Theo hạn định, giai đoạn I của dự án đường có tổng kinh phí đầu tư tương đương số thu ngân sách 1 năm của tỉnh Nam Định hết năm 2021 phải hoàn thành.
Ưu tiên tiền, thúc tiến độ
Ngày 24/3, kiểm tra tiến độ thi công giai đoạn 1 tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị hối thúc nhà thầu - Công ty CP Tập đoàn Xuân Trường chậm nhất đến trước ngày 31/12/2021 phải hoàn thành các hạng mục thi công.
Tại cuộc kiểm tra, ông Phạm Đình Nghị yêu cầu nhà thầu Xuân Trường phải xây dựng kế hoạch triển khai thi công cụ thể, báo cáo UBND tỉnh. Ngược lại, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cam kết sẽ ưu tiên cao nhất về kinh cho dự án từ nguồn vốn Trung ương, vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác để nhà thầu đảm bảo tiến độ.
Liên quan đến kiến nghị về giá vật liệu xây dựng của nhà thầu, ông Phạm Đình Nghị giao các Sở Xây dựng, Tài chính nghiên cứu, điều chỉnh.
Liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, trong đó có 4 hộ chưa bàn giao mặt bằng trên đoạn nhánh A-B nối cầu vượt đường sắt với Quốc lộ 10, ông Phạm Đình Nghị yêu cầu UBND huyện Ý Yên phối hợp với chủ đầu tư và các sở, ngành chức năng của tỉnh quyết liệt hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng phương án bảo vệ thi công, kiên trì công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục các hộ chưa đồng ý chấp thuận phương án đền bù giải phóng mặt bằng.
Đồng thời yêu cầu UBND các huyện Nghĩa Hưng, Ý Yên tăng cường công tác quản lý đất đai 2 bên tuyến đường.
Đội vốn 340,5 tỷ đồng, kéo dài thời gian thi công
Dự án xây dựng đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Ðịnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư ngày 17/3/2017 (Quyết định số 335/QÐ-TTg).
Theo Quyết định, tổng chiều dài tuyến đường là 46 km (đi qua địa bàn 17 xã, thị trấn thuộc hai huyện Ý Yên, Nghĩa Hưng của tỉnh Nam Định-PV); điểm đầu giao với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình (thuộc địa phận xã Yên Bằng, huyện Ý Yên); điểm cuối tại Km46+00 (trạm đèn biển Lạch Giang, thuộc địa phận xã Nghĩa Phúc, huyện Nghĩa Hưng).
Dự án thuộc nhóm A, tổng mức đầu tư 4.986 tỷ đồng. Thời gian thực hiện giai đoạn 1 của dự án từ năm 2017 đến năm 2020.
Dự án sau đó được UBND tỉnh Nam Định giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư; nhà thầu - Công ty CP Tập đoàn Xuân Trường (Nam Định) trúng thầu thi công giai đoạn I. Ngày 23/12/2017, giai đoạn 1 của dự án được tỉnh Nam Định tổ chức khởi công.
Tuy nhiên, năm 2020, ở thời điểm trước khi hết hạn định hoàn thành thi công giai đoạn 1 của dự án (hết năm 2020), UBND tỉnh Nam Định có văn bản xin các bộ ngành liên quan và Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh Dự án.
Cụ thể, xin điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án từ 4.986 tỷ đồng lên 5.326,5 tỷ đồng (tăng 340,5 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 335/QÐ-TTg ngày 17/ 3/ 2017)
Xin điều chỉnh tăng vốn đầu tư giai đoạn 1 từ 2.596 tỷ đồng lên 2.839 tỷ đồng, trong đó, giữ nguyên 1.200 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương (trái phiếu Chính phủ), tăng thêm 243 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để đảm bảo đủ 1.639 tỷ đồng trong cơ cấu vốn.
Xin điều chỉnh tăng vốn đầu tư giai đoạn II từ 2.390 tỷ đồng lên 2.487,5 tỷ đồng (tăng 97,5 tỷ đồng so với Quyết định số 335/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ)
Đồng thời, UBND tỉnh Nam Định xin điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, trong đó giai đoạn 1 kéo dài thêm 1 năm, từ năm 2017 đến năm 2021 (Quyết định của Thủ tướng là từ năm 2017 đến năm 2020). Giai đoạn 2 xin được điều chỉnh ấn định từ năm 2021-2025.
Những nội dung xin tăng vốn, kéo dài thời gian thi công trên của UBND tỉnh Nam Định sau đó được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nhà thầu chỉ còn 9 tháng cho hơn 30% khối lượng thi công
Thông tin tại cuộc kiểm tra tiến độ thi công giai đoạn 1 dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị chiều nay cho biết, đến nay về nhiệm vụ giải phóng mặt bằng tỉnh giao cho 2 huyện Ý Yên, Nghĩa Hưng cơ bản hoàn thành.
Báo cáo của nhà thầu cho biết, toàn tuyến gồm 2 gói thầu xây lắp, giá trị khối lượng thi công đến nay đạt khoảng 1.444/2.089 tỷ đồng (69,2%), giá trị nghiệm thu thanh toán đến 31/12/2020 đạt 1.300,5 tỷ/2.089 tỷ đồng (62,26%).
Trong đó gói thầu số 1 (đoạn Km22 đến Km 23+200 và đoạn Km36+400 đến Km46+00, khởi công tháng 12/2017) giá trị khối lượng thi công đến nay đạt khoảng 769 tỷ/1.105,4 tỷ đồng (69,6%). Gói thầu số 2 (đoạn Km0+00 - Km22+00, khởi công tháng 4-2018) giá trị khối lượng thi công đến nay đạt khoảng là 675 tỷ/983,55 tỷ đồng (68,7%).
Các cầu trên tuyến (cầu vượt đường sắt, cầu sông Sắt, Độc Bộ, Đại Tám, Tam Tòa), theo báo cáo của nhà thầu đến nay đã cơ bản hoàn thành, đang thi công hoàn thiện; riêng cầu Quần Liêu đã đúc xong 30/40 dầm, cơ bản hoàn thành đắp gia tải đầu cầu phía Bắc, phần cầu chính đã thi công 11/58 cọc của mố M1 (phía Bắc Quần Liêu).
Liên quan đến đầu tư giai đoạn 2 của dự án, tại cuộc kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành chức năng và UBND các địa phương tập trung hoàn thành hồ sơ, thủ tục theo đúng kế hoạch, trong đó có việc tổ chức đấu thầu các gói thầu tư vấn, hoàn thiện hồ sơ thỏa thuận về giải pháp kỹ thuật các hạng mục liên quan đến đê điều (cầu Đống Cao và đoạn đi chung tỉnh lộ 490C) với Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN và PTNT) từ quý II đến hết quý III-2021.
* Khu vực kinh tế biển của tỉnh Nam Định gồm các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy. Kỳ vọng vào sự phát triển của khu vực này, những năm qua, chính quyền Nam Định có một số động thái nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên.
Trong đó, có việc xúc tiến, triển khai dự án đầu tư đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, đường cao tốc Bắc-Nam. Tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn cũng đã được tỉnh khởi công cuối tháng 9/2020.
Trước đó, cầu Thịnh Long nối hai bờ sông Ninh Cơ,nằm trên tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh cũng đã được khánh thành trong khi cụm công trình kênh nối sông Đáy với sông Ninh Cơ, thuộc Dự án “Phát triển giao thông vận tải khu vực đồng bằng Bắc Bộ” (Dự án WB6) cũng đã và và đang được thi công.
Tại khu vực bãi bồi ven biển huyện Nghĩa Hưng, tỉnh đã và đang hoàn thiện xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông rộng 1.400 ha, trong đó giai đoạn 1 rộng gần 600 ha, xúc tiến đầu tư vào KCN này.
Tháng 5/2020, tỉnh Nam Định cũng công bố quy hoạch chung xây dựng khu chức năng phía nam đô thị Rạng Đông đến năm 2040, với quy mô diện tích lập quy hoạch gần 5000 ha. Tuy nhiên, đến nay, KCN dệt may Rạng Đông mới chỉ thu hút được hai nhà đầu tư thứ cấp.