Mới đây, việc hàng trăm chủ quán karaoke tại Hà Nội cùng nhau ký vào đơn kiến nghị gửi các cấp thành phố, Trung ương sau việc thực hiện quy định về phòng cháy, chữa cháy, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc kinh doanh karaoke, đã gây sự chú ý của dư luận.
Karaoke là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, lâu nay mang nhiều điều tiếng, kể cả có những vụ cháy làm nhiều người chết. Nhưng đó vẫn là kinh doanh được phép, tất nhiên là phải đáp ứng đầy đủ các quy định, trong đó có quy định về phòng cháy, chữa cháy. Vì thế, nếu chưa có quy định mới và họ đã đáp ứng được quy định phòng cháy, chữa cháy thì phải để họ hoạt động.
Số liệu từ cơ quan chức năng, Hà Nội có 1.538 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường. Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng ra quyết định tạm đình chỉ và đình chỉ hoạt động hơn 1.100 quán karaoke, bar, vũ trường không đảm bảo phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn.
Nhìn vào con số trên mới thấy đây là hoạt động kinh doanh “rất sôi nổi”, đồng thời cũng có quá nhiều cơ sở vi phạm. Những vi phạm “phổ biến” ấy nếu không từ những vụ cháy gây chết nhiều người thì có lẽ cũng sẽ không bị “phát lộ” và vẫn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Thực tế thì nhiều chủ kinh doanh karaoke tuân thủ sự kiểm tra, kể cả xử phạt hành chính của cơ quan chức năng. Vì thế cũng không cần thiết phải tạm dừng hoạt động khi họ đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu đặt ra. Việc “tạm dừng” quá lâu hoạt động karaoke vì lý do phòng cháy, chữa cháy vì thế được coi là chưa thỏa đáng, làm khó cho người kinh doanh lĩnh vực này.
Nhiều chủ kinh doanh karaoke ở Hà Nội cho biết, sau khi xảy ra 2 vụ cháy trên đường Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) ngày 2/8/2022 và ở An Phú (Bình Dương) ngày 6/9/2022, họ càng ý thức hơn trách nhiệm của chủ cơ sở với vấn đề phòng cháy chữa cháy, nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật. Đầu tư cho một quán karaoke là rất lớn, vài trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng. Vì thế, khi họ đã thực hiện đầy đủ các điều kiện theo quy định thì việc càng kéo dài thời gian tạm dừng thì họ càng khó khăn, kiệt quệ, nhất là khi phải đi vay lãi từ rất nhiều nguồn, kể cả tìm đến tín dụng đen.
Một số chủ kinh doanh karaoke cho biết, từ ngày 8/10/2022, lực lượng quản lý về phòng cháy, chữa cháy các quận, huyện tại Hà Nội thực hiện kiểm tra toàn bộ các cơ sở kinh doanh karaoke trên địa bàn thành phố. Sau đợt kiểm tra này, rất nhiều cơ sở bị dừng hoạt động, tạm đình chỉ từ đó đến nay bởi theo kết luận trong biên bản kiểm tra là “không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy”.
Trong khi đó, một số chủ kinh doanh karaoke cho biết, các quy định về phòng cháy, chữa cháy lại hay thay đổi khiến các nhà đầu tư rất khó khăn trong việc thực hiện, trong đó có những quy định khó áp dụng vào thực tế. Họ cho rằng cần có những quy định vừa đảm bảo được an toàn về cháy nổ nhưng cũng đảm bảo tính khả thi, tháo gỡ vướng mắc để họ làm ăn.
Thực tế thì các chủ quán karaoke không ai mong muốn tài sản của mình đầu tư ra rồi phải chịu trách nhiệm hình sự khi vi phạm, hoặc bị đóng cửa. Số tiền đầu tư rất lớn cùng với nhiều khoản chi phí, nợ nần cũng rất lớn nếu không được hoạt động sẽ hết sức khó khăn.
Việc tạm dừng hoạt động của hàng trăm quán karaoke tại Hà Nội cũng đã lâu. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần đưa ra các giải pháp tháo gỡ cho các cơ sở đủ điều kiện sớm được trở lại kinh doanh.