Chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình GDPT mới với lớp 2, lớp 6 năm học 2021- 2022, thời điểm này việc bồi dưỡng, lựa chọn đội ngũ giáo viên (GV) đã được các địa phương ráo riết thực hiện.
Lựa chọn kỹ giáo viên
Ông Phùng Quốc Lập- Phó Giám đốc Sở GDĐT Phú Thọ cho hay, để chuẩn bị triển khai Chương trình GDPT với lớp 2 và lớp 6 cho năm học tới đây, Sở GDĐT Phú Thọ đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, có việc đề xuất tuyển dụng bổ sung số GV còn thiếu; lựa chọn đội ngũ GV đủ tiêu chuẩn dạy lớp 2, lớp 6 cho năm học tới; tổ chức bồi dưỡng GV đại trà thực hiện chương trình mới theo quy định của Bộ GDĐT.
Ông Phạm Xuân Tiến- Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cũng cho biết, hiện Sở đang tiến hành rà soát, lên danh sách GV sẽ dạy lớp 2, lớp 6 Chương trình GDPT mới để sẵn sàng tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng ngay khi có thông báo.
Năm học 2021-2022 là năm học đầu tiên học sinh lớp 6 sẽ học Chương trình GDPT mới, Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu các nhà trường rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ GV để thực hiện hiệu quả.
Trong đó có lưu ý các nhà trường lựa chọn những GV tốt, có kinh nghiệm, vững chuyên môn nhất để đảm nhận nhiệm vụ dạy lớp 6 năm học 2021-2022; các nhà trường có trách nhiệm chỉ đạo, hỗ trợ để bảo đảm 100% GV dạy lớp 6 năm học 2021-2022 đều được bồi dưỡng đầy đủ các chuyên đề theo quy định của Bộ GDĐT.
Ông Nguyễn Viết Hiển- Giám đốc Sở GDĐT Thái Bình chia sẻ, về công tác tập huấn, bồi dưỡng GV thực hiện Chương trình GDPT mới và sử dụng SGK lớp 2, lớp 6, Sở GDĐT chủ động phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tập huấn cho cán bộ quản lý cốt cán, GV cốt cán và tập huấn đại trà cho 100% cán bộ quản lý, GV về chương trình mới; Phối hợp với các nhà xuất bản có SGK được lựa chọn tổ chức tập huấn cho GV dạy lớp 2, lớp 6 về SGK mới. Đồng thời tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng thường xuyên theo quy định của Bộ GDĐT.
Cần đẩy nhanh quá trình thẩm định
Theo các chuyên gia giáo dục, để thực hiện tốt chương trình, SGK mới lớp 2, lớp 6 trong năm học tới, để không bỡ ngỡ như với SGK lớp 1 vừa qua, GV cần được tập huấn kỹ. Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cần công bố sớm SGK để các trường dạy thực nghiệm. Đặc biệt với lớp 6, năm học 2021- 2022 sẽ là năm đầu tiên SGK ở bậc THCS có nhiều điểm mới từ dạy học tích hợp liên môn, thêm hoạt động giáo dục địa phương, hoạt động trải nghiệm…, nên các trường sẽ gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là thay đổi quan điểm giáo dục, phương pháp dạy học từ đội ngũ. Do đó, cần phải được tập huấn kỹ từ Bộ, Sở, trong khi GV cũng phải đòi hỏi thực sự nỗ lực.
Trước đó, Bộ GDĐT đã thông báo về việc góp ý cho các bản mẫu SGK lớp 2 và lớp 6 Chương trình GDPT mới theo 3 đợt. Đợt thứ nhất: Tổ chức cho GV có kinh nghiệm góp ý. Mỗi Sở GDĐT chọn cử 10 GV/môn học để nghiên cứu, góp ý các bản mẫu SGK qua website của nhà xuất bản; cung cấp thông tin tài khoản cho GV góp ý từ ngày 27/11/2020 - 9/12/2020; Đợt 2: Tổ chức cho GV dạy lớp 2 và lớp 6 năm học 2021- 2022 góp ý.
Sở GDĐT chỉ đạo các trường nhận tài khoản và hướng dẫn toàn bộ GV được phân công dạy lớp 2 và lớp 6 năm học 2021 - 2022 vào website nhà xuất bản để nghiên cứu, góp ý bản SGK đã được hoàn thiện sau đợt 1 từ ngày 25/12/2020; Đợt 3: Thông báo cho GV, cán bộ quản lý tìm hiểu, góp ý các bản mẫu SGK đã được nhà xuất bản hoàn thiện, đưa lên website của nhà xuất bản trước khi in và phát hành.
Ghi nhận từ GV cho thấy, họ đều mong muốn Bộ GDĐT đẩy nhanh quá trình thẩm định, phê duyệt các SGK nói trên để GV có thời gian nghiên cứu, dạy thử nghiệm nội dung sách mới. Nếu được, việc có sách mới cần song hành trong quá trình tập huấn, để đối chiếu xem quá trình tập huấn có sát với thực tế không, có cần điều chỉnh nội dung các bài dạy không để GV sớm có những kiến nghị. Bởi vừa rồi đã có những câu hỏi được đặt ra, nếu các cuốn SGK lớp 2 và lớp 6 mà không vượt qua vòng thẩm định thì phương án sẽ ra sao?
Theo ông Nguyễn Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT), Bộ dự kiến sẽ ban hành SGK lớp 2 và lớp 6 sớm hơn so với năm trước, đảm bảo đủ thời gian để bồi dưỡng GV sử dụng sách; sẽ công bố sách tối thiểu 5 tháng trước khi bắt đầu năm học mới.