“Cuộc chiến chống “giặc” tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nếu không làm đến nơi đến chốn sẽ đe dọa nghiêm trọng đến sự tồn vong của Đảng, ảnh hưởng đến tương lai của đất nước. Trong cuộc chiến này, nếu nhân dân và báo chí không tham gia tích cực, việc triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) sẽ khó đạt kết quả như mong muốn”.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi làm việc.
Đó là chia sẻ của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân khi tới thăm báo Thanh Niên chiều 23/3.
Tham gia Đoàn có ông Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Báo chí; ông Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
Quang cảnh buổi làm việc.
Báo cáo về hoạt động của báo Thanh Niên trong thời gian qua, Tổng biên tập Nguyễn Quang Thông cho biết: Là cơ quan của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, được thành lập năm 1986, báo Thanh Niên hiện có 474 công chức, viên chức, người lao động. Báo có 2 tòa soạn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, 9 văn phòng đại diện trong và nước ngoài.
Hiện báo Thanh Niên có các kênh báo in, báo điện tử. Các tin bài đã đăng luôn theo sát định hướng của Đảng, Nhà nước trong hoạt động nghiệp vụ, bám sát thời sự các vấn đề dân sinh được dư luận quan tâm, không né tránh các đề tài mới, gai góc. Bên cạnh đó trong năm, báo cũng đã có 207 bài viết về gương người tốt việc tốt.
Đặc biệt hưởng ứng việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, trong thời gian qua, báo Thanh Niên đã tích cực triển khai thực hiện các tuyến bài đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trên mặt báo tạo dấu ấn xã hội tích cực, xây dựng niềm tin trong lòng bạn đọc.
>> Để nhà báo không ‘chùn tay’ chống tham nhũng
“Bên cạnh những việc làm được tuyên dương, những việc chưa làm được cũng được kiểm điểm nghiêm túc để báo trưởng thành hơn, hạn chế những sai sót trên các kênh thông tin của báo. Trong năm 2017, tập thể lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên báo Thanh Niên sẽ không ngừng nâng cao tư tưởng, đạo đức, năng lực người làm báo hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đóng góp vào sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam”, nhà báo Nguyễn Quang Thông chia sẻ.
Báo cáo với Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, tập thể phóng viên, biên tập viên của Báo Thanh Niên đã có nhiều kiến nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các nhà báo trong quá trình tác nghiệp.
Ông Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập báo Thanh Niên phát biểu tại buổi làm việc.
Phóng viên Thái Sơn đề nghị MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam kiến nghị các cơ quan chức năng điều chỉnh chính sách trong việc cung cấp thông tin. "Nếu báo chí không được cung cấp thông tin chính thống buộc phải lấy thông tin từ bên ngoài dẫn đến câu chuyện hỗn loạn thông tin báo chí".
Theo nhà báo Xuân Vũ, nhà báo luôn phải đối mặt với những nguy hiểm rủi ro. Việc chống tham nhũng ngại nhất là sự cô đơn, nản lòng buông xuôi. Nếu còn những rào cản thông tin thì báo chí không có những nguồn tin để chống tham nhũng.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi cho rằng, nhà báo bên cạnh thuận lợi còn gặp nhiều khó khăn thậm chí rủi ro. "Nếu không có cơ chế thì rất khó tác nghiệp". Mặc dù có Luật Báo chí, trách nhiệm về cung cấp thông tin tuy nhiên các cơ quan chức năng còn né tránh, đặt phóng viên vào tình trạng rủi ro qua việc tiếp cận những thông tin không chính thống.
Từ thực tế trên, ông Lợi mong các cơ quan quản lý và bảo vệ pháp luật phải mạnh mẽ hơn trong cung cấp thông tin cho báo chí, coi đây là trách nhiệm, không né tránh. Bên cạnh đó cần có cơ chế bảo vệ đối tượng cung cấp nguồn tin, cơ chế bảo vệ các nhà báo.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhắc lại khẳng định của Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tại Hội báo toàn quốc 2017: Báo chí không cô đơn trong cuộc chiến chống tham nhũng vì luôn được Đảng, Nhà nước và MTTQ Việt Nam ủng hộ, cổ vũ và bảo vệ bằng trách nhiệm chính trị và pháp luật và toàn dân ủng hộ.
