Ở Việt Nam, ung thư dạ dày là bệnh ung thư phổ biến thứ 4 và thứ 3 gây tử vong hàng năm. Điều đáng nói là chẩn đoán ung thư dạ dày thường đến ở giai đoạn muộn, đã có di căn.
Căn nguyên từ ung thư đường tiêu hóa
Theo số liệu thống kê mới nhất, ung thư dạ dày đứng top 4 trong các bệnh ung thư thường gặp tại Việt Nam với 17.906 ca mắc mới, chiếm 9.8%. Tỷ lệ tử vong của bệnh ung thư này cũng đứng thứ 3 trong top các bệnh ung thư chết người nhất với 14.615 ca tử vong, chiếm 11.9%.
Một trong những nguyên nhân khiến ung thư dạ dày là bệnh ung thư đường tiêu hóa phổ biến, nguy hiểm với tỷ lệ gây tử vong cao hàng đầu thế giới được các chuyên gia lý giải là do dấu hiệu của căn bệnh này ở giai đoạn đầu thường mơ hồ, không rõ ràng, nhiều khi không có triệu chứng nên người bệnh thường ít phát hiện.
Đa số bệnh nhân đến khám ở giai đoạn muộn, ung thư xâm lấn, di căn nhiều tạng trong cơ thể. Những biến chứng của bệnh ung thư dạ dày giai đoạn muộn như chảy máu tiêu hóa, thủng dạ dày, hẹp môn vị, di căn vào tụy, gan, lá lách, phổi... có thể khiến người bệnh tử vong do sức khỏe suy kiệt hoặc do bị một số di chứng trên.
BS Phạm Thị Việt Anh - Phó trưởng Khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 19-8 (Bộ Công An) cho biết: Ung thư dạ dày nếu phát hiện ở giai đoạn muộn, phương pháp chủ yếu là phẫu thuật, điều trị kết hợp nhiều phương pháp khác như hóa chất, xạ trị, làm suy giảm chất lượng cuộc sống, gánh nặng kinh tế do điều trị. Điều đáng tiếc là đa số người bệnh đến bệnh viện khám khi ung thư đã ở giai đoạn muộn, xâm lấn, di căn xa ra các bộ phận trong cơ thể, nên không còn chỉ định can thiệp nội soi.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, chuyên gia cũng khẳng định, với sự phát triển của y học hiện nay, nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, bệnh ung thư dạ dày có thể được điều trị với kết quả rất tốt.
Phòng ngừa và phát hiện sớm
BS Phạm Thị Việt Anh thông tin: Ung thư dạ dày sớm được định nghĩa là tổn thương ung thư tại lớp niêm mạc, chưa xâm lấn qua lớp hạ niêm mạc của dạ dày và không có sự di căn hạch. Nếu được phát hiện và điều trị phù hợp, tỷ lệ người bệnh có thể sống thêm khoảng 5 năm lên đến 90%, 10 năm là 70%. Một trong những phương pháp can thiệp ít xâm lấn hiện đại hàng đầu thế giới hiện nay giúp điều trị triệt để ung thư dạ dày sớm là nội soi can thiệp cắt tách niêm mạc dạ dày (ESD).
Mới đây, một bệnh nhân nam (68 tuổi, ở Quốc Oai, Hà Nội) thăm khám và nội soi dạ dày tại Bệnh viện 19-8 do có triệu chứng đau bụng thượng vị và cảm giác đầy bụng. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán tổn thương loạn sản dạ dày. Tổn thương được đánh giá ung thư dạ dày sớm nằm ở lớp niêm mạc.
Người bệnh đã được các bác sĩ tiến hành kỹ thuật ESD lấy tổn thương ung thư sớm nguyên khối thuận lợi, an toàn. Sau 24 giờ theo dõi ổn định, sinh hoạt bình thường.
Được biết, kỹ thuật nói trên hiện đang là phương pháp ưu việt hàng đầu trong điều trị ung thư sớm đường tiêu hóa. Phương pháp này có ưu điểm là bảo tồn đường tiêu hóa, giảm thiểu đau đớn, giúp người bệnh tránh được đại phẫu cắt bỏ đoạn ống tiêu hóa, nâng cao chất lượng cuộc sống, hồi phục sức khỏe nhanh chóng, sinh hoạt bình thường sau can thiệp 24 giờ. Qua đó, rút ngắn thời gian nằm viện và tiết kiệm chi phí điều trị. Đây là phương pháp an toàn với mọi lứa tuổi, đặc biệt là người bệnh cao tuổi mắc ung thư dạ dày giai đoạn sớm và có nhiều bệnh lý nội khoa mạn tính như tim mạch, nội tiết…
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, ung thư dạ dày hoàn toàn có thể phòng ngừa và phát hiện sớm, do đó người dân nên duy trì chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý, ăn các thức ăn chứa nhiều vitamin A, B, E.
Hạn chế ăn đồ ăn mặn vì chúng chứa nhiều nitrit và amin thứ cấp khi vào dạ dày sẽ kết hợp thành chất độc nguy cơ gây ung thư. Đồng thời hạn chế ăn đồ hun khói, nướng, chiên vì các thức ăn này chứa rất nhiều chất độc gây ung thư. Từ bỏ thói quen hút thuốc lá, uống rượu bia, chất kích thích và có chế độ nghỉ ngơi, luyện tập thể dục thể thao hợp lý, điều độ.
Quan trọng nhất là tầm soát ung thư dạ dày để bảo vệ sức khỏe của mình, nếu được phát hiện sớm căn bệnh này hoàn toàn có thể kiểm soát tốt, chất lượng điều trị hiệu quả rất cao. Người dân nên đi thăm khám sớm khi có dấu hiệu bất thường, đồng thời thiết lập thói quen khám định kỳ 6 tháng/lần để có thể phát hiện được bệnh giai đoạn sớm, nâng cao hiệu quả điều trị.