Hai huyện mà Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhắc đến là huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh.
Ngày 24/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa; Tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo.
Không bố trí vốn cho dự án chỉ là nguỵ biện
Liên quan đến tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 và kế hoạch triển khai dự án đường Hồ Chí Minh giai đoạn tiếp theo, đại biểu (ĐB) Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang), việc cho rằng không bố trí được vốn cho dự án chỉ là... lý do. Vì đây là dự án quan trọng quốc gia thì phải tập trung ưu tiên mọi nguồn lực.
“Nhiều nơi không thi công được phải trả lại vốn, tỷ lệ giải ngân thấp. Vậy dự án không có khả năng vẫn bố trí vốn, còn dự án quan trọng lại không được bố trí vốn. Đó là trách nhiệm của các cơ quan trong tham mưu, vì vậy làm rõ trách nhiệm trong việc tham mưu bố trí, giải ngân vốn cho dự án. Dự án đường Hồ Chí Minh đã mấy chục năm vẫn chưa xong, bây giờ cần tổng kết để tiếp tục triển khai, đưa dự án vào trong tổng thể quy hoạch quốc gia để đối chiếu so sánh và bảo trì bảo dưỡng” - ông Lâm cho hay.
Cùng quan điểm, ĐB Trần Đức Thuận (đoàn Nghệ An) cũng cho rằng, cần kiểm điểm nguyên nhân để rút kinh nghiệm trong các dự án tiếp theo.
Tuy nhiên, ông Thuận trăn trở về nguồn vốn để huy động nguồn lực khi trong thời gian tới rất nhiều dự án được triển khai, xây dựng. Dự án mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh mà để như thế, chứng tỏ công tác quan tâm chỉ đạo chưa được quan tâm.
Còn ĐB Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hoà) cho rằng dự án đường Hồ Chí Minh chậm nguyên nhân ở khâu tổ chức thực hiện. Do đó Quốc hội cần tăng cường giám sát, và Chính phủ cần có quyết liệt hơn trong chỉ đạo thực hiện để dự án hoàn thành đúng mục tiêu ban đầu đề ra.
Cần sửa khoản 4 của Điều 3
Phát biểu tại tổ liên quan đến dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng: Cần sửa khoản 4 của Điều 3. Bởi quy định như vậy là rất tốt nhưng khi thực hiện sẽ khó khăn.
Theo đó HĐND tỉnh Khánh Hoà quyết định cho phép các huyện, thị xã, thành phố được sử dụng ngân sách cấp huyện, thị xã, thành phố và các nguồn lực khác của tỉnh để hỗ trợ huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh trong việc phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, chương trình mục tiêu quốc gia, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới phát triển kinh tế xã hội và vùng đồng bằng dân tộc miền núi.
Ông Đỗ Văn Chiến cho rằng, “vấn đề trên nghe rất đầy đủ nhưng khi thực hiện sẽ khó”.
Lý giải, ông Chiến cho hay: Vì được sử dụng ngân sách nhưng lại chỉ được sử dụng cho các vấn đề trên. Cho nên cần bổ sung thêm “được sử dụng nguồn hợp pháp của ngân sách tỉnh, các ngân sách thành phố hỗ trợ cho huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh phát triển kinh tế xã hội”.
“Vì sau này muốn làm con đường giao thông, công trình thuỷ lợi, hay trường học, trạm y tế không nằm trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia thì không được sử dụng ngân sách. Vì là vùng khó khăn nên thực hiện phát triển kinh tế xã hội là chính, còn thực hiện những cái này chỉ là thực hiện kèm theo. Nếu không có “đầu tư phát triển kinh tế xã hội” thì chỉ nằm trong phạm vi cấp độ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Đây là vấn đề cần xem xét lại mở rộng thêm. Bởi 2 huyện này là khó khăn nhất và đông đồng bào dân tộc thiểu số” - ông Chiến nói.
Trước đó, thẩm tra về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa, liên quan đến một số chính sách mới “về cho phép các huyện, thị xã, thành phố được sử dụng ngân sách cấp mình quản lý để hỗ trợ huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia”, bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết: Đa số ý kiến trong Ủy ban nhận thấy Nghị quyết 09 đã đề ra mục tiêu đưa “Huyện Khánh Sơn và huyện Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng”.
Tuy nhiên, đây là các huyện nghèo, có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, nguồn lực bố trí để thực hiện phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi rất hạn chế.
Vì vậy, để bảo đảm chia sẻ nguồn lực, việc hỗ trợ ngân sách giữa các đơn vị cấp huyện trong tỉnh Khánh Hòa là hợp lý và cần thiết. Quy định này cũng đã được áp dụng đối với TP Hà Nội. Do đó, nhất trí với quy định này.