Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh, trong những ngày này, các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa trời rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 10-13 độ C, vùng núi 8-10 độ C, vùng núi cao dưới 5 độ C.
Trước diễn biến của thời tiết như vậy, nhiều địa phương nhất là các tỉnh miền núi phía Bắc đã chủ động phòng chống rét cho vật nuôi nhất là trâu bò, tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra.
Cần chủ động chống rét cho trâu bò, tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Không được chủ quan
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) vừa có công điện yêu cầu các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên cần có biện pháp quyết liệt trong phòng chống rét cho đàn vật nuôi, nhất là đàn trâu, bò. Theo Bộ này, tình hình thời tiết rét đậm, rét hại còn tiếp tục diễn biến phức tạp có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sản xuất chăn nuôi. Vì vậy, các tỉnh cần cử đoàn công tác đến các cơ sở kiểm tra việc thực hiện biện pháp phòng, chống đói, rét cho trâu, bò; hướng dẫn nông dân chủ động nguồn thức ăn, không chăn thả trâu, bò khi nhiệt độ xuống thấp dưới 12 độ C; giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa, làm áo khoác giữ kín, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt sưởi ấm cho vật nuôi.
Bộ NNPTNT cũng yêu cầu các xã, huyện thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu trên các phương tiện thông tin của địa phương để người chăn nuôi biết, không chủ quan, bị động trong việc phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc.
Không thể chủ quan với diễn biến bất thường của thời tiết, nếu không hậu quả xấu có thể xảy ra. Thực tế, đợt rét đầu năm nay dù không diễn ra dài ngày nhưng hơn 2.000 con trâu bò đã chết vì đói và rét tập trung tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên.
Chủ động, tích cực phòng chống rét
Ông Trần Đức Lâm- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Yên Bái cho biết, trước diễn biến của thời tiết, Sở tìm đủ các biện pháp để phòng chống rét cho đàn gia súc và cây trồng, ngành nông nghiệp tăng cường cán bộ xuống cơ sở kiểm tra, hướng dẫn bà con các biện pháp kĩ thuật như: bổ sung thức ăn tinh và cho trâu bò ăn đủ cỏ rơm, dùng củi đốt sưởi cho gia súc, đun nước ấm cho trâu bò uống và dùng chăn cũ hay bao tải may áo chống rét cho trâu bò.
Trong những ngày này, nhiệt độ ở các xã vùng cao biên giới giảm sâu dưới 10 độ C, UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo Sở NNPTNT, UBND các huyện, thành phố cử nhiều đoàn công tác về hướng dẫn các địa phương khẩn trương phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc. Các địa phương chủ động việc quyết định sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ cho những hộ nghèo, gia đình neo đơn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn không có điều kiện mua bạt, vật liệu che chắn chuồng trại và thức ăn tinh cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại kéo dài.
Ông Lương Triệu Luân- Chủ tịch UBND xã Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang) cho biết, để làm tốt việc phòng, chống đói rét trên 1.000 con trâu, bò, UBND xã Lũng Cú khẩn trương rà soát các hộ chăn nuôi trâu bò trên địa bàn và tổng hợp số hộ chăn nuôi có chuồng kiên cố, chuồng tạm, chưa có chuồng; vận động nhân dân thực hiện tốt việc dự trữ thức ăn tinh, dự trữ cỏ và sử dụng biện pháp ủ chua, tiến hành nuôi nhốt trâu bò trong những nhiệt độ xuống thấp. Cử cán bộ khuyến nông, thú y thường xuyên đến các hộ kiểm tra, đôn đốc việc dọn vệ sinh chuồng trại, thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc.
Trong khi đó, ông Phạm Bá Uyên- Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai) cho biết, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại đối với chăn nuôi, Sở NNPTNT tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các huyện, xã hướng dẫn các hộ chăn nuôi thu gom triệt để rơm rạ, bảo quản, dự trữ các loại cỏ thân mềm nơi khô ráo. Đồng thời tận dụng thân cây ngô, ngọn mía, bã mía để chế biến, dự trữ bằng hình thức ủ chua làm thức ăn dự trữ cho mỗi trâu, bò đạt 400kg/con trở lên. Cùng với đó là sửa chữa, làm mới chuồng trại đảm bảo giữ ấm cho gia súc mùa đông, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi, tăng cường các biện pháp chăm sóc nuôi dưỡng nâng cao sức đề kháng cho gia súc.