Việt Nam đang tích cực đàm phán với các nhà sản xuất vaccine nhằm mang về 150 triệu liều và tạo miễn dịch cộng đồng ngay trong năm 2021.
Tới thời điểm này, các quốc gia trên thế giới đều đẩy mạnh việc tiêm chủng vaccine Covid-19 để sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Malta là nước có tỷ lệ tiêm vaccine cao nhất châu Âu với khoảng 66% dân số đã được tiêm. Tiếp theo là Anh 61%, Iceland 55%, Hungary 54%. Ở Mỹ, 52% dân số đã được tiêm vaccine.
Tại châu Á, Israel là nước đã thành công trong cuộc chiến chống Covid-19 nhờ chiến dịch tiêm vaccine được triển khai diện rộng.
Hơn 70% người dân Israel độ tuổi từ 20 trở lên đã được tiêm 2 mũi và nước này đang lên kế hoạch tiêm cho nhóm trẻ em 12-15 tuổi. Nhờ đó, Israel đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế xã hội, mở cửa trở lại toàn bộ các hoạt động từ đầu tháng 6.
Thực tế cho thấy pháp tối ưu để bảo vệ tính mạng người dân trước dịch bệnh, trong đó có đại dịch Covid-19.
Với Việt Nam ta, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chúng ta đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn, khống chế, kiểm soát dịch Covid-19 một cách hiệu quả, ít tổn thất nhất. Không chỉ phòng ngự, chúng ta đã chuyển sang thế tấn công chống dịch, trong đó vaccine được xác định là vũ khí chiến lược.
Việt Nam đang tích cực đàm phán với các nhà sản xuất vaccine nhằm mang về 150 triệu liều và tạo miễn dịch cộng đồng ngay trong năm 2021.
Cùng với nguồn ngân sách của Nhà nước, các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức trên toàn quốc đã tích cực tham gia đóng góp thông qua các kênh chính thống, chung tay góp sức chống đại dịch Covid-19.
Trong đó, việc ra đời của Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 đã và đang tiếp tục nhận được sự ủng hộ của toàn xã hội. Việc có thêm nguồn đóng góp vào Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 sẽ tăng khả năng để Việt Nam nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất và sử dụng vaccine phòng Covid-19 một cách rộng rãi cho người dân cả nước.
Tại Lễ ra mắt Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu đầy tâm huyết: “Đây là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để chúng ta cùng nhau vượt qua khó khăn, tạo nên một Việt Nam chiến thắng, để một lần nữa chúng ta ghi danh, viết nên lịch sử chiến thắng vẻ vang của dân tộc - chiến thắng đại dịch Covid-19”.
Tới nay, chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 đang được đẩy mạnh, nhất là với những lực lượng trên tuyến đầu dập dịch, đối tượng nguy cơ cao, những địa phương có dịch.
Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tại nước ta bùng phát với đặc điểm đa nguồn dịch, đa hình thái, đa chủng lây nhiễm. Theo các nhà khoa học, virus SARS-CoV-2 sẽ không tự mất đi mà sẽ tồn tại lâu dài, bởi vậy vaccine là giải pháp căn cơ để ứng phó với đại dịch.
PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, virus SARS-CoV-2 biến đổi liên tục. Trong khi chưa có thuốc đặc trị, các quốc gia trên thế giới đều thống nhất vaccine là biện pháp hữu hiệu để giải quyết triệt để và hiệu quả nhất dịch bệnh Covid-19.
Cùng với việc tích cực đàm phán nhập khẩu vaccine thì Việt Nam đang rất nỗ lực, gấp rút phát triển vaccine Covid-19 của riêng mình. Ông Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, hiện nước ta có 2 nhà sản xuất đang nghiên cứu, phát triển vaccine phòng Covid-19 trong đó 1 ứng viên vaccine đã được phê duyệt thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 là vaccine Nanocovax của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen.
Đáng chú ý, do điều kiện cấp thiết về vaccine phòng chống dịch bệnh, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã tổ chức nhiều cuộc họp, thảo luận kỹ và thống nhất cho phép triển khai gối đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo đúng các quy định chặt chẽ về tính khoa học, đảm bảo chất lượng vaccine.
Mới đây, trước việc xuất hiện chùm ca dương tính với SARS-CoV-2 trong một số nhân viên Bệnh viện bệnh Nhiệt đới TP HCM, có người hoài nghi, lo lắng về hiệu quả của việc tiêm ngừa vaccine AstraZeneca. Tuy nhiên, theo giới chuyên môn, thì đó là xác xuất hiếm gặp còn thì vaccine vẫn là vũ khí quan trọng quyết định cục diện cuộc chiến chống Covid-19.
Theo GS.TS.BS Trần Tịnh Hiền - Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, chuyên gia đầu ngành về bệnh truyền nhiễm thì BV bệnh Nhiệt đới TP HCM đang ở thời khắc khó khăn nhưng cần bình tĩnh để nhận định tình hình.
GS Hiền dẫn kết luận tài liệu công bố trên Tạp chí Y khoa The Lancet (Mỹ) rằng, vaccine AstraZeneca có một độ an toàn chấp nhận được và có hiệu quả làm giảm các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 có triệu chứng, không có trường hợp nào phải nhập viện hay trầm trọng trong nhóm tiêm chủng (giúp giảm bệnh nặng và tử vong).
“Tác động tốt của vaccine là không thể chối cãi đang được chứng tỏ ở Mỹ, Anh cũng như ở nhiều quốc gia khác và con đường duy nhất để thoát khỏi đại dịch Covid-19 là tiêm vaccine có chất lượng tốt, càng nhiều càng tốt, càng sớm càng tốt” - GS Hiền khuyến cáo.
Thông tin từ BV bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho tới nay hầu hết nhân viên y tế xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 ít có triệu chứng bệnh (52/53 người). Có nghĩa là tải lượng virus rất thấp.
Cần nhận thức một cách sâu sắc rằng, Chính phủ đã và đang dồn lực cho cuộc chiến chống Covid-19 để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Chính phủ đang rất khẩn trương tìm kiếm các nguồn vaccine từ bên ngoài cũng như đẩy nhanh tiến độ phát triển vaccine trong nước, cũng là để bảo vệ sức khỏe nhân dân. Với ý nghĩa đó, thông điệp “5K + vaccine + công nghệ” chính là chiến lược nhất quán của đất nước trong cuộc chiến chống Covid-19.