Mùa mưa bão năm 2025 được dự báo sẽ có diễn biến bất thường và khó đoán định. Trước tình hình đó các địa phương cần chủ động triển khai nhiều giải pháp ứng phó nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là công tác bảo vệ đê điều.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, năm 2024, thiên tai diễn ra khốc liệt, cực đoan gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Đầu mùa mưa bão năm 2025, thiên tai bất thường cũng đã gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh miền núi phía Bắc. Đêm 9 và ngày 10/5, tại Tuyên Quang đã xảy ra mưa lớn kèm giông lốc khiến 282 ngôi nhà của người dân bị hư hỏng; hơn 382ha lúa và hoa màu bị ngập úng, cây lâm nghiệp gãy đổ; ước tính thiệt hại hơn 7,4 tỷ đồng; ngày 15/5, mưa lớn gây sạt lở đất tại Sa Pa (Lào Cai) gây sạt lở đất làm 1 người chết...
Để chủ động trong công tác hộ đê, phòng, chống lụt bão, ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết, bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi năm 2025, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung tổ chức tổng kết, đánh giá công tác bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn; bổ sung phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị làm việc nhằm nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, ứng phó trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn công trình đê điều, thủy lợi; chuẩn bị kỹ lưỡng các phương án cứn hộ cứu nạn. “Kiểm tra, đánh giá kỹ hiện trạng hệ thống công trình đê điều, thủy lợi nhằm phát hiện những hư hỏng, các yếu tố bất lợi có nguy cơ đe dọa an toàn công trình; chủ động xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân đội đóng trên địa bàn để chuẩn bị hộ đê, bảo vệ công trình theo phương án được duyệt...” - Bộ trưởng Đỗ Đức Duy yêu cầu.
Nhận định về tình hình mưa lũ năm 2025, PGS.TS Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, mùa bão 2025 có thể không có những dấu hiệu cực đoan rõ ràng như các năm ENSO mạnh, nhưng tính khó lường về quỹ đạo và cường độ có thể tăng lên và khó đoán định hơn. Ông Khiêm cũng dự báo khả năng cao cơn bão đầu tiên có thể xuất hiện vào cuối tháng 5 hoặc trong tháng 6 năm 2025.
Trước tình hình đó, ông Khiêm cho rằng, công tác chuẩn bị ứng phó phải luôn được chủ động; các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần cập nhật các phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đặc biệt chú ý đến các kịch bản bão mạnh, bão có quỹ đạo phức tạp, bão gây mưa lớn; tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn các hồ chứa nước, đê điều, hệ thống tiêu thoát nước, các công trình xây dựng ven biển trường mùa mưa bão, đảm bảo khả năng chống chịu trước bão lũ; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân về các biện pháp phòng, chống bão; đặc biệt là cần đẩy mạnh việc tích hợp và phổ biến các hình thức cảnh báo sớm dựa trên công nghệ mới.
Đối với người dân cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo bão từ các cơ quan khí tượng thủy văn qua các kênh truyền thống và các ứng dụng cảnh báo thiên tai; rà soát, gia cố lại nhà cửa; chặt tỉa cành cây lớn gần nhà có nguy cơ gãy đổ; sẵn sàng di dời đến nơi an toàn nếu có lệnh sơ tán; chuẩn bị sẵn các vật dụng thiết yếu (đèn pin, nước uống, lương thực khô, thuốc men) đủ dùng trong vài ngày. “Để đảm bảo an toàn, người dân tuyệt đối không ra ngoài khi trời mưa to, bão đang đổ bộ. Tránh xa các khu vực nguy hiểm như bờ sông, bờ biển, vùng trũng thấp, nơi có nguy cơ sạt lở đất; đề phòng tai nạn do điện giật, cây đổ, vật bay...” - ông Khiêm khuyến cáo.