Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát trong chuyến kiểm tra tình hình khô hạn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận vào ngày 21/2.
Đào mương chống hạn ở Bình Định.
Tại tỉnh Bình Thuận, tính đến ngày 19/2, lượng nước trữ trong các hồ chứa thủy lợi trên toàn tỉnh chỉ còn 111,3 triệu/216,5 triệu m3, đạt 51,4% dung tích thiết kế. Ngoài ra, lượng nước trữ tại hồ chứa Đại Ninh chỉ còn 73,29 triệu/251,73 triệu m3 giảm 59,62 triệu m3 so với cùng kỳ năm ngoái và hồ chứa Hàm Thuận là 336,24 triệu m3/522,50 triệu m3 giảm 96,709 triệu m3 so với cùng kỳ năm ngoái. Do lượng nước thiếu hụt nghiêm trọng trong mùa khô năm 2016 nên đã ảnh hưởng lớn đời sống, sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Huỳnh Văn Điển- Chủ tịch huyện Tuy Phong cho biết: Trong mùa khô 2014-2015, do tình hình khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, tình hình hạn hán trên địa bàn huyện Tuy Phong kéo dài từ năm 2014 đến tháng 8 năm 2015, vì vậy sản xuất nông nghiệp năm 2015 chỉ được 2 vụ Đông xuân 2014- 2015 và vụ mùa 2015, không sản xuất vụ hè thu 2015 (tổng diện tích sản xuất đất nông nghiệp dao động từ 2.500 - 2.900 ha thùy theo mùa vụ); sản suất lương thực có hạt đạt 27.817 tấn. Trong 2 năm 2014-2015, hạn hán ảnh hưởng nặng nhất là trên địa bàn hai xã Vĩnh Hảo và Vĩnh Tân, lượng mưa ở 2 xã đạt mức thấp so với các năm.
Còn lúc này, lượng nước trong hồ Đá Bạc lúc này chỉ dao động từ 1-1,5 triệu m3 (sức chứa của hồ đạt 4,7 triệu m3); trong khi đó để có nước cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân và tổ chức sản xuất nông nghiệp do diện tích trên địa bàn hai xã thì lượng nước trong hồ Đá Bạc phải có từ 3-4 triệu m3.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, tình hình khô hạn có khả năng còn kéo dài và gay gắt hơn so với nhiều năm. Do đó lãnh đạo địa phương cần theo dõi sát sao, chủ động lên phương án ứng phó, cần có phương án điều tiết nước phù hợp với tình hình của các hồ chứa mà trước tiên là ưu tiên nguồn nước cho nhân dân sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và nước uống cho gia súc. Bộ trưởng đề nghị địa phương phải ưu tiên cho phương án nào mà nhiều người dân được hưởng lợi từ nguồn nước nhất như: các cây trồng chịu hạn, cây trồng chuyển đổi ít sử dụng nước…
Cùng ngày, Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng đoàn công tác đã đến thị sát tại dự án tưới Phan Rí-Phan Thiết, thăm 2 kênh dẫn nước Cà Dây-Tà Pao và kênh dẫn nước Lòng Sông-Đá Bạc của tỉnh Bình Thuận.