Chủ động thích ứng với phòng vệ thương mại

H.Hương-M.Sang 13/07/2023 06:34

Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), ngày 3/7 Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng của đợt rà soát lần thứ hai lệnh áp thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam.

Ngành thép chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại.

Tại kết luận này, DOC quyết định tiếp tục áp thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm mắc áo thép nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế 31,58% (trừ một công ty bị áp dụng thuế suất riêng là 90,42%). Mức thuế này không thay đổi so với mức thuế hiện hành.

Theo Cục Phòng vệ thương mại (PVTM), vụ việc được DOC thông báo khởi xướng từ ngày 3/4/2023 và không có doanh nghiệp (DN) Việt Nam nào tham gia rà soát. Cục PVTM khuyến cáo, các nhà xuất khẩu mới của Việt Nam (nếu có) cần liên hệ với DOC trước khi xuất khẩu để được tính toán mức thuế chống trợ cấp riêng, nếu không sẽ phải chịu mức thuế chung là 31,58%.

Trước đó, số liệu từ Cục PVTM cho biết, đến hết tháng 6/2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 231 vụ việc PVTM do các nước khởi kiện; trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (128 vụ việc); tiếp đó là các vụ việc tự vệ (47 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp PVTM (33 vụ việc) và chống trợ cấp (23 vụ việc).

Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, các nước đã khởi kiện 4 vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (3 vụ việc chống bán phá giá của Hoa Kỳ với máy xịt rửa chạy bằng gas áp lực cao, giá để đồ bằng thép, túi mua hàng bằng giấy; 1 vụ việc tự vệ của Philippines với vỏ bình gas bằng thép.

Là một quốc gia chủ động và tích cực tham gia vào tiến trình hội nhập, Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của WTO và đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và khu vực. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 FTA, trong đó có những FTA thế hệ mới với cam kết toàn diện như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP).

Theo Bộ Công thương, mặc dù WTO và các FTA đều hướng đến mục tiêu dỡ bỏ các rào cản và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại phát triển, nhưng vẫn cho phép các nước thành viên sử dụng một số công cụ chính sách thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước đối với hàng hóa nhập khẩu.

Theo Cục trưởng Cục PVTM Trịnh Anh Tuấn, các vụ việc điều tra PVTM đối với Việt Nam đến nay chủ yếu là chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, đến từ các thị trường thường xuyên điều tra PVTM với ta như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc... Các mặt hàng bị điều tra khá đa dạng, từ các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch vài chục triệu đến tỷ USD. Trong đó, thép, sợi… là những mặt hàng thường xuyên bị điều tra theo xu hướng chung trên thế giới.

Ông Tuấn cho biết, Cục PVTM đã và đang tiếp tục chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, DN xử lý hiệu quả thông qua các hoạt động đa dạng như: Cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra PVTM để DN chủ động xây dựng kế hoạch xử lý; trao đổi kịp thời với hiệp hội, DN để cung cấp thông tin cập nhật giúp DN nắm được diễn biến vụ việc; tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể cho DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chủ động thích ứng với phòng vệ thương mại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO