Ông Đặng Quốc Khánh được tái cử chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2016-2021 với số phiếu tín nhiệm 100%. 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 tái cử…
Quang cảnh kỳ họp thứ I HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021.
Ngày 27/6, kỳ họp thứ I HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII nhiệm kỳ 2016-2021 đã tiến hành bỏ phiếu bầu các chức danh chủ chốt như Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh.
Trong buổi sáng, các đại biểu tại kỳ họp đã bầu ông Lê Đình Sơn - Bí thư tỉnh ủy tiếp tục giữ chức Chủ tịch HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021 với số phiếu tín nhiệm 54/54 phiếu (đạt 100%).
Sau phần bầu cử Chủ tịch HĐND tỉnh khóa XVII, Kỳ họp thứ nhất cũng tiến hành bầu các Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 và trưởng/phó các Ban HĐND, Chánh Văn phòng HĐND tỉnh.
Theo đó, bà Nguyễn Thị Nữ Y tái cử Phó Chủ tịch HĐND tỉnh với 54/54 phiếu, ông Võ Hồng Hải (nguyên Bí thư huyện ủy Can Lộc) giữ chức Phó Chủ tịch HĐND tỉnh với 53/54 phiếu.
Ông Đặng Quốc Khánh được tái cử chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021 với số phiếu tín nhiệm 100%. 3 Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 tái cử chức danh này, gồm các ông: Đặng Quốc Vinh, Dương Tất Thắng, Đặng Ngọc Sơn.
Tặng hoa chúc mừng Thường trực HĐND tỉnh khóa XVII.
Buổi chiều, các đại biểu được nghe ông Đặng Quốc Vinh báo cáo tổng kết tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ và giải pháp 6 tháng cuối năm 2016.
Theo đó, tổng sản phẩm toàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2016 theo giá so sánh năm 2010 ước đạt 16.937 tỷ đồng, giảm 16,4 % so với cùng kỳ năm 2015 . Trong đó: khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản ước đạt 3.726,9 tỷ đồng, tăng 9,62% ; khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 5.686,7 tỷ đồng, giảm 27,81% (trong đó công nghiệp đạt 2.559,9 tỷ đồng, tăng 9,16%; xây dựng đạt 3.126,8 tỷ đồng, giảm 42,98%); khu vực dịch vụ ước đạt 7.532,8 tỷ đồng, giảm 16,33% .
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và đạt được một số kết quả nhất định. Từ đầu năm đến nay thành lập mới 1.295 mô hình sản xuất, trong đó: 133 mô hình lớn, 177 mô hình vừa và 985 mô hình nhỏ, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2015 về số lượng mô hình; thành lập mới được 176 tổ hợp tác, 121 hợp tác xã, 124 doanh nghiệp, bằng 112 % so cùng kỳ năm 2015. Đến nay, ngoài 52 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới có 02 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí; 14 xã đạt từ 13-18 tiêu chí; 138 xã đạt từ 9-12 tiêu chí; 25 xã đạt dưới 9 tiêu chí.
Về việc xử lý sự cố môi trường biển, ngay sau khi xẩy ra sự cố, ngày 07/4/2016 UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra, lấy mẫu, quan trắc, theo dõi diễn biến tình hình sự cố môi trường; các địa phương kịp thời thu gom tiêu hủy hải sản bị chết, không để gây ô nhiễm môi trường.
Tỉnh Hà Tĩnh đã đầu tư xây dựng Trung tâm điều hành hệ thống quan trắc tự động đặt tại Trung tâm Quan trắc môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường; yêu cầu Công ty Formosa khẩn trương đầu tư lắp đặt bổ sung thiết bị quan trắc nước thải tự động để quan trắc đủ 12 thông số của nước thải theo quy định; xây dựng Trung tâm Quan trắc môi trường của Khu Kinh tế Vũng Áng và phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt Trạm quan trắc nước thải tự động tại đây để kiểm soát việc xả thải của Formosa.
Để hỗ trợ ổn định đời sống cho ngư dân, khôi phục sản xuất; UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động ban hành các chính sách hỗ trợ các hộ nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại, hỗ trợ mở các cửa hàng kinh doanh hải sản an toàn, hỗ trợ gạo cho các hộ bị ảnh hưởng, tiền cho các chủ tàu dưới 90CV, thu mua muối cho người dân, hỗ trợ tiền điện cho các kho đông lạnh dự trữ hải sản và các chính sách khác theo Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Chúc mừng Chủ tịch UBND tỉnh và các phó chủ tịch.
Đến nay, đã hoàn thành việc hỗ trợ gạo đến tận người dân với số lượng trên 1.500 tấn cho 17.068 hộ với 66.967 nhân khẩu; hỗ trợ 666,2 triệu đồng cho các đối tượng nuôi trồng bị thiệt hại; hỗ trợ hình thành 25 cửa hàng kinh doanh hải sản an toàn (5 triệu đồng/cửa hàng); hỗ trợ tiền cho 3.852/4.684 chủ tàu, thuyền đã phê duyệt với số tiền là 17.718 triệu đồng. Đã cấp phát cho 10.328 hộ gia đình với số tiền 9.450 triệu đồng, cấp phát 30 tấn gạo cho các hộ dân từ nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân. Vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho các hộ dân qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh số tiền 2.799,6 triệu đồng.
Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã tích cực triển khai các biện pháp xác định thiệt hại, xây dựng phương án hỗ trợ các đối tượng, như miễn giảm lãi, cơ cấu lại thời gian trả nợ; đồng thời đẩy mạnh cho vay mới đối với các khách hàng ở vùng bị thiệt hại hoặc đầu tư kinh doanh ngành nghề liên quan đến thủy hải sản.
Sau khi xảy ra sự cố môi trường, tình hình tiêu thụ hải sản, muối gặp nhiều khó khăn, giá hải sản thấp (giảm từ 30 đến 50%). Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt, kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ thu mua của tỉnh nên từng bước khôi phục sản xuất, tiêu thụ hải sản cho ngư dân. Đến nay, việc tiêu thụ hải sản, muối cho ngư dân, diêm dân diễn ra ổn định. Việc tiêu thụ muối được Công ty Cổ phần Muối và Thương mại Hà Tĩnh cam kết thu mua từ 70 - 80 sản lượng muối của diêm dân với giá từ 1.200 đồng/kg đến 1.350 đồng/kg (bằng và cao hơn năm 2015).
Đến nay đã tiến hành thả nuôi thủy sản 6.893ha/kế hoạch 7.820ha; trong đó nuôi nước ngọt đạt 5.043ha/kế hoạch 5.043ha; nuôi mặn lợ 1.850ha/kế hoạch 2.777ha. Số lượng tàu cá trên địa bàn tỉnh ra khơi đánh bắt, khai thác hải sản có tăng dần, dao động từ 54% đến 65%; từ đầu tháng 6 đến nay tỷ lệ tàu cá ra khơi đạt trên 60%.
Cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2016, số lượng tàu cá ra khơi đánh bắt, khai thác hải sản có giảm, nhưng từ giữa tháng 5 đến nay đã tăng dần, dao động từ 54 đến 67%. Tính từ ngày 10/5/2016 đến ngày 21/6/2016, sản lượng khai thác ước đạt 4.874 tấn.
Đại Đoàn Kết online sẽ tiếp tục cập nhật các thông tin quan trọng của kỳ họp tới bạn đọc