Chiều 4/1, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBTƯ Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã tiếp thân mật bà Beatrice Maser Mallor, Đại sứ Thụy Sỹ tại Việt Nam đến chào thăm nhân dịp nhận nhiệm vụ công tác mới tại Việt Nam.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân trao đổi thân mật với Đại sứ Beatrice Maser Mallor.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nhiệt liệt chào mừng bà Đại sứ Beatrice Maser Mallor nhận trọng trách mới tại Việt Nam. Đồng thời vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước thời gian qua phát triển tích cực. Việc hai bên duy trì trao đổi đoàn các cấp góp phần tạo sự tin cậy và động lực trong nhiều lĩnh vực.
Cảm ơn Chính phủ Thụy Sỹ ưu tiên cung cấp ODA cho Việt Nam và tăng ODA cho Việt Nam giai đoạn 2013 - 2016 lên 2 tỷ USD, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, các dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Thụy Sỹ được thực hiện hiệu quả, đóng góp tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập Việt Nam.
Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận về phát triển kinh tế - xã hội và trở thành nước có thu nhập trung bình nhưng còn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức.
Việt Nam mong muốn Thụy Sỹ tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho Việt Nam trong thời gian tới, nhất là trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tăng trưởng xanh, kinh tế, biến đổi khí hậu…
Vui mừng nhận thấy hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sỹ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo tiếp tục có những bước phát triển tích cực. Hiện tại Việt Nam có 1.150 sinh viên đang học tập tại Thụy Sỹ.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Việt Nam coi giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu và đang triển khai đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển cũng như hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việt Nam mong muốn Thụy Sỹ chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống giáo dục chất lượng cao, nhất là gắn đào tạo nghề, phát triển khoa học - công nghệ với đào tạo tại các trường đại học, trung tâm nghiên cứu,tạo điều kiện cho sinh viên sang học tập, nghiên cứu tại Thụy Sỹ.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao vai trò và tiếng nói tích cực của Thụy Sỹ trong 13 phiên đàm phán vừa qua về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với khối EFTA (Na Uy, Thụy Sỹ, Ai-xơ-len, Lích-xten-xtan). Việc ký kết hiệp định sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa các nước thành viên EFTA với Việt Nam nói chung và giữa hai nước nói riêng.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân trao đổi thân mật với Đại sứ Beatrice Maser Mallor.
Việt Nam mong muốn hai bên tiếp tục thể hiện linh hoạt, quan tâm thích đáng đến lợi ích cốt lõi của nhau đồng thời tính đến sự chênh lệch về trình độ phát triển, thúc đẩy để đàm phán sớm kết thúc, hướng tới một hiệp định cân bằng, tiêu chuẩn cao.
Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Thụy Sỹ là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam tại châu Âu. Tuy nhiên, kết quả hợp tác giữa hai nước chưa tương xứng với tiềm năng. Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác thương mại - đầu tư giữa hai nước, tập trung vào các lĩnh vực Thụy Sỹ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ cao, hóa chất…
Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện nhiều chính sách thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Thụy Sỹ sang đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi.
Tại buổi tiếp, Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã giới thiệu về vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam. Trong đó khẳng định, một trong những chức năng quan trọng của MTTQ là phát động rộng rãi các phong trào thi đua yêu nước, thúc đẩy thông tin hai chiều giữa người dân với Đảng.
Bên cạnh đó, cung cấp kịp thời các thông tin cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội. Định kỳ 6 tháng một lần MTTQ sẽ báo cáo ý kiến của nhân dân tới Quốc hội…
Cảm ơn Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đã dành thời gian đón tiếp, Đại sứ Beatrice Maser Mallor khẳng định, quan hệ hợp tác giữa Thụy Sỹ và Việt Nam ngày càng tốt đẹp.
Đề cập đến Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với khối EFTA, Đại sứ Thụy Sỹ nêu rõ, Thụy Sỹ tiếp tục ủng hộ Việt Nam để nhanh chóng đi đến ký kết Hiệp định trong thời gian ngắn nhất. Thụy Sỹ sẽ tiếp tục cung cấp vốn ODA cho Việt Nam, tập trung vào lĩnh vực kinh tế cũng như đảm bảo để phát triển các nguồn năng lượng khác…
Nhã Phương