”Đây là sự ủng hộ mạnh mẽ để các nhà báo vững bước trong tuyến đầu chống tham nhũng. Mong MTTQ Việt Nam hỗ trợ, khích lệ, làm chỗ dựa để báo chí phát huy tinh thần trong cuộc chiến đấu chống tham nhũng - cuộc chiến gay go và quyết liệt nhất”, ông Hồ Quang Lợi bày tỏ.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tặng bút cho nhà báo Nguyễn Quang Thông, Tổng biên tập báo Thanh Niên.
Chia sẻ với tập thể lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên Báo Thanh Niên Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, trong thời gian qua, báo Thanh Niên luôn đồng hành cùng Đảng, nhân dân, MTTQ Việt Nam chống tham nhũng. Cuộc chiến chống “giặc” tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nếu không không làm đến nơi đến chốn, tương lai đất nước, vận mệnh của đất nước sẽ bị đe dọa. Trong thời bình, báo chí chống tham nhũng là chống nội xâm, góp phần triển khai Nghị quyết Trung ương 4.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cuối năm 2016, Trung ương Đảng có Nghị quyết 04 về củng cố xây dựng Đảng, khắc phục tình trạng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" với tinh thần quyết liệt và hiệu quả hơn nữa. Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, nếu chỉ có Đảng, chính quyền thực hiện mà nhân dân, báo chí không tham gia thì sẽ không hiệu quả. Chính từ lý do đó, Mặt trận đã xây dựng đề án, trong đó phát động Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.
“Đây là việc làm nhạy cảm nhưng cũng vô cùng cấp bách vì những vụ việc mà báo chí nêu thời gian qua phản hồi chưa được như mong muốn thì hiệu quả của hoạt động báo chí chưa cao”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Đánh giá cao những đóng góp của báo Thanh Niên trong việc hưởng ứng thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng trong 17 ngày của đầu tháng 3, mỗi ngày báo đều có bài về đấu tranh phòng chống tham nhũng nhưng cần hỗ trợ để những bài báo đó phát huy hiệu quả.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân, báo Thanh Niên cũng đã đăng tải 207 bài viết về gương người tốt việc tốt trong năm 2016. “Đây là tiền đề tốt, cần đi sâu vào những nội dung về gương người tốt việc tốt tạo sự quan tâm của xã hội và từ đó tác động đến bạn đọc” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gợi mở.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cũng lưu ý báo Thanh Niên trong thời gian tới cần lựa chọn tính chất của vụ việc để phản ánh từ đó tạo sự phản hồi, tăng sức thuyết phục của bài báo. Đối với từng vụ việc cụ thể, báo có thể phối hợp cùng Mặt trận. Những nỗ lực phản ánh tiêu cực, tham nhũng của báo chí trung thực khách quan thì Đảng, Nhà nước, MTTQ sẽ đồng hành cùng báo chí.
Đối với những vụ việc tiêu cực, tham nhũng báo chí đã nêu, liên quan đến địa phương nào thì Mặt trận tại địa phương đó phải có kiến nghị để chính quyền địa phương quan tâm xử lý.
“Nếu chưa chuyển biến thì UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ có ý kiến kiến nghị địa phương. Nếu không chuyển sẽ báo cáo Chính phủ. Những vụ việc kéo dài, phức tạp chưa được được xử lý, Mặt trận sẽ kiến nghị với Quốc hội, Chủ tịch nước”, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân tặng hoa chúc mừng báo Thanh Niên.
Với những kiến nghị của các nhà báo gặp khó khăn trong việc cung cấp thông tin khi cơ quan có trách nhiệm không gặp và từ chối, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, với chức năng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận, trong thời gian tới, Mặt trận sẽ có chương trình phối hợp với Chính phủ giám sát về thực hiện cơ chế trả lời báo chí và cơ chế người phát ngôn của cơ quan Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Đối với việc tiếp cận nguồn tin, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, sắp tới MTTQ Việt Nam sẽ có cuộc làm việc với 5 bộ ngành địa phương trong việc công bố kết quả thanh tra những năm qua. Đây là nguồn tin chính thống, báo chí có thể khai thác.
Về việc bảo vệ nhà báo trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân gợi ý Hội Nhà báo Việt Nam nên tổ chức tọa đàm chuyên đề, mời các cơ quan liên quan đến công tác bảo vệ nhà báo và người cung cấp thông tin trong cuộc đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí tham gia để kiến nghị với các cơ quan chức năng có những biện pháp hiệu quả hơn.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo, cán bộ và phóng viên báo Thanh Niên.