Ngay sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo về mức độ nguy hiểm của biến thể SARS-CoV-2 mới mang tên Omicron, Bộ Y tế đã lập tức kiến nghị Chính phủ chỉ đạo dừng các chuyến bay đi và đến từ các nước ở Nam châu Phi. Phản ứng nhanh nhạy này của Bộ Y tế được dư luận xã hội ủng hộ và đánh giá cao.
Có thể nói, việc nối lại các đường bay thương mại đón khách quốc tế là nỗ lực phục hồi kinh tế, thích ứng an toàn với dịch bệnh trong điều kiện mới. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển du lịch, giao thương hàng hóa với thế giới. Song, điều kiện tiên quyết đặt ra là vẫn đảm bảo phát triển kinh tế, nhưng phải an toàn phòng dịch.
Vẫn biết những chuyến bay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế, ngoại giao, trao đổi văn hóa... Nếu “bế quan tỏa cảng” không “mở cửa bầu trời” thì rất khó phục hồi nền kinh tế, trong đó có ngành mũi nhọn du lịch, chứ đừng nói đến chuyện phát triển. Song, cần cân nhắc giữa lợi ích đạt được với thiệt hại xảy ra nếu bùng phát dịch.
Với biến thể Delta, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam đã phải điêu đứng về tốc độ lây lan cũng như độc lực của nó. Với biến thể Omicron, các chuyên gia y tế thế giới dự báo mức độ độc lực và lây lan nhanh gấp 500% so với biến thể Delta. Như vậy thử hỏi làm sao chúng ta có thể thờ ơ không phòng bị được đây?
Đó chính là lý do Bộ Y tế lập tức họp khẩn và kiến nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tất các chuyến bay đến và đi từ các nước thuộc Nam châu Phi. Động thái này chính là cách ngành y tế thực hiện để chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới từ xa, không để nó xâm nhập rồi mới loay hoay tìm cách ứng phó.
Bên cạnh việc kiến nghị dừng các chuyến bay tới khu vực được WHO cảnh báo đang bùng phát biến thể Omicron, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các đơn vị có liên quan tăng cường giám sát, nhằm sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường tại các ổ dịch. Các viện Vệ sinh dịch tễ, viện Pasteur... được yêu cầu thực hiện giải trình tự gene những trường hợp nghi ngờ nhiễm Omicron, đặc biệt là ca có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.
Vậy là sau gần 2 năm “chiến đấu” với các biến thể của SARS-CoV-2, ngành y tế Việt Nam đã dần rút ra được những bài học kinh nghiệm đắt giá, quý báu. Vào thời kỳ đầu, do chưa lường hết được mức độ nguy hiểm của các biến thể mới SARS-CoV-2 nên các cơ quan chức năng đã phản ứng tương đối muộn, sau đó phải rất vất vả dập dịch.
Không chỉ vất vả về sức người vì cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để chống dịch, cuộc chiến với Covid-19 trong 2 năm qua đã tiêu tốn không biết bao nhiêu kinh phí, tài sản mà phải rất lâu sau mới có thể hồi phục. Đó há chẳng phải là bài học xương máu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 mà nhiều đơn vị rút ra được hay sao?
Giờ đây, với biến chủng Omicron có tốc độ lây lan nhanh gấp 5 lần so với biến thể Delta, nếu không chủ động chặn dịch từ xa, để đến khi nó xâm nhập vào trong nước rồi mới tìm cách chống thì thiệt hại về người và tài sản sẽ vô cùng lớn. Khi đó, việc có thể kiểm soát được dịch hay không e rằng khó có thể tiên lượng trước được.
Vì thế, việc Bộ Y tế thực hiện đúng vai trò của cơ quan chuyên ngành, thường trực trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 sớm đưa ra những kiến nghị, giải pháp hợp lý nhằm chủ động chặn dịch từ xa là việc làm đáng ghi nhận. Nếu mỗi bộ, ngành, địa phương và mỗi cá nhân có được ý thức tự giác đó, Omicron có gì đáng sợ?