12/2020, UBND tỉnh Hải Dương ra quyết định chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH MTV Đỗ Hữu Vang đầu tư Dự án Cơ sở sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn, gạch không nung, bê tông xi măng, bê tông nhựa asphalt, bến bãi kinh doanh vật liệu xây dựng, cửa hàng kinh doanh xăng dầu và cho thuê kho bãi, nhà xưởng với tổng diện tích đất sử dụng là 101.048 m2, tại thôn Hà Hải, xã Hà Kỳ (huyện Tứ Kỳ).
Theo quyết định, Công ty TNHH MTV Đỗ Hữu Vang phải triển khai thực hiện dự án tuân thủ theo quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, môi trường… và chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, công ty này đã tự ý san lấp hàng chục nghìn mét vuông đất nông nghiệp thuộc dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Cụ thể, từ ngày 20/6 đến 9/9, công ty đã tự ý sử dụng, san lấp 53.834m2 đất trồng lúa khi chưa hoàn thành thủ tục thuê đất; tự ý sử dụng, san lấp 11.176 m2 đất phi nông nghiệp là đất giao thông, thủy lợi nội đồng khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Lý do được chủ đầu tư đưa ra là tránh người dân tái lấn chiếm để trồng hoa màu. Với những sai phạm kể trên, công ty đã bị UBND tỉnh Hải Dương xử phạt hơn 500 triệu đồng.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, sai phạm như của Công ty TNHH MTV Đỗ Hữu Vang nêu trên không phải là cá biệt trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Đơn cử như dự án đầu tư xây dựng khu dân cư thương mại và chợ Cộng Hòa ở phường Cộng Hòa (TP Chí Linh). Dự án này được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 8/2020 với tổng diện tích gần 8,6ha, tổng vốn đầu tư hơn 115 tỷ đồng. Chủ đầu tư dự án là Công ty CP Đầu tư - Phát triển Đức Trí đã tự ý sử dụng, san lấp hơn 26.000 m2 đất trồng lúa, đất giao thông, đất nghĩa trang khi chưa được cấp có thẩm quyền cho thuê, bàn giao đất theo quy định do còn vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Công ty CP Đầu tư - Phát triển Đức Trí đã bị UBND tỉnh Hải Dương xử phạt gần 500 triệu đồng do tự ý sử dụng, san lấp, thi công khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Chính quyền cơ sở có “vô can”?
Thời gian qua, tỉnh Hải Dương đã ra các quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho hàng loạt dự án trên địa bàn. Việc này góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, việc để xảy ra những vi phạm nghiêm trọng tại các dự án kể trên phần lớn do chính quyền cơ sở còn lơ là, buông lỏng quản lý.
Đơn cử như dự án của Công ty TNHH MTV Đỗ Hữu Vang tại huyện Tứ Kỳ. Theo đại diện chính quyền xã Hà Kỳ, công ty có báo cáo xin phép được phủ cát để chống tái lấn chiếm. Xã cũng ủng hộ doanh nghiệp trong việc này và thừa nhận trách nhiệm một phần là của địa phương khi để xảy ra sự việc trên.
Sau đó, UBND xã Hà Kỳ lập biên bản vi phạm và xử phạt công ty với số tiền 5 triệu đồng do tự ý che phủ cát lên bề mặt diện tích đất nông nghiệp. Tiếp sau đó, UBND huyện Tứ Kỳ tiếp tục ra quyết định xử phạt công ty này 50 triệu đồng do sử dụng đất trồng lúa khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa cho phép. Tuy nhiên, trước quy mô và mức độ vi phạm của chủ đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương đã tiến hành kiểm tra, tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh xử lý ở mức tiền phạt lên đến hơn 500 triệu đồng, đồng thời thực hiện tiếp thủ tục để được giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.
Theo đại diện Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương cho biết, để hạn chế các sai phạm liên quan đến đất đai, chính quyền địa phương phải thật sự sâu sát, quản lý chặt chẽ để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vi phạm khi mới xuất hiện. Đồng thời, tích cực tuyên truyền để các doanh nghiệp chấp hành tốt quy định của pháp luật.
Để các dự án được triển khai đúng tiến độ, hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, tỉnh Hải Dương cần chỉ đạo các địa phương, cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện triển khai các dự án trên địa bàn nhằm kịp thời ngăn chặn và xử lý các sai phạm. Đồng thời, cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc bàn giao mặt bằng để triển khai dự án đã được phê duyệt.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nêu quan điểm: Hành vi tự ý sử dụng, san lấp, thi công khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp phép là trái với quy định của pháp luật. Việc kiểm tra xác minh, làm rõ và xử lý các vi phạm này là rất cần thiết để lập lại trật tự, duy trì tính tôn nghiêm của pháp luật. Cơ quan chức năng cũng cần xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương, cán bộ chuyên môn có liên quan khi có dấu hiệu buông lỏng quản lý hoặc tiếp tay cho hành vi vi phạm để có hình thức xử lý theo quy định.