Xã hội

Chủ động tháo gỡ vướng mắc trong triển khai Chương trình 1719

PV 04/11/2023 16:01

Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) là cơ hội để tỉnh Cao Bằng ổn định đời sống cho đồng bào DTTS nghèo nơi đây.

6.-them-vao-doan-1.jpg
Huyện Trùng Khánh, Cao Bằng chủ động tháo gỡ khó khăn để thực hiện Chương trình MTQG 1719 hiệu quả. Ảnh: Thủy Vũ.

Vướng mắc do chồng chéo địa bàn đầu tư

Với tỷ lệ DTTS chiếm gần 95% dân số toàn tỉnh, diện tích 90% là đất rừng, đồi núi, lại là tỉnh biên giới nên điều kiện kinh tế - xã hội Cao Bằng còn nhiều khó khăn. Do đó, việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm đặc biệt.

Chương trình MTQG 1719 ở Cao Bằng có toàn bộ 10 dự án, 13 tiểu dự án, 15 nội dung đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương hơn 5.776 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 288 tỷ đồng, vốn tín dụng chính sách (dự kiến) hơn 1.434 tỷ đồng.

Tuy nhiên việc thực hiện và giải ngân nguồn vốn còn một số vướng mắc, do có sự chồng chéo địa bàn đầu tư với một số chương trình MTQG khác nên khó khăn cho việc lồng ghép nguồn vốn thực hiện các chương trình; một số văn bản hướng dẫn chưa cụ thể nên địa phương còn lúng túng trong quá trình tổ chức thực hiện. Do đó, kết quả thực hiện các dự án, tiểu dự án còn hạn chế.

Sau 2 năm triển khai Chương trình MTQG 1719, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS bình quân giảm trên 4%/năm; 100% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, do một số dự án đầu tư xây dựng cơ bản nguồn vốn trong và ngoài ngân sách triển khai còn chậm; công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, một số địa phương triển khai còn thụ động và phân bổ nguồn lực chưa hợp lý. Đặc biệt, chất lượng khám chữa bệnh ở một số cơ sở y tế chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, chủ động tháo gỡ vướng mắc

Giai đoạn 2021 – 2025, tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương của 3 chương trình MTQG được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh là hơn 6.624 tỷ đồng. Năm 2023, tỉnh Cao Bằng giao 2.448 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện chương trình MTQG, trong đó, vốn ngân sách Trung ương 2.395 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh 52,640 tỷ đồng. Trong các năm 2021, 2022 và đầu năm 2023, tỉnh Cao Bằng đã huy động lồng ghép nhiều nguồn vốn để thực hiện các CTMTQG với tổng số vốn thực hiện hơn 14.600 tỷ đồng.

Xác định Chương trình MTQG 1719 rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo của tỉnh, tỉnh Cao Bằng đã kiến nghị Thủ tướng cho phép tỉnh chủ động điều chuyển nguồn vốn giữa các dự án của từng chương trình MTQG phù hợp với tình hình thực hiện thực tế tại địa phương.

UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch thực hiện 3 chương trình MTQG giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và hằng năm để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với thực tiễn địa phương, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện. Đến nay, 10/10 huyện, thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, 100% các xã đã thành lập Ban Quản lý xã để thực hiện các dự án trên địa bàn.

Ngày 13/9/2022 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 29/2022/QĐ-UBND về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Việc phân cấp cho cấp huyện chủ động quyết định, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện các chương trình MTQG thể hiện sự chủ động, sáng tạo của tỉnh Cao Bằng. Hiện cấp huyện đã có đủ bộ máy, cơ quan chuyên môn chuyên trách nên việc giao cấp huyện sẽ bảo đảm tính chủ động, kịp thời trong điều chỉnh nguồn vốn của các dự án.

Công trình đường liên xã Quang Trung - Tri Phương, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng có nguồn vốn đầu tư từ Chương trình MTQG 1719. Ảnh: baodantoc.vn
Công trình đường liên xã Quang Trung - Tri Phương, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng có nguồn vốn đầu tư từ Chương trình MTQG 1719.

Huyện Trùng Khánh là một trong những đơn vị được coi là một điển hình của Cao Bằng khi chủ động tháo gỡ vướng mắc để triển khai các dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 hiệu quả. Trong thực hiện giải ngân nguồn vốn từ Dự án 1 - Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt thuộc Chương trình MTQG 1719, để tháo gỡ khó khăn về cơ chế, huyện Trùng Khánh đã mạnh dạn điều chỉnh nguồn vốn từ Dự án 1 Chương trình MTQG 1719 sang dự án khác, phát huy hiệu quả sử dụng vốn của Chương trình.

Thực tế tại huyện Trùng Khánh cho thấy, tiến độ giải ngân các Chương trình MTQG trên địa bàn huyện rất tốt, đều đạt trên 70%. Kinh nghiệm của huyện Trùng Khánh là chuẩn bị từ sớm, rà soát kỹ các đối tượng thụ hưởng, do đó, khi Trung ương và tỉnh cấp vốn là huyện tiến hành giải ngân được ngay. Đây cũng là kinh nghiệm từ thực tiễn cho các tỉnh thụ hưởng Chương trình MTQG 1719 trong việc tạo cơ chế linh hoạt cho các địa phương chủ động, không quy định cứng nhắc, sẽ giúp giải ngân cho các dự án, chương trình nhanh hơn. Đối với mỗi chương trình lớn được chia thành các dự án, tiểu dự án nhỏ và được các cơ quan chuyên môn các cấp ban hành hướng dẫn kịp thời. Đối với mỗi nguồn vốn cụ thể được Ủy ban nhân dân huyện phân bổ cho các dự án của xã được huyện thường xuyên quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động tháo gỡ vướng mắc trong triển khai Chương trình 1719