Trong khuôn khổ chuyến thăm tại Thanh Hóa, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác Trung ương đã dự lễ khởi công dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Tại sự kiện long trọng này, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã trình bày báo cáo tóm tắt dự án Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Cụ thể, trước âm mưu của địch muốn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo khẩn trương bố trí một bộ phận cán bộ, đảng viên ở lại miền Nam để lãnh đạo cuộc chiến đấu và chuyển hàng vạn đồng bào và con em các gia đình cách mạng đi cùng với bộ đội và cán bộ tập kết ra Bắc để đào tạo đội ngũ cán bộ.
Được Bác Hồ tin tưởng giao phó, từ giữa tháng 10/1954 đến tháng 5/1955, tại xã Quảng Tiến (nay là phường Quảng Tiến, TP Sầm Sơn), Thanh Hóa đã đón tiếp 1.869 thương, bệnh binh; 47.346 cán bộ; 5.922 học sinh, sinh viên và 1.443 gia đình cán bộ ở Miền Nam tập kết ra Bắc như đón những người thân, với tình cảm ruột thịt “Nam Bắc một nhà”.
Suốt 68 năm qua, những cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ngày ấy, đã tham gia và có những cống hiến to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người đã trở thành những cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; các tướng lĩnh, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, nhà báo nổi tiếng, nhiều doanh nhân tài ba, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động… góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước.
Năm 2014, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh Miền Nam tập kết ra Bắc, tỉnh Thanh Hóa đã thống nhất giao cho TP Sầm Sơn bố trí quỹ đất để xây dựng dự án Khu lưu niệm. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư trên 254,9 tỷ đồng, bao gồm 2 khu: Khu A có diện tích 13.580 m2 (gồm Tượng đài con tàu tập kết, nhà trưng bày hiện vật, đón tiếp, kết hợp chiếu phim tư liệu; phù điêu lớn hình cánh cung và công trình phụ trợ); Khu B có diện tích 1.985 m2 (gồm 3 lán trại, giếng nước, cây xanh cảnh quan và công trình phụ trợ, mô phỏng nơi ăn ở, sinh hoạt của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam). Bên cạnh đó còn có “Con đường ký ức” dài 1,1 km; tuyến nhánh đại lộ Nam sông Mã đến khu B với chiều dài 665 m; Công viên chuyên đề diện tích 23.865 m2. Theo dự kiến, thời gian thực hiện và hoàn thành công trình là 270 ngày.
Phát biểu tại lễ khởi công, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với vai trò, vị thế quan trọng, Thanh Hóa được Đảng, Chính phủ tin tưởng chọn là điểm tập kết của cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết. Do đó, đối với Dự án Khu lưu niệm phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng và giá trị văn hóa; đồng thời, bảo đảm tiến độ, phấn đấu hoàn thành vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc trong năm 2024.
Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa cần phối hợp chặt chẽ với Ban liên lạc học sinh miền Nam trong toàn quốc và các gia đình cựu cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam, tiến hành vận động, sưu tầm các tư liệu, hình ảnh, hiện vật, kỷ vật thể hiện tình cảm Bắc - Nam ruột thịt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cũng như tái hiện được hình ảnh những chuyến tàu đưa hơn 15 vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Chủ tịch nước mong muốn, sau khi hoàn thành, Khu lưu niệm sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn du khách và là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước cho các thế hệ người dân Việt Nam mỗi khi đến với mảnh đất Thanh Hóa trung dũng, kiên cường.