Sáng 25/8, tại Hà Nội, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) và Hiệp hội Gas Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn phát triển thị trường khí Việt Nam.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia và nhà quản lý, doanh nghiệp đều thống nhất nhận định rằng, ngành công nghiệp khí và thị trường khí đã và đang khẳng định là một thành phần quan trọng của nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2010-2020, năng lượng khí của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,7% xét trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng, chiếm tỷ trọng 2,3%. Tuy nhiên, xét về cơ cấu năng lượng sơ cấp của Việt Nam, tỷ trọng của năng lượng khí đối với tổng nguồn năng lượng sơ cấp đang có xu hướng giảm, từ 16,1% trong năm 2010 xuống 8,2% trong năm 2020.
Nhằm triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 28/12/2020 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2233/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh. Theo đó, mục tiêu tổng quát của Đề án là: “Xây dựng, hình thành và phát triển thị trường năng lượng (than, khí và điện lực) cạnh tranh lành mạnh, theo từng giai đoạn và có sự điều tiết của Nhà nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia góp phần đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế - xã hội và thực hiện các mục tiêu, chính sách của Đảng và Nhà nước, tăng cường hội nhập quốc tế”. Đặc biệt, đối với thị trường khí, mục tiêu được chỉ ra, cụ thể: “Từng bước xây dựng khung pháp lý làm cơ sở để triển khai mô hình kinh doanh cạnh tranh đối với hoạt động kinh doanh khí CNG, LPG và LNG”.
Đại diện cho Tổng Công ty khí Việt Nam (PV Gas) và cũng là Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch PV Gas cho biết, với 30 năm kinh nghiệm sản xuất và kinh doanh khí, khai thác được 160 tỷ m3 khí, 2 triệu tấn Condensate (khí ngưng tụ), 21 triệu tấn LPG (khí hóa lỏng), PV Gas đã có một mô hình kinh doanh khí phải nói là khá hoàn hảo trong điều kiện Việt Nam hiện nay. Thế nhưng, một công ty chuyên về kinh doanh khí cũng đang gặp những khó khăn nhất định.
Ông Bình cho biết, nguồn cung khí nội địa đang suy giảm dự kiến chỉ còn 7 tỷ m3 khí vào năm 2025 trong khi nhu cầu sử dụng khí đang là xu thế chung trên thế giới, và ở Việt Nam nhu cầu này ngày càng tăng cao, dự báo lên đến 20 tỷ m3 khí vào năm 2025. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu LNG là tất yếu và nguồn cung khí của Việt Nam trong tương lai phụ thuộc vào nhập khẩu khi nguồn cung trong nước giảm. Trong bối cảnh đó, Nghị định 87/2018/NĐ-CP của Chính phủ bắt đầu có những điểm không phù hợp với xu thế thị trường và thực tế sản xuất kinh doanh; chứ chưa nói đến Nghị định 107/2009/NĐ-CP.
Từ thực tiễn hoạt động, bằng sự am hiểu sâu sắc việc kinh doanh khí, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho rằng, Nghị định cũ tuy đã mở rộng thành phần kinh tế tham gia kinh doanh trong lĩnh vực khí; nhưng rõ ràng quy định chưa cụ thể dẫn đến bất cập trong quản lý, giám sát, thực thi, từ đó vẫn còn nhiều hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, quyền lợi của khách hàng.
Đơn cử như hành vi chiếm đoạt chai LPG của chủ sở hữu, sang chiết trái pháp luật vào chai của chủ sở hữu; vi phạm quy định về nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hàng hóa của các doanh nghiệp có uy tín trong sang chiết LPG hiện vẫn không phải là hiếm gặp. Rồi chuyện không đăng ký kinh doanh hoặc kinh doanh khi không đủ điều kiện…
Trước thực tế đã không còn phù hợp của Nghị định 87/2018/NĐ-CP, Chủ tịch Hiệp hội Gas đề nghị cần sớm sửa đổi Nghị định này theo hướng: Tạo dựng và khuyến khích môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, minh bạch từ đó góp phần giúp các DN kinh doanh khí mở rộng sản xuất kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Có như thế mới bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng và các DN làm ăn chân chính. Quan trọng nhất, theo ông Bình là, Nghị định cần cung cấp đủ công cụ, khung pháp lý để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực thi trách nhiệm quản lý, giám sát thị trường một cách hiệu quả nhất.
Đây cũng là mục tiêu được Vụ thị trường trong nước đặt ra trong diễn đàn và được nhiều chuyên gia cùng phân tích tham gia ý kiến với đích đến là góp phần vào sự phát triển bền vững năng lượng nước nhà nói chung và ngành công nghiệp khí nói riêng trong giai đoạn tới, hướng tới đáp ứng, hoàn thành nhiệm vụ và mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã giao.